1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lại đi tìm “kho báu 4.000 tấn vàng”

UBND tỉnh Bình Thuận vừa chính thức cấp phép thăm dò kho báu trên núi Tàu (còn gọi là núi Mây Tào ở xã Phước Thể, huyện Tuy Phong) cho ông Trần Văn Tiệp, 96 tuổi, người hơn nửa đời theo đuổi việc tìm kiếm kho báu này.

 
Lại đi tìm “kho báu 4.000 tấn vàng” - 1

Ông Hồ Sỹ Tế, một người dân ngụ gần núi Tàu, cho biết: “Hơn 10 năm trước người ta đã đến đỉnh núi Tàu khoan núi tìm vàng nhưng vô vọng và để lại những hố sâu như thế này”

 

Ông Tiệp khẳng định: “Có không dưới 4.000 tấn vàng đã được phát xít Nhật chôn giấu ở núi Tàu”. Theo quyết định này, ông Tiệp sẽ có 270 ngày kể từ ngày 10/10/2011 để tiến hành thăm dò, đồng thời phải ký quỹ 500 triệu đồng để tái lập mặt bằng sau khi thăm dò.

 

Đây là lần thứ hai UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định cho phép ông Tiệp thăm dò kho báu núi Tàu sau lần đầu vào năm 1993. “Chưa có một chỉ vàng nào được lấy lên, nhưng gần 20 năm nay tôi đã đổ vào núi Tàu hàng ngàn cây vàng vì tôi tin chắc chắn có một khối tài sản khổng lồ đang nằm sâu trong lòng núi mà nếu đào lên được sẽ có lợi vô cùng cho đất nước” - ông Tiệp khẳng định.

 

Sự thật hay huyền thoại?

 

Chiều 12/10, chúng tôi trở lại núi Tàu, một ngọn núi rất nhỏ, cao chưa tới 100m, vốn không có gì xa lạ vì nằm ven quốc lộ 1A, đối diện Nhà máy nước khoáng Vĩnh Hảo. Từ dưới chân núi đi lên chỉ toàn cây bằng lăng và chùm bầu dại mọc kín lối, chỉ có dê, bò gặm cỏ, hoàn toàn không thu hút bất cứ người dân nào trong vùng đến để tìm kế sinh nhai.

 

Tuy nhiên, với ông Trần Văn Tiệp thì từ hơn nửa thế kỷ nay, núi Tàu đã gắn liền với giấc mộng vàng khi ông tình cờ được vợ một sĩ quan cao cấp của quân đội Nhật tiết lộ về kho báu núi Tàu. Rồi ông Lê Văn Bường, nguyên là tỉnh trưởng tỉnh Bình Tuy (vùng đất phía nam Bình Thuận hiện nay), cũng đã tiết lộ thêm nhiều thông tin về kho báu núi Tàu cho ông Tiệp.

 

Theo thông tin ông Bường cung cấp, vào năm 1945 tướng Tomoyuki Yamashita của quân đội phát xít Nhật sau khi đánh bại quân Anh tại Malaysia, Singapore đã lấy một khối lượng lớn vàng bạc, châu báu tại khu vực Đông Nam Á. Nhưng trên đường vận chuyển về Nhật thì tình hình chiến trận đổi chiều, lo sợ không giữ được số tài sản đó nên khi ngang qua vùng biển Bình Thuận, quân Nhật đã cho đào núi cất giấu tài sản và đánh đắm tàu chở kho báu ngoài khơi xã Phước Thể (Tuy Phong, Bình Thuận).

 

Ông Bường còn cho biết chính mình là người từng nắm giữ tấm bản đồ kho báu núi Tàu.

 

Sau Tết Nguyên đán 2012 tiến hành thăm dò

 

Ông Trần Phương Hồng cho biết sau Tết Nguyên đán 2012 mới tiến hành thăm dò kho báu núi Tàu vì hiện gia đình mới bắt đầu ký hợp đồng với các đơn vị thăm dò, san ủi. Theo quyết định, ông Tiệp sẽ được thăm dò trên diện tích 2.400m2, với năm vị trí khoan. Qua thăm dò trước đây, ông Tiệp khẳng định vị trí kho báu nằm ở độ sâu 50m từ đỉnh núi, cao 50m so với mực nước biển. Ông cũng cho rằng nếu thời tiết thuận lợi thì với máy móc hiện đại chỉ trong vòng 30 ngày là có thể tìm thấy kho báu(?).

Nhưng trong lúc lộn xộn sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm năm 1963, cấp dưới của ông Bường là tỉnh phó nội an tỉnh Bình Tuy Lê Văn Sĩ đã chiếm đoạt mất tấm bản đồ này. Tuy nhiên, không may, sau lần tiết lộ thông tin về kho báu ít lâu thì ông Bường đột tử làm tất cả manh mối rơi vào ngõ cụt.

 

Nhưng niềm tin về kho báu đã nhanh chóng bùng lên mãnh liệt với ông Tiệp khi năm 1976, tỉnh Thuận Hải (Ninh Thuận, Bình Thuận) đã tiến hành thăm dò dưới đáy biển hòn Lao Câu, cách núi Tàu 3 hải lý và phát hiện một xác tàu chiến của quân đội Nhật, cả một con tàu hàng ngàn tấn nhưng ngoài 76 thỏi ăngtimoan, thợ lặn không phát hiện thêm thứ gì khác, tất cả đều rỗng ruột. Điều này càng dấy lên nghi vấn quân đội Nhật đã bốc toàn bộ vàng vào đất liền chôn giấu và đánh đắm tàu.

 

Cùng chung niềm tin ấy với ông Tiệp còn có ông Lê Văn Hiền (bí danh là Tám Hiền), nguyên bí thư Tỉnh ủy Thuận Hải. Vào năm 1987, khi đang làm bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, ông Hiền đã tập hợp các thông tin về kho báu núi Tàu. Đến năm 1992, chính ông Hiền đã đứng tên, hợp tác với ông Tiệp xin UBND Bình Thuận cho phép thăm dò kho báu sau đó.

 

Dù suốt nhiều năm trời ông Trần Văn Tiệp và ông Lê Văn Hiền vẫn không tìm thấy kho báu nhưng niềm tin của hai ông già tuổi ngoài thất thập vẫn tiếp tục được bồi đắp khi trong thời gian đào bới đã tìm được sáu cổ vật. Đó là một thanh kiếm Nhật đã gỉ sét mà theo ông Tiệp là do quân đội Nhật yểm lại, một logo bằng đá biểu tượng của băng đảng Hắc Long (Nhật), một đồng Nippon Bank 10.000 yen, một mảng đá la bàn và hai cổ vật Champa. Cả sáu cổ vật này hiện được ông Tiệp gửi vào ngân hàng và mua bảo hiểm hẳn hoi.

 

Do thời gian đào bới quá lâu, sau nhiều lần ra quyết định tạm dừng, năm 2003 UBND tỉnh Bình Thuận quyết định cưỡng chế, chấm dứt thăm dò. Tuy nhiên, quyết định ấy vẫn không chấm dứt được giấc mộng tìm kho báu của ông Tiệp, kể cả khi người bạn đồng hành là ông Lê Văn Hiền qua đời vào năm 2009.

 

Tháng 9/2010, ông Trần Văn Tiệp thuê Công ty cổ phần Thiết bị địa vật lý chế tạo tại Hà Nội tiến hành đo địa vật lý tại núi Tàu bằng máy đo từ trường và máy đo điện đa cực. Kết quả đo độc lập của hai phương pháp này đều phát hiện một dãy dị thường chạy dọc theo hướng nam - bắc, dài khoảng 200m, ngang 10m ở độ sâu khoảng 50m, với các khối kim loại lớn được xếp rất tập trung.

 

Ngay sau đó, một bản đồ 3D về dãy dị thường này (theo ông Tiệp chính là kho báu với số vàng ước tính khoảng 4.000 tấn) đã được vẽ chi tiết và trình lên UBND tỉnh Bình Thuận kèm theo cam kết và kế hoạch thăm dò vào đầu năm 2011. Dựa trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã đồng ý cho phép thăm dò lại kho báu núi Tàu.

 

Lại đi tìm “kho báu 4.000 tấn vàng” - 2
Các cổ vật mà ông Trần Văn Tiệp đã tìm được trên đỉnh núi Tàu trong những lần thăm dò từ năm 1993-2003 - Ảnh: V.Sự chụp lại từ tư liệu

 

“Tìm kho báu không phải cho tôi”

 

Ông Tiệp hiện sống trong căn nhà khá bề thế tại một con hẻm trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Phú Nhuận, TPHCM). Dù đã 96 tuổi nhưng ông vẫn còn khá minh mẫn, nhắc đến kho báu núi Tàu, mắt ông Tiệp sáng rỡ, không phải vì số tài sản quá lớn mà bởi gần như nửa cuối cuộc đời ông đã sống chết vì nó.

 

Ông Tiệp chia sẻ: “Tôi tìm kho báu là vì không muốn một khối tài sản quá lớn đang nằm trên đất nước mình bị quên lãng, chứ không phải tìm vì cá nhân tôi”. Bởi theo quy định, nếu giá trị kho báu trên 10 tỉ đồng thì ông Tiệp chỉ được hưởng 0,5% giá trị. Tuy nhiên, vì quyết định thăm dò do UBND tỉnh cấp nên mức thưởng tối đa mà cấp UBND tỉnh có thể thưởng nếu ông Tiệp tìm được kho báu cũng chỉ không quá 200 triệu đồng (theo nghị định 96/2009/NĐ-CP).

 

Nhiều người sẽ nghĩ rằng đó là một cuộc làm ăn quá mạo hiểm so với tài sản bỏ ra và nhất là tuổi tác của ông. Nhưng ông Tiệp không nghĩ vậy, ông đã dành gần như cả đời mình để tìm cơ hội tìm kiếm kho báu, và quyết định vào “phút 89” này được ông Tiệp đón nhận một cách hào hứng.

 

15 tuổi, ông Tiệp từ miền Bắc theo cha vào Phan Thiết lập nghiệp, từng tham gia kháng chiến chống Pháp rồi mưu sinh bằng đủ thứ nghề khắp các tỉnh Nam bộ. Từ nghề xay đá tại Tuyên Đức (Lâm Đồng) đến làm trang trại ở Bình Tuy trước năm 1975, rồi làm nghề lái xe ngang dọc khắp các nông trường ở Nam bộ sau năm 1975. Từ tay trắng gầy dựng nên một cơ ngơi khá đồ sộ tại Sài Gòn, các con của ông hiện đều rất khá giả, trong đó một người là tổng giám đốc một ngân hàng lớn tại TP.HCM.

 

Tuy nhiên, tất cả nỗ lực ấy ông Tiệp đều đổ hết vào giấc mộng tìm kho báu. Năm 1993, ông từng thế chấp căn nhà trên đường Nguyễn Trọng Tuyển để vay 700 triệu đồng đổ vào núi Tàu. Chỉ riêng thời điểm năm 1993 số tiền mà ông Tiệp dồn vào kho báu đã không dưới 2 tỉ đồng theo thời giá lúc đó, cùng hàng loạt cuộc thăm dò tốn kém kéo dài sau đó. Còn lần này, dự toán ước tính để thăm dò trong quyết định của UBND tỉnh Bình Thuận cũng không hề nhỏ, lên tới hơn 3,3 tỉ đồng.

 

Thay mặt gia đình, ông Trần Phương Hồng - con trai ông Tiệp - nói: “Tôi cùng với mấy người cháu sẽ thay mặt cha đứng ra thăm dò kho báu. Đó là ước nguyện lớn nhất và cuối cùng của cha tôi. Nếu tìm được thì quá mãn nguyện, còn không cũng thỏa mãn phần nào ước nguyện một đời mà cha tôi theo đuổi”.

 

Nhiều lần khảo sát

 

Trước ông Tiệp đã có nhiều đoàn khảo sát đến núi Tàu để làm rõ nghi vấn về kho báu. Quy mô nhất là lần khảo sát của thượng nghị sĩ chính quyền Sài Gòn cũ Hoàng Kim Quy trước năm 1975.

 

Người này đã nhiều lần cho trực thăng thả người xuống thăm dò, đào xới nhưng không phát hiện được dấu vết rõ ràng. Lần đó, đoàn khảo sát đã đổ một số mảng bêtông đánh dấu tại khu vực phía đông núi Tàu.

 

Đến năm 1984, một nhóm chuyên viên của Bộ Quốc phòng tiến hành khảo sát bằng máy dò cạn Forstep TYP 4051 và có kết quả: “Có một khối lượng lớn với diện tích nhiễm từ xấp xỉ 1.200m2. Tại sườn chiều cao theo hướng đông, đông nam và hướng nam”.

 

Theo Viễn Sự - Hà Mi - Như Minh

Tuổi trẻ