1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lãi suất làm khổ doanh nghiệp

(Dân trí) - Sau SeABank, một loạt các ngân hàng TMCP đã vào cuộc đua và “đỉnh” lãi suất huy động vốn VND vẫn đang tạm giữ ở mức 19,2%/năm. Lãi suất huy động cao, đồng nghĩa với lãi suất cho vay cao, đang trở thành mối lo đối với nhiều doanh nghiệp trong nước.

Chạy đua… tính thanh khoản

Ngay trong ngày đầu áp dụng lãi suất cơ bản VND ở mức 14%/năm, nhóm ngân hàng trong khối thương mại cổ phần (TMCP) đã có một cuộc đua tăng mới.

Các ngân hàng đều chọn mức huy động cao “ngất ngưởng” nhằm thu hút vốn để tăng tính thanh khoản. Có vẻ như trong đợt tăng lãi suất này, lợi nhuận đang được họ tạm gác sang một bên.

Đầu giờ sáng ngày 11/6, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) tăng lãi suất huy động VND lên 19,2%/năm cho kỳ hạn 13 tháng; ngay sau đó, Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) áp dụng biểu lãi suất mới.

Mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này là 17,8% dành cho khách hàng gửi kỳ hạn từ 12 tháng đến 60 tháng; kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng là 17,7%. Các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần, 3 tuần và 1 tháng có mức lãi suất tương ứng 17%/năm, 17,3%/năm và 17,5%/năm…

Đến đầu giờ chiều cùng ngày, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) công bố điều chỉnh lãi suất từ 14,87%/năm đến 17,3%/năm tuỳ kỳ hạn. Đặc biệt, khách hàng gửi từ 3 tỷ đồng trở lên cho kỳ hạn 6 tháng đến 18 tháng, được hưởng mức lãi suất 18%/năm.

Không chia ra mức lãi suất huy động cho từng kỳ hạn khác nhau, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) lại thu hút khách hàng trong việc áp dụng đồng loạt mức 17,8%/năm cho tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên.

Ngân hàng tăng lãi suất, doanh nghiệp lo

Ấp ủ thành lập công ty phần mềm gần 1 năm nay, đến khi chuẩn bị xong lực lượng nhân sự, cơ sở vật chất, Công ty Minh Tuấn của anh Đức lại gặp phải vấn đề về vốn.

Anh Đức cho biết, một ngân hàng trước kia từng hứa cho anh vay vốn để làm ăn nay đột ngột “khép” cửa lại, với lý do “vốn huy động đang khó khăn, ngân hàng chỉ ưu tiên đối với những khách VIP, khách quen lâu năm”.

Anh Đức tâm sự: “Đừng nói đến chuyện lãi suất đi vay cao, bởi nhiều doanh nghiệp vì làm ăn phải chấp nhận; bản thân các ngân hàng đã “kẹt” vốn nên mới phải hy sinh lợi nhuận để tăng lãi suất huy động. Tôi đang tạm gác chuyện thành lập công ty lại, chạy đi làm dự án cho các tổ chức nước ngoài còn kiếm được hơn”.

Trao đổi với phóng viên, đại diện một tập đoàn bán lẻ bày tỏ, với mức lãi suất huy động cao như hiện nay, lãi suất cho vay chắc chắn lên tới 21%/năm và điều này đang tạo nên sự rủi ro cho chính ngân hàng và doanh nghiệp vay vốn. Bởi để thu được lợi nhuận trên 10%/năm như hiện nay, các doanh nghiệp đã phải nỗi lực rất lớn.

“Các doanh nghiệp sẽ phải xem lại cơ cấu vốn vay, xem xét đến việc điều chỉnh giá bán ra; nhưng trước khi thực hiện, các doanh nghiệp còn phải căn cứ vào khả năng chấp nhận của người tiêu dùng, mặt bằng giá và cả mức giá hiện tại của đối thủ cạnh tranh. Mọi việc đâu cứ nói tăng là tăng ngay được, chúng tôi phải ngó trước dòm sau chứ”, vị đại diện này cho biết.

Đại diện một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lại lo ngại khả năng thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước về việc không thu thêm các khoản phụ phí khi cho doanh nghiệp vay vốn.

Theo đại diện này, nếu chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước được các ngân hàng áp dụng một cách nghiêm chỉnh, không "lách" luật, sẽ tác động tích cực tới việc kiểm soát chi phí đầu vào của doanh nghiệp, khi mà các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn về giá nguyên liệu đầu vào, về chi phí cho nhân công tăng cao…

Nguyễn Hiền