Làng Đồng Kỵ trên đất Nghệ
(Dân trí) - Ngôi làng nhỏ hơn ngàn năm tuổi nằm lọt thỏm giữa xứ Nghệ, nhưng điều khác biệt ở đây là trong làng có hàng trăm ngôi nhà cao tầng, đường bê tông sạch bóng, người dân sở hữu ô tô cả nửa tỷ đồng, mỗi năm mấy chục đứa trẻ dắt nhau vào đại học.
Từ thị xã Hồng Lĩnh ngược quốc lộ 8A, rồi rẽ trái một cây số là đến xã Thái Yên, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ngay từ đầu làng đã vang lên tiếng đục đẽo, cưa xẻ, bào, phay, mùi thơm của gỗ và sơn véc-ni. Dọc các ngả đường những chuyến xe chở hàng chen kín. Hàng trăm ngôi nhà xây nằm san sát biển. Cả ngôi làng như một thị trấn thu nhỏ.
Đột phá: chia đất cho… gỗ!
Cho đến lúc này chưa thể xác định ai là “ông Tổ” của nghề mộc của làng Thái Yên nhưng theo khẳng định của ông Nguyễn Công Hải - Bí thư Đảng uỷ xã thì nghề mộc xuất hiện ở mảnh đất này ít nhất hơn 300 năm. Buổi ban đầu người dân Thái Yên chỉ làm những vật dụng thông thường như mâm, khay, hương án... để thờ tự, nhưng nhờ khéo léo, ham học hỏi, thợ Thái Yên đóng luôn cả bàn, ghế, giường, tủ, xa-lông, tràng kỷ, chạm trổ “Long, Ly, Quy, Phượng” tại các đình chùa, lăng tẩm.
“Có nghề truyền thống mà không vực dậy được, người dân vẫn không giàu khiến chúng tôi đau đầu lắm”, Bí thư Đảng uỷ xã Nguyễn Công Hải kể lại.
Theo ông Hải, liên tục các năm 1999, 2000, chính quyền xã Thái Yên táo bạo thuê hẳn một chiếc xe lo lót cho hàng chục hộ dân sản xuất đồ gỗ điển hình trong làng ra Đồng Kỵ, làng sản xuất đồ gỗ bậc nhất cả nước học hỏi.
“Ra đấy người dân chúng tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều đầu tư máy móc hiện đại. Chỉ dọc một đoạn đường dài vài ba cây số mà người ta treo đầy rẫy bảng công ty, doanh nghiệp sản xuất, gia công hàng mỹ nghệ. Và họ bảo với chúng tôi giá trị sản xuất của Đồng Kỵ mỗi năm lên tới cả trăm tỷ đồng. Chứng kiến cảnh ấy, tất cả người dân được chúng tôi cử đi đều bị choáng”, ông Hải kể.
Sau những chuyến đi ấy, lập tức những thanh niên giỏi trong làng được cử ra Đồng Kỵ trau dồi thêm có tay nghề. Người ra Đồng Kỵ trước lại dẫn tiếp người đi sau; những người không có khả năng đi sẽ được truyền nghề tại làng. Người dân Thái Yên cũng mạnh dạn vay tín chấp ngân hàng để mua sắm phương tiện, máy móc, đầu tư cho cơ sở sản xuất của mình.
Những thợ mộc “tỷ phú”
Từ ngày “chất Đồng Kỵ” ngấm vào, nghề mộc truyền thống ở Thái Yên khởi sắc hẳn. Các chủ cơ sở làm đồ mộc đã đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm phương tiện, máy móc. Hiện tại, cả làng có gần trăm xưởng sản xuất đồ mộc, trung bình mỗi xưởng giải quyết việc làm thường xuyên cho 15-30 lao động phổ thông với mức thu nhập bình quân hơn 2 triệu đồng/người/ tháng.
Ngoài các cơ sở chuyên sản xuất hàng cao cấp, hàng trăm hộ còn tận dụng sản phẩm phụ làm các vật dụng thông thường phục vụ khách hàng. Riêng các mặt hàng cao cấp, có những bộ tràng kỷ, xa-lông trị giá cả trăm triệu đồng.
Nằm sát mặt tiền của khu tiểu thủ công nghiệp là doanh nghiệp tư nhân Nga Thế do hai anh em ruột Nguyễn Đăng Thế và Nguyễn Đăng Dũng làm chủ. Hai anh em ông Dũng và ông Thế được người dân ở đây gọi là “Dũng Thổi” hoặc “Thế Thổi” vì họ… giàu nhanh như thổi. Gần chục năm trước, họ mới chỉ là những nông dân nghèo, nhưng mấy năm nay họ đã ông giám và ông phó giám với một doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư hàng tỷ đồng và nguồn lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.
Dẫu chưa “gia nhập” khu tiểu thủ công nghiệp của làng nhưng anh Phan Đăng Đường - ông chủ DNTN Đường Thảo cũng được nhắc đến như một “đại gia” ở Thái Yên.
Ngôi nhà 3 tầng, đầy đủ tiện nghi sang trọng nằm tách bạch với xưởng chế biến của anh Đường. Doanh nghiệp Đường Thảo của anh cũng thu cả tỷ đồng/năm.
Trung bình mỗi năm, sản phẩm đồ mộc mang về cho người dân Thái Yên không dưới 20 tỷ đồng. Nhiều người dân đã sở hữu ô tô nửa tỷ bạc, những con đường bùn lầy qua xóm, qua làng đã được bê tông hóa gần hết. Các công trình phúc lợi xã hội như, trường học, trạm y tế, hội quán... được xây dựng khang trang.
Thái Yên cũng là một trong số ít vùng quê ở Hà Tĩnh cùng lúc sở hữu 3 trường học đạt chuẩn quốc gia.
Văn Dũng - Minh San