1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Làng sắp… trôi sông

(Dân trí) - Trên 350 hộ dân của thôn Đông Bình (Duy Vinh, Duy Xuyên, Quảng Nam) đang phải sống trong cảnh thấp thỏm lo âu, sợ một ngày “cả cái làng dệt chiếu truyền thống này sẽ bị nước cuốn đi”, như trưởng thôn Võ Nghi nói trong hoang mang.

Đã nghèo lại thêm khó

 

Thôn Đông Bình giống như một ốc đảo, được bao bọc bởi bốn bề là nước của những con sông lớn như Thu Bồn, Trường Giang, Ly Ly. Nằm ở hạ lưu các con sông nên Đông Bình  thường xuyên phải chịu một lưu lượng nước rất lớn từ thượng nguồn đổ về, cộng với thuỷ triều lên cao nên vùng đất này luôn ngập lụt, ẩm ướt.

 

Suốt chiều dài hơn một nghìn mét đất giáp sông của thôn, không nơi nào không bị sạt lở, có nơi nước đào sâu tới 20-25m. Con đường duy nhất để đến với làng chiếu chỉ có một chiếc cầu phao cũ nát, vừa đi vừa sợ rơi xuống nước.

 

Hầu hết các ngôi nhà trong thôn đều chỉ được xây dựng bằng gỗ và lợp tôn rất sơ sài, thậm chí có nhà chỉ ghép mấy tấm tôn làm chỗ chui ra chui vào. Khi có người vào làng bán thức ăn thì mọi người búa xua ra mua, thức ăn chỉ vài con cá, mấy bó rau…

 

Trưởng thôn Võ Nghi nói: “Thức ăn thì bữa được bữa mất; chợ thì xa mà phương tiện đi lại khó khăn, được cái cầu thì mỗi lần đi lại phải nộp tiền nên bà con ở đây hầu như không đi chợ, chỉ trông vào mấy bà bán hàng rong này thôi. Hôm nào họ nghỉ thì ăn cơm với muối”.

 

Không những thế, dù đã có nguồn nước sạch vào thôn nhưng đa số người dân ở đây vẫn phải sinh hoạt, ăn uống bằng thứ nước nhiễm phèn, nhiễm mặn. Dân trong thôn than thở: “Thôn tui còn nghèo lắm, cái gì cũng thiếu cả, mấy đứa nhỏ nhà tui đều phải vào Nam làm ăn chứ ở nhà chịu không nổi”.

 

Cuộc sống nghèo thế cũng chẳng được yên thân. Hàng năm, nước sông xâm thực lấn chiếm đất liền, hàng trăm mét khối đất đá cứ trôi theo dòng chảy khiến nhiều ngôi nhà đứng trước nguy cơ trôi ra biển. Cả thôn cứ thoi thóp lo sợ. Ông Võ Nghi than thở: “Đã nghèo lại thêm sạt lở, bà con trong thôn không yên tâm mà làm ăn”.

 

Bị cô lập giữa bốn bề sông nước nhưng thôn chẳng có nổi một chiếc điện thoại để liên lạc ra bên ngoài khi gặp khó khăn. Chỉ tay vào chiếc điện thoại để bàn, ông Nghi não nề: “Đây là cái máy xã mới cấp cho thôn năm ngoái để phòng có chuyện khẩn cấp xảy ra. Bình thường thì nó cũng kêu, nhưng đến khi mưa to gió lớn thì alô lại không được”.

 

Cả thôn được một cái cầu phao duy nhất làm phương tiện nối liền với các thôn khác nhưng đến khi mưa to quá cũng phải tháo gỡ vì sợ hỏng. Thế là thôn Đông Bình cứ như một ốc đảo, nằm chơ vơ giữa đầu sóng ngọn gió, hoàn toàn cô lập với thế giới bên ngoài.

 

Chiếu Bàn Thạch đi về đâu?

 

Thôn Đông Bình vốn được xem là “cái nôi” của nghề chiếu cói Bàn Thạch vốn nổi tiếng xưa nay. Cả thôn có gần 200 hộ thì có 80% gia đình lấy nghề dệt chiếu làm kế mưu sinh. Tất cả thu nhập kinh tế đều trông chờ vào chiếc chiếu.

 

Gia đình cụ Trần Thị Hào (72 tuổi) đã bao đời gắn với nghề làm chiếu, mỗi ngày dệt được 2-3 chiếc chiếu, bán được gần 40 ngàn đồng, trừ mọi chi phí, thu về được chừng 16-17 ngàn đồng. Không đáng là bao nhưng vẫn phải bám vào nghề mà sống.

 

Mùa mưa lũ hàng năm, thôn Đông Bình bị sạt lở nghiêm trọng, diện tích đất đai bị rút ngắn, hàng chục ngôi nhà bị di dời và rất nhiều khung dệt, nguyên vật liệu của bà con bị hư hỏng nặng. Mỗi lần như vậy, nguy cơ mai một làng nghề lại tăng lên.

 

Quanh năm chỉ dựa vào nghề chiếu, vậy mà toàn bộ diện tích trồng cói của thôn ở Cồn Biện, Trà Mi thượng, Trà Mi hạ đã bị nước ngoạm gần hết.

 

Được biết năm 2002, tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định phê duyệt dự án phát triển làng nghề chiếu cói Bàn Thạch ở thôn Đông Bình và kè bờ chống  sạt lở, tổng số vốn đầu tư lên đến 6,5 tỷ đồng.

 

Nhưng qua mấy lần cân nhắc thiết kế, chuyển đổi cơ quan quản lý, đến nay việc xây dựng bờ kè thôn Đông Bình vẫn nằm trong dự kiến với sự chờ đợi mỏi mòn của người dân nơi đây. Mới đây, cả thôn Đông Bình hớn hở vui mừng khi nghe tin tháng 5 này, việc xây kè sẽ được triển khai. Có thật tháng 5 không, hay lại “treo” để dân nghèo cứ mãi nơm nớp lo?

 

Nguyễn Dung