Lạng Sơn: Cảnh báo nạn tróc vỏ cây đem bán
Thời gian gần đây do thương lái thông báo thu mua vỏ cây, nhiều người dân ở Lộc Bình - Lạng Sơn rỉ tai nhau lên rừng, gặp cây to bèn chặt hạ rồi tước vỏ, cây nhỏ thì bị tróc trần cả thân lẫn cành gom lại bán cho tư thương.
Cả xã Ái Quốc có 19 thôn bản thì có tới 10 thôn có người đi rừng lấy vỏ cây. Ông Linh Văn Đàn, một tư thương chuyên thu gom từ gốc rồi vận chuyển tới biên giới giao cho người bên kia chẳng giấu diếm: Mỗi ngày ông gom được cỡ 3 tấn vỏ cây cả khô lẫn tươi.
Từng loại cây mua với giá khác nhau, như vỏ cây mạy sé giá 1.000 đồng/kg, mạy luồn được 3.000 đ/kg. Không chỉ ông Đàn, nhiều người khác cũng mò tới những bản sống sát bìa rừng nguyên sinh để thu mua vỏ cây.
Những ngày này ở các thôn Quang Khao, Co Pheo, Đông Sung… người dân phơi đầy vỏ cây trên đường, rệ cỏ, mái nhà chờ người đến để bán.
Ông Triệu Văn Thành - Chủ tịch MTTQ xã Ái Quốc - cho biết hiện toàn xã có 60.000 ha đất nông nghiệp, chủ yếu là rừng rất đa dạng về mặt sinh học, thế nhưng gần đây rừng cũng bị suy kiệt dần bởi người dân lên rừng hái củi về đun và tróc vỏ cây.
Trong số 2.372 nhân khẩu của 437 hộ dân ở Ái Quốc hiện gần một nửa số hộ vẫn thuộc diện nghèo dân đói. Người dân bản lại có suy nghĩ “Gần sông uống nước sông, gần núi dựa vào núi”, thế là họ rủ nhau lên rừng mặc sức khai thác tài nguyên từ rừng.
Ở xã Mẫu Sơn cũng có những việc tương tự. Mỗi cây rừng có tuổi đời khoảng chục năm, có thể lấy được 20 kg vỏ, cho thu nhập độ 2-3 chục ngàn đồng một cái giá quá rẻ.
Ông Hoàng Tiến Phúc - Phó bí thư xã Mẫu Sơn - thở dài cho biết: “Trước tình trạng dân lên rừng phá hoại cây rừng, xã chưa thể có biện pháp gì ngăn chặn ngoài việc tuyên truyền, vận động bà con không được làm công việc đó nữa…”.
Cây rừng ở huyện biên giới Lộc Bình, ở xứ Lạng đang kêu cứu. Thế nhưng chính quyền và các ngành chức năng, nhất là kiểm lâm vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nhằm chấm dứt tình trạng này.
Theo Nguyễn Duy Chiến
Báo Tiền phong