Lâm tặc “đại phẫu” rừng: Bảo vệ rừng được “bôi trơn”?
(Dân trí) - Trong quá trình điều tra những cánh rừng đang bị tàn phá không thương tiếc, PV Dân trí nhận được thông tin, rừng bị xẻ thịt ngang nhiên nhờ có sự tiếp tay của chính cán bộ quản lý bảo vệ rừng?
Bảo vệ rừng được lâm tặc "bôi trơn"?
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, những cánh rừng thượng nguồn Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Kẻ Gỗ bị lâm tặc triệt hạ nằm trên địa bàn 2 xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh), Cẩm Thịnh (huyện Cẩm Xuyên), thuộc địa bàn quản lý của hai trạm bảo vệ số 3 và số 6 của khu bảo tồn này.
Trên lý thuyết, lâm tặc nên chỉ có thể đột nhập vào lõi rừng, việc tuồn gỗ ra ngoài là rất khó; bởi mọi con đường tiểu ngạch trong rừng đều đổ về những nơi mà KBTTN Kẻ Gỗ đặt trạm canh gác, kiểm soát. Thêm nữa, do là một trong những điểm nóng về phá rừng, nên BQL KBTTN Kẻ Gỗ đã bố trí đến hơn 20 cán bộ bảo vệ rừng ở khu vực này.
Thế nhưng, thực tế như loạt phóng sự mà Dân trí đã phản ánh, gỗ từ KBTTN Kẻ Gỗ vẫn cứ ngày đêm được lâm tặc tuồn ra ngoài.
Dù có số đông bảo vệ rừng tuần tra, canh gác, thế nhưng những đống gỗ như thế này vẫn lọt được lâm tặc ra ngoài
Quá trình điều tra, nhóm PV Dân trí đã được tiếp cận thông tin cán bộ trạm bảo vệ rừng số 3 của KBTTN Kẻ Gỗ nhận tiền của lâm tặc rồi làm ngơ cho chúng tuồn gỗ ra ngoài. Điều này đã được chính một cán bộ tên H. tại trạm bảo vệ rừng số 3 thẳng thắn thừa nhận khi trao đổi với phóng viên qua điện thoại. “Chuyện nhận tiền luật là vẫn có” - bảo vệ tên H. thừa nhận.
Theo thông tin lâm tặc cung cấp, việc chi tiền cho cán bộ Trạm bảo vệ rừng số 3 của KBTTN Kẻ Gỗ là "quy định bắt buộc". Cán bộ trạm này có thể nhận tiền trực tiếp của lâm tặc khi gỗ đã ra khỏi bìa rừng, hoặc nhận tiền tại quán nước sau khi đã được lâm tặc báo tin về số lượng gỗ khai thác.
Cũng theo tiết lộ từ lâm tặc, tiền luật mà lâm tặc buộc phải chung chi cho cán bộ bảo vệ rừng của KBTTN Kẻ Gỗ tùy thuộc vào chủng loại gỗ. Mỗi bê gỗ tạp (gỗ dùng để làm cốp pha) lâm tặc phải nộp 20.000 đồng; gỗ giá trị, đẹp hơn thì số tiền luật cao hơn.
Ông V., một người dân tại thôn 10, xã Kỳ Thượng, ấm ức kể, năm trước con trai ông đưa gỗ về làm nhà, do không chịu “đi” (chung tiền luật) đã bị trạm bảo vệ này tịch thu toàn bộ số gỗ đem bán. Ấm ức, ông dọa gọi điện cho một cán bộ tại BQL khu bảo tồn làm lớn chuyện. Trạm này đã tìm cách xoa dịu bằng cách “đền” cho con trai ông một chuyến vào rừng.
Lãnh đạo khu bảo tồn: rừng Kẻ Gỗ vẫn bình yên (!?)
“Về công tác bảo vệ rừng chúng tôi làm hết sức quyết liệt, đặc biệt năm nay được đánh giá cao. Năm nay thì không có điểm nóng nào về khai thác gỗ. Anh em đi tuần tra thường xuyên, hầu như tuần nào cũng đi kiểm tra. Có vấn đề là anh em các trạm phía dưới báo cáo liền” - ông Ninh khẳng định.
Vị Giám đốc Khu bảo tồn chỉ xác nhận, có vài điểm nóng về rừng ở KBTTN Kẻ Gỗ, nhưng đó là những điểm nóng về tình trạng người dân xâm lấn đất rừng ở địa bàn xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên.
Khi được hỏi về tình hình bảo vệ rừng ở thượng nguồn hồ Kẻ Gỗ khu vực xã Kỳ Thượng (nơi PV vừa đột nhập) ông Ninh cho hay, địa bàn này có 6.000 héc ta, theo quy định chỉ bố trí tổ 6 người, nhưng Ban quản lý bố trí 1 trạm với 20 cán bộ bảo vệ. Có lẽ ông Ninh hoàn toàn không hay biết, những cánh rừng ở khu vực này đang bị lâm tặc "xẻ thịt"?
Có hay không thực trạng, chính những cấp dưới mà ông Ninh tin tưởng "ngày đêm bảo vệ rừng" lại đang ngang nhiên tiếp tay cho lâm tặc tàn phá rừng?
Văn Dũng - Thái Đức - Xuân Sinh