1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Lặng lẽ” bánh chưng Hà thành

(Dân trí) - Nếu có cuốc bộ một vòng chậm rãi quanh các phố phường sầm uất của Hà thành cũng rất khó để bắt gặp cảnh gói bánh chưng Tết. Thế nhưng, sâu trong các hẻm phố, ngóc ngách những nồi bánh chưng vẫn đang nghi ngút khói, cho dù không hẳn có ngọn lửa bập bùng…

“Lặng lẽ” bánh chưng Hà thành - 1
Tết năm nào, gia đình này cũng gói bánh.

 Nồi bánh nhiều “toan tính”!

“Các anh chị muốn chụp ảnh đang gói bánh thì đến nhà tôi ngay đi”, anh Nguyễn Đình Khải ở hẻm 57 phố Thợ Nhuộm cởi mở trước lời đề nghị của người viết. Anh Khải cho biết, vợ anh cùng em gái anh đang gói bánh ở nhà thì thiếu lạt giang nên anh phóng ào ra phố Trần Quý Cáp mua bổ sung.

Căn nhà sâu trong con hẻm ngoằn nghoèo của anh Khải có diện tích rất nhỏ, bày biện lá dong, gạo, thịt cùng mấy chiếc bánh đã gói xong, chỉ còn lại chút không gian ít ỏi. Vợ anh Khải trong vai người gói bánh tròn, còn em gái anh Khải gói bánh vuông, cả hai đang nhẹ nhàng nắn nót từng mép lá. Hai đứa trẻ con nhà anh Khải, trong đó bé nhỏ mới hơn một tuổi tỏ ra phấn khích với những chiếc lá, lạt giang và những chiếc bánh đã gói.

Vợ anh Khải cho biết, bánh chưng vuông được gói để đặt trên bàn thờ cúng tổ tiên trong những ngày Tết theo đúng phong tục, còn bánh tròn để ăn cho dẻo, dền. Chị Khải dự tính số bánh gói cho Tết năm nay của gia đình khoảng 15 -16 chiếc, cả tròn và vuông.

“Nhà này phụ nữ khéo tay hơn nên nhận việc gói, còn đàn ông đảm nhận chân long tong”, vợ anh Khải vui vẻ tâm sự. Người phụ nữ này cũng không nhớ mình đã gói bánh từ năm nào mà chỉ đơn giản là… năm nào cũng gói.

“Lặng lẽ” bánh chưng Hà thành - 2
Em gái anh Khải giúp một tay gói.

Anh Khải cho biết, chi phí cho nồi bánh khoảng 300 ngàn, tính ra hai mươi ngàn một chiếc, chẳng rẻ hơn mua bao nhiêu. Nhưng điều cần “tính toán” nhất là việc tự gói vừa tạo cho gia đình không khí Tết vừa tạo cảm giác “chắc ăn”.

Theo anh Khải, với cuộc sống lúc này, nếu bảo muốn ăn gì thì dù nghĩ mãi cũng không ra thứ mình thèm, nhưng với vấn đề an toàn thực phẩm người nào cũng canh cánh nỗi lo. Chỉ mường tượng đến tình huống, hết tết bánh chưng có lẫn pin, đổ vào chuồng lợn, con vật cũng “khịt khịt” mũi từ chối thì ai cũng thấy… hãi.

Ở sâu trong ngõ Chợ Khâm Thiên, bác Trần Thị Sảo cũng đang “lặng lẽ” chuẩn bị cho nồi bánh chưng của gia đình, với chỉ vẻn vẹn… 10 chiếc. Bác Sảo tâm sự, dù chỉ cần lượng lá, lạt giang rất nhỏ, nhưng khi đi chợ mua là phải nâng lên, đặt xuống, lựa chọn hàng đẹp, trả đúng giá.

Không phải năm nào gia đình bác Sảo cũng gói bánh mà năm nay chồng bác muốn làm việc này để tạo không khí Tết cho mấy đứa cháu nhỏ. 
 
“Bán lá dong là nghiệp của tôi”

Anh Minh, một người bán lá dong ở đường Trần Quý Cáp cho biết, anh đã có 30 năm gắn bó với công việc này mỗi dịp Tết. Người bán chuyên nghiệp này cho biết, xung quanh chợ lá có đến 4 gia đình bán hàng ở đây là anh em trong nhà mình.

Mỗi dịp Tết đến, con cháu là học sinh, sinh viên cũng được huy động ra đứng bán. Lượng lá do đại gia đình cung ứng mỗi ngày có thể lên tới vài vạn.

Anh Minh kể, có những vị khách mua quen ở hàng của anh hàng chục năm, thậm chí đến 20 năm và mỗi dịp Tết đến, bên bán, bên mua lại gặp nhau, cùng chào hỏi. Cũng có trường hợp, nhiều năm liền đôi vợ chồng già nọ đều đặn đến hàng anh mua lá. Năm rồi chỉ mình cụ bà lặng lẽ đến chỗ anh, hỏi ra mới biết cụ ông vừa qui tiên…
“Lặng lẽ” bánh chưng Hà thành - 3
 Có những vị khách đều đặn mỗi năm trở lại đây một lần.

Anh Minh cho biết, số người gói bánh lẻ không giảm mà có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Nhưng việc bán được nhiều hay ít lá dong theo anh còn phải căn cứ vào thời tiết - năm nào thời tiết rét mướt (chẳng hạn như năm trước), lá dong bán rất chạy.

Với năm nay, do chưa được thời tiết cộng với khó khăn chung của người dân, lượng lá dong bán được giảm nhiều so với năm trước. Ngay các nhà hàng cũng không mua nguyên liệu gói nhiều bằng năm trước. Giá cả nói chung không tăng mà còn giảm: năm trước lá đẹp có thể bán 40 - 50 nghìn/bó, trong khi năm nay chỉ 30- 40 nghìn/bó.

“Lặng lẽ” bánh chưng Hà thành - 4
Những cô cậu học trò phụ giúp gia đình bán lá.

Thời tiết vẫn còn có thể biến chuyển trong hai ngày cuối của năm Mậu Tí, anh Minh và gia đình vẫn hi vọng sức mua sẽ “bật” lên… Nhưng dù có một mùa làm ăn thắng hay không, anh Minh cho hay, nồi bánh chưng lớn của đại gia đình bán lá vẫn duy trì và sẽ được đun bằng củi lửa…

“Bán lá dong là cái nghề, cái nghiệp của tôi”, người đàn ông này “kết” lại tâm sự khi một khách quen bước vào hàng mình.

Bài, ảnh: Kim Tân - Phương Thảo