1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khánh Hòa:

Lại "nóng" chuyện di dời các nhà hàng chắn biển Nha Trang

Viết Hảo

(Dân trí) - Nhiều ngày qua, dư luận Khánh Hòa lại "nóng" lên câu chuyện di dời các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng che chắn tầm nhìn ra biển Nha Trang, vi phạm quy hoạch chung, bao chiếm công viên bờ biển.

Lại nóng chuyện di dời các nhà hàng chắn biển Nha Trang - 1

Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara (diện tích 26.000m2) ở phía đông đường Trần Phú Nha Trang

Thu hồi mặt nước, trả lại biển cho dân

Mới đây cuối tháng 2/2021, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết đã ban hành quyết định thu hồi 10.000 m2 mặt nước biển tại khu vực Bãi Dương (phía đông đường Trần Phú, TP Nha Trang).

Đây là khu vực trước đây UBND tỉnh Khánh Hòa cho một doanh nghiệp du lịch thuê, sử dụng làm bãi tắm phục vụ du khách ở tại khu nghỉ dưỡng. Khu vực mặt biển này được cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn và doanh nghiệp tự nguyện trả lại.

Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa đang tiến hành các bước để thu hồi lại diện tích đất từng cho Công ty TNHH Sovico thuê làm khu nghỉ dưỡng Ana Mandara và Evason Ana Mandara.

Theo đó, thời điểm thu hồi là khi nhà đầu tư tiến hành xây dựng xong giai đoạn 1 (dự kiến quý 3/2021) dự án khu phức hợp Ana Mandara Cam Ranh tại bắc bán đảo Cam Ranh.

Lại nóng chuyện di dời các nhà hàng chắn biển Nha Trang - 2

Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara chắn biển, từng vấp phải ý kiến trái chiều trong dư luận và chuyên gia quy hoạch

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa cho biết, từ hơn 20 năm trước, khi hình thành nên khu nghỉ dưỡng Ana Mandara (diện tích 26.000m2) ở phía đông đường Trần Phú thì vấp phải ý kiến trái chiều trong dư luận địa phương cũng như các chuyên gia kiến trúc, quy hoạch.

Dự án này được xác định che chắn tầm nhìn ra biển Nha Trang, xung đột lợi ích với cộng đồng.

Đây là khu nghỉ dưỡng có kết cấu bê tông cốt thép quy mô lớn hình thành trên khu vực phía đông đường "kim cương" Trần Phú. Tuy nhiên ngay từ thời điểm đó, tỉnh Khánh Hòa quán triệt chỉ cho khai thác một thời gian nhất định chứ không phải vĩnh viễn.

Đối với phần diện tích đất tại khu nghỉ dưỡng Ana Mandara sau khi giải tỏa, di dời, câu chuyện đặt ra là làm gì? Nhiều ý kiến chuyên gia và người dân cho rằng, khu đất này nên làm công viên công cộng phục vụ lợi ích cho cộng đồng.

Đây là điều mà dư luận và người dân Nha Trang mong muốn từ lâu, kiến nghị nhiều lần. "Phải trả lại khu vực này cho dân, bởi hàng chục năm nay người dân không có đường đi, nơi vui chơi", ông Nguyễn Ngọc Văn, một người dân TP Nha Trang kiến nghị.

Lại nóng chuyện di dời các nhà hàng chắn biển Nha Trang - 3

Một dự án nằm trên công viên bờ biển phía đông đường "kim cương" Trần Phú Nha Trang

Nhiều công trình khác cũng chắn biển, bao chiếm kinh doanh

Theo tìm hiểu, đến nay quy hoạch chung TP Nha Trang đến 2025 do Chính phủ phê duyệt năm 2012 (quyết định 1396) vẫn còn hiệu lực. Thực tế, trong thời gian qua, các công trình khu vực phía đông đường Trần Phú vi phạm quy hoạch, mật độ xây dựng, kiến trúc cảnh quan.

"Theo quy hoạch chung, trên khu vực công viên bờ biển thì không được xây dựng những công trình lớn, mật độ xây dựng chỉ được 5% theo quy hoạch. Tuy nhiên hiện nay công viên bờ biển không thực hiện đúng theo quy hoạch, không được trọn vẹn", ông Lộc nói.

Theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, hiện nay trên khu vực phía đông đường Trần Phú vẫn còn một số công trình che chắn biển Nha Trang, xâm phạm lợi ích cộng đồng như nhà hàng Eland Four Seasons, câu lạc bộ đêm Sailing Clup, nhà hàng Louisiane, nhà khách 378…

Lại nóng chuyện di dời các nhà hàng chắn biển Nha Trang - 4

Ngoài Ana Mandara thì hiện nay trên khu vực phía đông đường Trần Phú vẫn còn một số công trình che chắn biển Nha Trang, xâm phạm lợi ích cộng đồng

Nhiều năm trước, tỉnh Khánh Hòa đã "sửa sai" bằng cách yêu cầu chủ đầu tư nhà hàng Eland Four Seasons phải cải tạo, thay đổi kết cấu nhà hàng bê tông cốt thép bằng vật liệu thân thiện hơn với môi trường, hạ chiều cao để bớt che chắn ra biển Nha Trang. Đồng thời cũng thu hồi hơn 5.000 m2 từ phần đất Khu B và Khu C thuộc dự án E-land Four Seasons để làm công viên mà trước đó cấp phép cho chủ đầu tư làm dự án ngầm.

Đối với công trình nhà hàng Eland Four Seasons sau khi tiến hành cải tạo, thực tế đây vẫn là một công trình chắn biển, kinh doanh trên bờ biển khu vực phía đông đường Trần Phú.

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc cho rằng, riêng đối với nhà hàng Louisiane hay Sailing Clup thì lâu nay không thấy đề cập đến chuyện nghiên cứu, cải tạo, còn nếu di dời trả lại không gian công viên cho cộng đồng là điều rất đáng hoan nghênh.

"Các nhà hàng này rất kín đáo, ngăn sông cấm chợ! Bờ biển là của chung, sử dụng chung chứ không có ai được sử dụng riêng, phục vụ chỉ một nhóm người", kiến trúc sư Lộc nêu quan điểm.