Làng nghèo từng dùng nến mỗi đêm, nay tự sản xuất điện cho 50 hộ
(Dân trí) - 50 hộ dân trong làng "đổi đời" nhờ có nguồn điện riêng, không còn phải dùng ánh nến mỗi buổi tối.
Id Mjahdi tại Maroc là ngôi làng đầu tiên trên toàn châu Phi được cung cấp 100% nguồn điện tạo ra từ năng lượng mặt trời. Theo Cơ quan năng lượng quốc tế, châu Phi đóng góp chưa đến 1% công suất điện mặt trời toàn cầu, nhưng tiềm năng ở đây lớn. Và năng lượng mặt trời có thể trở thành một trong những nguồn năng lượng chính của châu Phi.
Hiện nay, Maroc đáp ứng được 35% nhu cầu điện từ năng lượng tái tạo và hy vọng con số này tăng lên 52% trong 10 năm tới.
Id Mjhadi đã được Cleanergy - công ty năng lượng mặt trời ở Maroc lựa chọn để thử nghiệm mô hình bền vững cho các cộng đồng vùng sâu vùng xa. Bởi vì, nơi đây cần tất cả mọi thứ.
Trước đây, người dân trong làng dùng nến để thắp sáng và thường chỉ có thể thắp nến một tiếng đồng hồ để làm việc và học tập vào buổi tối. Nếu muốn sưởi ấm hay nấu ăn, dân làng sẽ đốt vỏ cây nhưng thói quen này không tốt cho sức khỏe.
Làng cũng không có nơi chứa nước và không có nguồn cung cấp nước nào gần đó. Những người phụ nữ phải đi bộ nhiều km để tới giếng nước gần nhất.
Bước đầu tiên trong dự án là xây dựng tháp chứa nước, sau đó lắp trạm phát điện với 32 tấm pin năng lượng mặt trời tạo ra 8,32 kilowatt điện rồi được phân phối qua mạng lưới điện nhỏ.
Các tấm pin năng lượng mặt trời này giúp cung cấp điện cho 50 hộ dân. Dự án chỉ tốn khoảng 188.000 USD chi phí. Nằm trong khuôn khổ của dự án, các hộ dân còn được cấp một tủ lạnh, bình đun nước nóng, tivi, lò nướng và ổ cắm điện để sạc điện thoại hoặc chạy các thiết bị điện khác.
Nguồn điện ở làng này còn được cung cấp cho một cơ sở đào tạo tại địa phương. Đây là nơi có 30 phụ nữ được hướng dẫn cách sản xuất dầu từ quả argan. Loại dầu này có giá đắt đỏ và là sản phẩm nổi tiếng ở Maroc.
Phát triển năng lượng mặt trời là trọng tâm của chính phủ Maroc vì mặt trời được cho là nguồn tài nguyên dồi dào nhất của đất nước. Bên cạnh đó, nước này còn là nơi có trang trại năng lượng mặt trời vào hàng lớn nhất thế giới.