1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Làng chài sông Hồng điêu đứng vì nước cạn

(Dân trí) - Nước sông Hồng đang ở mức 1,60m, có những điểm xắn quần là có thể lội qua. Mực nước sông xuống thấp, cuộc sống của làng chài trên sông Hồng trở nên cực kỳ khó khăn. Những chiếc thuyền vốn đã mong manh nay lại càng lao đao hơn khi nguồn thu nhập duy nhất từ việc đánh cá bỗng không còn.

Chuyển nghề

 

Anh Ngọc, người gốc Hà Nam, gia nhập vào xóm thuyền chài ở khúc sông Hồng chảy qua Hà Nội này đã gần 3 năm. Năm nay ba mươi tuổi, Ngọc cùng vợ và cậu con trai lên ba trông vào nghề chài lưới trên sông.

 

Chỉ vào chiếc thuyền chỏng trơ trên nền đất nứt nẻ ngay giữa sông, Ngọc bảo: “Dạo này nước xuống thấp quá, chẳng thể làm gì được nên đành mang thuyền vào bảo dưỡng”. Thuê chiếc máy hàn, kéo đường điện dài đến mấy trăm mét, Ngọc đang hì hục hàn, xì cải tạo “ngôi nhà” của gia đình.

 

Làng chài sông Hồng điêu đứng vì nước cạn - 1

Anh Ngọc đang sửa chữa ngôi nhà của mình chờ nước lên.

  

Trên đoạn sông dài chưa đầy cây số, san sát những thuyền và nhà lụp xụp được dựng trên những thùng phuy nhựa. Ai không biết nhìn vào cứ tưởng đây là một xóm chài, nhưng trên thực tế, được chia làm hai xóm rõ rệt với “chức năng, nhiệm vụ” hoàn toàn khác nhau.

 

Từ cầu Long Biên ngược lên thượng lưu là xóm Nghĩa Dũng, những người dân ở xóm này chủ yếu lên bờ làm thuê, buôn bán ve chai. Ngày đi, tối về thuyền nghỉ. Còn từ cầu Long biên xuống đến cầu Chương Dương là xóm 30, xóm Phúc Tân, đây mới là xóm chuyên làm nghề chài lưới trên sông.

 

Ngọc kể về cái nghề sông nước của mình với giọng không lấy gì làm thích thú: “Dòng sông Đáy quê tôi ô nhiễm quá, không sống được nên đành lên đây. Sông bây giờ “người nhiều, cá ít” nên vất vả lắm, cứ phải dong thuyền đi cả chục cây số, giăng lưới cả ngày cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn, tằn tiện lắm mới đủ ăn”.

 

Vất vả là thế nhưng không phải lúc nào sông cũng đủ nước để làm nghề, Ngọc cho biết, trước tết ba tháng, sau tết hai tháng là mùa nước cạn, nên làm nghề càng khó khăn hơn. Như năm nay, mực nước xuống thấp kỷ lục nên cả tháng phải “ngồi chơi xơi nước”, mấy ngày gần đây, thuyền qua lại khúc sông này còn mắc cạn chứ nói gì đến chài lưới.

 

Làng chài sông Hồng điêu đứng vì nước cạn - 2

 Đất ở đáy sông cũng nứt nẻ vì khô hạn.

 

Vào thời điểm này, nhiều người đã phải tạm “chuyển nghề”, lên bờ làm thuê kiếm sống qua ngày. Nước xuống thấp, cuộc sống của những người dân chài sống bằng nghề sông nước trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.

 

Sống ở đáy sông

 

Cả cái làng chài hơn ba chục “nóc thuyền” này không kiếm đâu nổi cái tivi để xem. Cách giải trí duy nhất là nghe đài hoặc lên bờ xem ké tivi. Tôi lo lắng cho tương lai của cậu con trai của Ngọc và của cả những đứa trẻ ở làng chài này, Ngọc tặc lưỡi: “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào, mình sống được thì đến lượt chúng nó cũng sống được”. Để giải quyết tình trạng thất học cho những đứa trẻ của làng chài, một số sinh viên tình nguyện đã đến đây mở những lớp dạy học tình thương cho bọn trẻ.

 

Ông Nguyễn Văn Bùi, người đã có thâm niên hơn hai chục năm ở xóm chài cho biết: “Cả tháng nay, đứa cháu gái tôi đã phải lên bờ tham gia vào đội ve chai, tôi ở nhà phân loại những thứ chúng mua được rồi bán cho những điểm thu mua”.

 

Làng chài sông Hồng điêu đứng vì nước cạn - 3
 Những đứa trẻ vui đùa ở… đáy sông.

 

Một khoảng đất trống nứt nẻ, nơi mà khi nước lên chính là đáy sông được ông  dùng làm nơi tập kết những thứ gọi là “đồng nát” của cô cháu gái mua về để  rồi phân loại.  Khi tôi hỏi về mức thu nhập của cái nghề tay trái này, ông cười buồn: “Ăn thua gì, người ta có kinh nghiệm buôn bán còn khó sống, mình chỉ là dân chài lưới đi buôn thì mỗi ngày kiếm đôi chục là mừng lắm rồi”.

 

Những ngày này, người nông dân khu vực hạ lưu đang mong ngóng từng ngày hồ Hòa Bình xả nước để gieo sạ, cấy lúa, còn những người dân chài cũng mong chẳng kém. Họ muốn được trở về với nghề sông nước đã gắn bó với họ cả cuộc đời.

                                                                                   

Nguyên Đức - Cấn Cường