1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội:

Lại thêm 2 công trình cao ốc gây lún nứt nhà dân

(Dân trí) - “Nền nhà thì lún nứt, tường và trần nhà toạc ra trông đã thấy sợ. Nhưng chúng tôi vẫn phải ở, vì cũng chẳng biết chuyển đi đâu” - bà Trần Thị Hoà, tổ trưởng tổ 72, khu tập thể C1b, phường Láng Hạ (Đống Đa - Hà Nội), phàn nàn.

>> Thi công khách sạn Thủ đô gây lún nứt nhà dân

 

Những ngày qua, hơn 20 hộ dân đang sinh sống tại khu tập thể C1b Láng Hạ hết sức lo lắng khi công trình trụ sở làm việc của Tổng Công ty Vinaconex với 27 tầng nổi, 3 tầng hầm mới bắt đầu khởi công thì hàng loạt nhà dân xung quanh đã lún nứt, thậm chí có nguy cơ đổ sập.

 

Ông Đoàn Đình Sơn ở phòng 105 phàn nàn, khi đơn vị thi công vừa tiến hành khoan, đào đất thì nhà ông bỗng dưng nứt toác ra. Dẫn chúng tôi ra phía sau nhà, ông Sơn chỉ vào toàn bộ trần, tường nhà nứt toác; nền nhà lún sụt sâu xuống khoảng 10cm, gạch lát nền bật lên.

 

Nằm ngay sát nhà ông Sơn, nhà bà Võ Thị Thanh Vân (phòng 104) cũng bị lún sụt toàn bộ nền phòng ăn. Con trai bà Vân mang cây sắt dài khoảng 1m ra cắm xuống vết nứt, thấy ngập gần hết cây sắt. Tường nhà bà cũng bị nứt toác với khe nứt rộng khoảng 15cm.

 

Bà Trần Thị Hoà, tổ trưởng tổ 72, bức xúc: “Ở đây mấy chục hộ dân, nhà nào cũng bị lún sụt như thế hết, biết là nguy hiểm nhưng chẳng biết chuyển đi đâu ở được”.

 

Bà Hoà cho biết thêm, khu tập thể này được xây dựng từ năm 1993, theo kết cấu xây dựng hồi đó là toàn làm tường chịu lực chứ không phải đổ khung cứng như bây giờ, nên việc tường nhà bị xé toạc ra sẽ rất nguy hiểm. Tâm trạng chung của người dân trong khu là rất hoang mang, lo lắng.

 

Hiện nay đoàn khảo sát của Tổng Công ty Vinaconex cũng đã xuống khảo sát, chỗ nào có nguy cơ sập ngay thì họ cho giàn giáo chống và hứa sẽ đền bù cho dân thoả đáng. Nhưng việc làm này không giúp dân hết lo lắng. Nhiều nhà có trẻ em, người già rất sợ, nhỡ đêm đang ngủ nhà sập thì làm sao!?

 

Lại thêm 2 công trình cao ốc gây lún nứt nhà dân - 1

Khe nứt rộng, sâu gần 1m trong nhà bà Vân.

 

“Trước mắt thì khắc phục cũng chỉ là hàn gắn lại những chỗ bị nứt, còn kết cấu nền móng phía dưới lòng đất ai mà nhìn thấy, sau này đền bù xong rồi bị nứt tiếp và nhỡ đổ sập, trách nhiệm đó thuộc về ai?”, các hộ dân bị ảnh hưởng bày tỏ quan điểm.

 

Một tòa nhà khác 16 tầng, tại 32 phố Cát Linh - trụ sở Kho bạc nhà nước, do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng số 2, thuộc Tổng Công ty xây dựng Vinaconex thi công, cũng đã gây nứt cho 60 hộ dân quanh công trình; làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình cũng như cuộc sống của các hộ dân này.

 

Trao đổi với ông Phan Quốc Khánh, phó trưởng Ban Quản lý dự án Kho bạc nhà nước, ông này cho biết: Khi xây dựng một công trình cao tầng, việc các hộ dân liền kề bị ảnh hưởng sẽ khó tránh khỏi. Tuy nhiên trước khi thi công, BQL dự án đã tính đến phương án này và cũng đã cùng với công ty bảo hiểm xuống từng hộ dân để khảo sát hiện trạng nhà trước và sau khi công trình thi công, từ đó có mức đền bù thiệt hại thỏa đáng cho dân.

 

Trong gần 60 hộ dân bị ảnh hưởng tại khu vực Cát Linh, phần lớn đã được bồi thường, một số nhỏ còn lại không chịu nhận tiền bồi thường. BQL dự án sẽ tiến hành mời cơ quan thẩm định của Bộ Xây dựng đến kiểm tra hiện trạng, xác định thiệt hại rồi lên phương án đền bù theo đúng giá trị thiệt hại.

 

Ông Khánh cho biết thêm, trước khi công trình được thi công, BQL dự án và nhà thầu cũng đã có cam kết với các cơ quan chức năng trong đó có Sở Xây dựng, về chuyện bồi thường thiệt hại khi có sự cố xảy ra.

 

Rõ ràng hiện nay, các chủ đầu tư, nhà thầu công trình lớn, trước khi thi công xây dựng thường có cam kết với các cơ quan chức năng về chuyện đền bù thiệt hại. Điều này có một mặt trái, đó là các cơ quan chức năng quản lý về xây dựng thờ ơ trước những sự cố xảy ra với dân vì cho rằng chủ đầu tư, nhà thầu đã có cam kết thì sẽ phải chịu trách nhiệm!

 

Tuấn Hợp