Lang thang miền gái đẹp
(Dân trí) - Ít ai biết rằng ở một nơi “thâm sơn cùng cốc” thuộc phía Tây của vùng núi Yên Tử lại có một bản người dân tộc Dao sở hữu rất nhiều những mỹ nữ xinh đẹp. Đến mức người ta còn ưu ái gọi đây là “bản gái đẹp”.
Lạc giữa “rừng hoa”
Giữa thời điểm giá rét căm căm như cắt da, cắt thịt những ngày cuối năm Nhâm Thìn, mấy người chúng tôi rủ nhau băng rừng, vượt suối để lang thang lên vùng đất “khỉ ho cò gáy” thuộc bản Mậu, xã Tuấn Mậu, Sơn Động (Bắc Giang).
Bản Mậu nằm lọt thỏm trong thung lũng, được bao phủ bởi một lớp mây mù “đặc quánh”, nơi đây có hơn 100 hộ là người Dao Thanh Y. Đứng tại bản ngước mắt nhìn thấy chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh) ngay trước mặt.
Vẻ đẹp tự nhiên, mộc mạc, không cần nhờ vào son phấn, của những thiếu nữ người Dao ở bản Mậu
Anh Phương nháy mắt lém lỉnh: “Bản Mậu có cả chục bóng hồng, các anh lên đây cứ từ từ mà ngắm. Con gái ở đây không cần bùa yêu thuốc lú mà cánh đàn ông dưới xuôi vẫn “chết” như điếu đổ”.
Ông Trịnh Văn Phúc, 86 tuổi, là người dân ở bản, khoe, so với một số bản người Dao lân cận như Thanh An, Tân Lập, Đồng Thông, con gái bản Mậu đẹp nhất. Vì thế các cô gái ở đây rất “đắt chồng”. Cũng theo lời ông Phúc, những năm 90 thế kỷ XX, có người đẹp Bàn Thị Giảng của bản đoạt giải người đẹp miền núi phía Bắc. Gần đây nhất là cháu gái ông tên là Trịnh Thị Hương, đứng trong top 10 hoa hậu các dân tộc; được nhận danh hiệu “Hoa hậu hoa cúc” năm 2007.
Huyền thoại bản mỹ nữ
Nói về nguồn gốc vẻ đẹp của con gái bản Mậu, tồn tại nhiều truyền thuyết khác nhau. Những người già ở đây kể với giọng điệu đầy liêu trai: Ngày xưa, bản Mậu có một người con gái bất hạnh, đã nghèo lại xấu xí đến “ma chê quỷ hờn” nên bị cho là ma quỷ, bị đuổi ra khỏi bản. Vì thương đứa con tội nghiệp nên cha mẹ đã dựng cho cô một túp lều tận bìa rừng, cạnh chân núi Tây Yên Tử, để dân bản không một ai còn nhìn thấy cô.
Người dân trong vùng còn truyền tụng nhau rằng: Ngày xưa, cạnh chỗ nhà sàn văn hóa của bản bây giờ có cái giếng nước trong vắt, ngọt lịm. Con gái bản Mậu thường ra đây múc nước rửa mặt, tắm gội nên cô nào cũng trắng trẻo, phong nhũ phì đồn. Thế rồi bao nhiêu cô gái xinh đẹp cứ lần lượt bị con trai nơi khác đến tán tỉnh rồi lấy làm vợ. Đám trai bản Mậu tức quá mới làm bẩn nước giếng khiến các cô không dám múc nước giếng tắm gội nữa. Nhưng không hiểu sao con gái ở đây vẫn cứ “sắc nước hương trời”.
Theo ông Trịnh Văn Phúc, còn một tích nữa về sắc đẹp của gái bản Mậu nghe thuyết phục hơn. Đó là câu chuyện cách đây hơn 700 năm, nhân những chuyến theo vua Trần Nhân Tông từ kinh thành đến núi Yên Tử tu hành, các cung nữ lên vãn cảnh chùa Đồng, trời tối nên vào nhà đồng bào xin nghỉ tạm qua đêm. Được tiếp đón chu đáo, cảm kích trước tấm lòng của đồng bào nên nhiều cung nữ đã xin ở lại. Cũng có một số cung tần, mỹ nữ tuy bị thất sủng, nhưng mỗi khi vua vi hành hay vãn cảnh chùa cũng được cử đi theo hầu. Nhân dịp này, các cô tìm cách trốn và ở lại đây sinh sống luôn. Thế nên ngày nay, hậu duệ của các cung tần, mỹ nữ này mới có vẻ đẹp đài các, quý phái như vậy.
Khải Hoàn