1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đắk Lắk:

Lâm tặc lại triệt hạ gỗ quý trong Vườn quốc gia Yok Đôn

(Dân trí) - Hàng loạt gỗ quý như giáng hương, cà te, cẩm lai… bị lâm tặc ngang nhiên “xẻ thịt” ngay giữa vùng lõi Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn, được lực lượng kiểm lâm phát hiện rồi đánh chữ “ĐKT”, là thực tế đang diễn ra trong những ngày đầu năm 2013.

Lâm tặc ở bên “hông”, kiểm lâm không hay biết (!?)

Để thực chứng tình trạng phá rừng tại VQG Yok Đôn, sau hơn 1 giờ “cắt” rừng, lội suối chúng tôi đã đến được những khu vực mà lâm tặc “cắm chốt” để ngày đêm âm ỉ “gặm nhấm” gỗ quý trong VQG lớn nhất nước. Tại khu vực thuộc lâm phần trạm kiểm lâm số 1, hiện trường lâm tặc ăn ở để lại tan tác như một bãi chiến trường chứng tỏ lâm tặc ở rất lâu trong rừng để cưa gỗ nhưng lực lượng kiểm lâm ở đây vẫn không hề hay biết (!?).

Lâm tặc thản nhiên dựng lán trại, lều võng, thổi củi nấu cơm ngay giữa vùng lõi VQG Yok Đôn.
Lâm tặc thản nhiên dựng lán trại, lều võng, thổi củi nấu cơm ngay giữa vùng lõi VQG Yok Đôn.

Tại đây, lâm tặc thản nhiên dựng lán trại, lều võng, thổi củi nấu cơm ngay giữa vùng lõi VQG mà không hề được phát hiện. Cách đó một đoạn khoảng vài trăm mét, thuộc tiểu khu 524 - khu vực quản lý của trạm kiểm lâm số 1 - VQG Yok Đôn, hàng loạt gỗ căm xe cổ thụ đường kính gốc 50 - 80cm bị lâm tặc triệt hạ không thương tiếc. Nhựa từ gỗ cây vẫn đang “ứa” ra đỏ au, lâm tặc thoải mái cưa thành phách, ốp vuông vức để vận chuyển ra ngoài. Theo quan sát, bút lục của lực lượng kiểm lâm VQG Yok Đôn kiểm tra, trên gốc cây bị lâm tặc cắt ngang đều ghi ngày 7/1/2013. Còn tại tiểu khu 448, chúng tôi đã bắt gặp rất nhiều gốc cây gỗ có đường kính từ 30 - 70cm vừa bị lâm tặc đốn hạ. Trên hầu hết các gốc cây, bút lục của lực lượng kiểm lâm đều ghi ngày phát hiện đầu tháng 1/2013 hoặc cuối tháng 12/2012.

Lâm tặc thản nhiên dựng lán trại, lều võng, thổi củi nấu cơm ngay giữa vùng lõi VQG Yok Đôn.

Gỗ căm xe cổ thụ đường kính gốc 50 - 80cm bị lâm tặc triệt hạ không thương tiếc thuộc lâm phần trạm kiểm lâm số 1 – VQG Yok Đôn.

Ngoài ra, ngày 8/1, lực lượng kiểm lâm cơ động của Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn khi tuần tra phát hiện 15 cây gỗ giáng hương và căm xe vừa bị lâm tặc cưa hạ. Mặc dù lâm tặc đã lấy đi phần gỗ “ngon” nhất nhưng lực lượng kiểm lâm VQG Yok Đôn vẫn thu gom được số gỗ tang vật còn lại gần 10m3.

Bút lục của lực lượng kiểm lâm ghi “ĐKT” ngày 7/1/2013.

Bút lục của lực lượng kiểm lâm ghi “ĐKT” ngày 7/1/2013.

Theo một người dân bản địa dẫn đường, từ vị trí này sau khi đốn gỗ xong, lâm tặc sẽ dùng xe đạp thồ, phương tiện cơ giới luồn rừng hơn 10km chở gỗ ra khu vực sông Sê-rê-pôk, sau đó chờ cơ hội thuận lợi tuồn gỗ ra khỏi rừng theo đường thủy về hướng các xã Ea Huar, Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.

Chưa dừng lại ở đó, ngay cả 2 cây gỗ giáng hương cổ thụ nằm trên lâm phần của Trạm Kiểm lâm số 11- Hạt Kiểm lâm VQG Yok Đôn, cũng bị lâm tặc lăm le đốn hạ, được phát hiện hôm 8/1. Trong 2 cây giáng hương này, 1 cây có đường kính khoảng 80cm, cây còn lại có đường kính gần 1,3m; khối lượng gỗ của 2 cây là gần 9m3, trong đó lâm tặc đã lấy đi hơn 1,5m3. Sau khi phát hiện, VQG Yok Đôn đã có công văn báo cáo sự việc gửi Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT.

Lâm tặc thoải mái cưa thành phách, ốp vuông vức để vận chuyển ra ngoài, bỏ lại phần bìa, cành ngọn.

Lâm tặc thoải mái cưa thành phách, ốp vuông vức để vận chuyển ra ngoài, bỏ lại phần bìa, cành ngọn.

Điều đáng nói, VQG Yok Đôn có các trạm kiểm lâm phân bố rải rác khắp trong rừng, canh gác 24/24 giờ, có khoảng 200 người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng, lại có lực lượng kiểm đông cơ động “rà” liên tục thì việc lâm tặc đốn hạ gỗ rồi tuồn ra khỏi VQG có thể ví như chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”. Thế nhưng trên thực tế lâm tặc vẫn vào rừng đốn hạ gỗ quý rồi vận chuyển ra khỏi rừng hàng trăm m3 gỗ quý mỗi năm để tiêu thụ.

“Trong thời gian tôi về VQG Yok Đôn, các anh cứ xuống hiện trường rừng, cứ đi xuống khu vực mà rừng bị phá, sẽ thấy hiệu quả tôi làm việc. Các anh cứ đi hỏi một số cán bộ trong đơn vị, chính quyền địa phương huyện, xã để xem hiệu quả trong điều hành của tôi thế nào… Tôi nghĩ đã có rất nhiều chuyển biến theo hướng tốt hơn, đặc biệt đã kiểm soát, đã giảm khoảng 80% các vụ phá rừng…” - Ông Trần Văn Thành - quyền giám đốc VQG Yok Đôn - trao đổi với báo chí . 

Một thực tế báo động tại VQG Yok Đôn, nếu trước đây lâm tặc vào rừng để triệt hạ các loại gỗ quý như cà te, giáng hương, cẩm lai, cẩm chỉ… nhưng hiện nay các loại gỗ quý này còn lại rất ít, phải đi xa, khó khai thác nên các cây gỗ non, có đường kính nhỏ, giá trị kinh tế thấp hơn như chiêu liêu, cà chít, căm xe… cũng bị đốn hạ không thương tiếc.

Cung đường gỗ lậu giữa lòng sông Sê-rê-pôk

Ngày 15/11/2012, lực lượng kiểm lâm cơ động phối hợp với trạm kiểm lâm số 2, Hạt kiểm lâm VQG Yok Đôn tổ chức tuần tra trên sông Sê-rê-pôk. Khi đi đến khu vực giáp ranh giữa trạm kiểm lâm số 4 và số 9 đã phát hiện nhiều phách gỗ lòi ra trên mặt nước. Lượng kiểm lâm đã phát hiện thêm 2 điểm cất giấu gỗ lậu sau khi mở rộng khu vực tìm kiếm. Ngày hôm sau 16/11, Hạt kiểm lâm VQG Yok Đôn đã trục vớt được 44 phách gỗ bị lâm tặc đốn hạ từ 15 cây gỗ hương và căm xe, trong số này có nhiều phách gỗ hương chiều dài 2,5-3m, đường kính 30-50cm. VQG Yok Đôn xác nhận với báo chí, số gỗ này được khai thác từ lâm phần Trạm Kiểm lâm số 9 - lâm phần VGG Yok Đôn. Số gỗ trên được lâm tặc giấu kín ở ven bờ sông, bờ suối để chờ cơ hội thuận lợi vận chuyển ra khỏi rừng.

Đến ngày 11/12/2012, Đội Kiểm lâm cơ động số 1 và số 2- VQG Yok Đôn trong khi tiến hành tuần tra trên sông Sê-rê-pôk thì phát hiện nhiều hộp gỗ hương và căm xe nổi lên trên mặt nước. Số gỗ trục vớt được ước lượng là hơn 5m3 gỗ hương và căm xe. Khu vực lâm tặc giấu gỗ được VQG Yok Đôn xác định là chạy qua các tiểu khu 417 và 419 - lâm phần VQG Yok Đôn.

Nếu không quyết liệt ngăn chặn, những hình ảnh này trong tương lại sẽ lại tái diễn.

Nếu không quyết liệt ngăn chặn, những hình ảnh này trong tương lại sẽ lại tái diễn.

Mới đây Hội đồng kỷ luật VQG Yok Đôn đã quyết định cách chức 3 cán bộ gồm 1 trạm trưởng và 2 trạm phó, cảnh cáo 1 kiểm lâm viên Trạm kiểm lâm số 9 - Hạt kiểm lâm VQG Yok Đôn vì không có biện pháp bảo vệ, ngăn chặn lâm tặc đốn hạ gỗ quý trong vườn quốc gia.

VQG Yok Đôn có diện tích gần 115.000 ha, là VQG có diện tích lớn nhất Việt Nam. Ở đây có hệ sinh thái rừng khộp đặc trưng, sự đa dạng sinh học, hệ động thực vật rất phong phú khi có hàng chục loài bò sát, loài thú; hàng trăm loài chim và hàng nghìn loài thực vật. Dư luận đang quan ngại rằng, với những gì đang diễn ra, nếu không quyết liệt ngăn chặn, VQG Yok Đôn có nguy cơ trở thành khu rừng cấm “rỗng ruột”.

Thủy Nguyên