1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Nam:

Làng nghề hồi sinh, nhà nhà khấm khá

(Dân trí) - “Dựng nhà dừa, cái nghề tưởng bỏ đi rồi nhưng con tạo xoay vần lại sống dậy, còn giúp dân trong làng mưu sinh, làm giàu. Một người mỗi ngày kiếm tiền trăm, mỗi tháng kiếm tiền triệu, nhà nào cũng khấm khá hẳn lên”.

Ông Trần Bừa, nhà ở làng dừa Bảy Mẫu (thôn 2, Cẩm Thanh, Hội An, Quảng Nam) nói về chuyện mấy năm gần đây nhờ chính nghề truyền thống mà dân làng “đổi đời”

Làng nghề hồi sinh, nhà nhà khấm khá - 1

Một góc làng dừa Bảy Mẫu

Nghề làng mấy trăm năm có khi bỏ đi rồi

Ông Bừa, đã hơn 60 tuổi, nheo mắt nhớ: “Chẳng biết nghề làm nhà dừa ở làng ni có từ đời mô nhưng chắc phải hơn trăm năm. Thời cụ cố tôi đã có nghề rồi. Bọn trẻ con trong làng như tôi ngày nhỏ, chừng 5-7 tuổi đã theo mẹ xuôi ghe dọc lòng sông đi chặt lá dừa, rồi học cha bện dừa, thuộc tính dừa như thuộc lòng bàn tay mình”.

Làng nghề hồi sinh, nhà nhà khấm khá - 2

Những người già trong làng cho biết họ được ông cha truyền nghề và thạo các khâu dựng nhà dừa từ nhỏ

Nghề cũng cực công. Sự khốn khó, dãi dầu hiển hiện từ đầu làng, nơi hai hàng dừa xanh mướt dẫn đường cho chúng tôi vào làng, đã thấy mấy người đàn bà hò nhau kéo lá dừa tươi từ ghe lên bờ, sắp thẳng tắp hai bên đường làng phơi nắng.

Bà Nhị vừa kéo tàu lá dừa to kềnh vừa kể: “Nghề phân công đàng hoàng. Đàn ông lên rừng đốn tre làm cột rồi bện dừa thành tấm dựng nhà. Đàn bà chèo ghe ra Bảy Mẫu chặt lá dừa về phơi khô. Mỗi công đoạn đều có cái cực của nó. Như bọn tui đây vừa mới dầm nước chặt lá dừa xong lại xoay vần với nắng phơi lá dừa. Từ thời con gái đã vậy rồi nên thấy quen không thì dễ bị cảm lắm”.

Làng nghề hồi sinh, nhà nhà khấm khá - 3

Bà Nhị đã có 40 năm đi chặt rồi phơi lá dừa lợp nhà từ thời con gái

Chúng tôi đi sâu vào trong làng. Nhà nào cũng có khoảnh sân rộng dựng sản phẩm và chất dừa đầy hai bên ngõ vào. Anh Võ Tất Thắng (40 tuổi, người dân thôn 2, xã Cẩm Thanh) vừa thoăn thoắt đôi bàn tay bện lá dừa thành tấm lớn vừa ghìm chân giữ cho tấm thành dừa cố định, nói: “Để lá dừa dai, chắc, bện chặt được như vậy phải qua nhiều công đoạn: dừa chặt về phơi khô phải tách lá và cọng riêng, cọng dừa đem ngâm để khỏi tiết ra “mồ hôi”.

Nhà làm bằng lá dừa phải chống bằng cột tre. Khoảng độ tháng giêng âm lịch hằng năm, thanh niên trong làng kéo nhau lên các huyện miền núi Quảng Nam, săn tìm những bụi tre già, đủ tuổi để mua rồi kết bè xuôi theo sông Thu Bồn về làng.

Muốn cho tre chắc bền và giữ được màu, chống mối mọt, phải trẩy sạch mắt tre rồi chờ cho con nước cạn, đem chôn sâu dưới lòng dòng sông, ngâm từ 8 tháng cho đến 2 năm, chờ cho tre đủ mặn, có mùi thối mới sử dụng. Những tháng còn lại, việc chính là bện dừa thành từng tấm, khéo sao cho chặt và không bện lệch hoạ tiết trang trí…”.

Ông Trần Bừa chép miệng thay cho cảm nhận của chúng tôi rồi nói: “Nghề cực công và đòi hỏi kỹ như vậy nhưng có quãng nhà nhà ai người ta cũng xây bằng gạch với xi măng. Chẳng mấy ai còn dựng nhà dừa. Mà có làm cũng không kiếm được bao nhiêu, chủ yếu lấy công làm lời. Thanh niên nghe ông cha giữ nghề, ráng mấy cũng trụ không nổi, nghề dừa có quãng bỏ đi rồi”.

Nay lại hái ra tiền

Ông Bừa mới chép miệng đó rồi lại cười hỉ hả: “Dựng nhà dừa, cái nghề tưởng bỏ đi rồi nhưng con tạo xoay vần lại sống dậy, còn giúp dân trong làng mưu sinh, làm giàu. Một người mỗi ngày kiếm tiền trăm, mỗi tháng kiếm tiền triệu, nhà nào cũng khấm khá hẳn lên”.

“Con tạo xoay vần” mà ông Bừa nói chính là khi ngành du lịch bắt đầu chạm chân đến ngõ làng dừa. Nhu cầu dựng nhà dừa tạo không gian kiến trúc đậm sắc Việt của những khu resort, khách sạn, nhà hàng…đã hồi sinh nghề cha truyền con nối của làng dừa Bảy Mẫu.

Làng nghề hồi sinh, nhà nhà khấm khá - 4

Nhu cầu dựng nhà dừa tạo nét kiến trúc Việt trong các nhà hàng, khách sạn... đã hồi sinh làng dừa

Miền Trung mỗi năm được một mùa nắng còn thì toàn mưa bão, nhưng mùa nào dừa Bảy Mẫu cũng xanh mướt. Lá dừa dù bị gió bão xé rách tả tơi vẫn cứ xanh. Nhà làm bằng lá dừa ở làng này cũng vậy, giỏi chịu nắng chịu mưa. Thêm cái “thương hiệu” “làng giỏi nghề” vậy là không chỉ khách hàng quanh quanh trong thành phố Hội An nổi tiếng làm du lịch, mà ở đâu đâu ngoài Bắc, trong Nam cũng tìm tới đặt hàng. Có khi phải kéo cả hội trong làng tới công trình ở các tỉnh khác để dựng nhà tại chỗ.

Theo anh Võ Tất Thắng cho biết: Nhà có 7 người đều tập trung làm dừa hết. Có khi “quá tải” hợp đồng, lại nhượng sang cho nhà khác, cùng giúp nhau làm ăn. Những tháng mưa gió như cỡ này thường ít hơn tháng nắng vậy mà vẫn cứ nhận hàng đều đều.

Làng nghề hồi sinh, nhà nhà khấm khá - 5

Trò chuyện với chúng tôi, anh Thắng vẫn không ngớt tay làm

Làng nghề hồi sinh, nhà nhà khấm khá - 6

Nhờ nghề làng mà những nhà nghề như nhà anh Thắng bắt đầu xây dựng được những mái nhà khang trang cho gia đình

Cái “ăn tiền” không chỉ chất lượng dừa tốt, nhà dừa dựng lên rất bền sức chịu mưa nắng, mà còn đẹp nữa. Nắm được yêu cầu mỹ thuật cao của kiến trúc phục vụ du lịch, muốn đắt khách, làm giàu phải năng học hỏi, sáng tạo để tìm ra những kiểu, họa tiết trang trí hợp thời, hút khách. Giá thành phẩm tính theo mét vuông, nếu trang trí đơn giản thì khoảng gần 200 nghìn/m2, còn trang trí cầu kỳ, đòi hỏi thẩm mỹ cao thì 5-6 trăm nghìn/m2. Một gian nhà dừa thành phẩm trị giá lên tới hàng chục triệu.

Chỉ tính riêng ở nhà anh Thắng, thu nhập bình quân ổn định mỗi người làm công ít cũng được khoảng 3 - 4 triệu/tháng. So với thu nhập người dân vùng ngoại ô như vậy cũng có thể gọi là khá giả. Nhìn nhà cửa trong làng nhà nào cũng khang trang, trẻ con trong làng hỏi ra đều được đi học đàng hoàng, tin rằng làng đã lại có thể làm giàu từ nghề dựng nhà dừa như câu nói mừng vui của ông Bừa  “nghề làng sống lại rồi, làng tui không còn lo nghèo khó”.

 Khánh Hiền