1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Lạc vào “miền gái đẹp”

Không đâu có nhiều câu chuyện cuốn hút về các cô gái đẹp như ở những vùng cao phía Bắc, nơi họ được gọi là sơn nữ và đi kèm vẻ đẹp là nhiều câu chuyện hư hư thực thực.

Ở Tây Bắc, lời đồn về những cô gái người Thái trắng có thói quen tắm suối đã hút hồn không biết bao lữ khách săn tìm cái đẹp. Tôi cũng là kẻ nhiều lần mải mê tìm kiếm trong chốn thâm sơn cùng cốc, những mong một lần được mục sở thị những nàng “tiên nữ tắm suối”.

Lạc vào “miền gái đẹp”
Những bông hoa của núi rừng ở Thượng Lâm

“Mất mùa” người đẹp?
 
Ở Sơn La hay Điện Biên, thiếu nữ Thái tắm suối đã trở thành một nét đẹp văn hoá. Tuy nhiên, có một địa danh mà sau rất nhiều năm cứ hình dung ao ước để rồi gần đây, tôi mới được đặt chân đến. Đó là Thượng Lâm, vùng đất được ca ngợi là “cái rốn” của “miền gái đẹp” Tuyên Quang. Đến Thượng Lâm, tôi đã được chứng kiến nhiều câu chuyện thú vị về các cô gái đẹp và cả những kẻ đi săn tìm người đẹp.
 
Câu nói mà người ta đã thuộc nằm lòng khi nhắc đến “miền gái đẹp” Tuyên Quang là “Chè Thái, gái Tuyên”. Thế nhưng, đến Tuyên Quang rồi, tôi lại được người dân ở đây nhắc đi nhắc lại như thể sợ khách quên, rằng “Mận Hồng Thái, gái Thượng Lâm”.
 
Thượng Lâm thuộc huyện Na Hang, cách trung tâm thị xã Tuyên Quang tới 120 km. Phải vượt không biết bao nhiêu đèo suối, chúng tôi mới đến được “xã người đẹp” này.
 
Thượng Lâm nằm gần như biệt lập với phố thị, là vùng lòng chảo bằng phẳng nằm giữa huyện miền núi. Nơi đây có con sông Lô 4 mùa xanh ngắt chảy hiền hòa, khí hậu trong lành đến lạ lùng nên gương mặt người dân ai cũng phơi phới, đầy sức sống.
 
Vừa tạt vào quán nước ven đường, tôi đã bị mấy chị đang ngồi “buôn” chuyện cười phá lên truy vấn: “Lại tới đây tìm gái đẹp hả?”. Tôi buộc phải thú thật: “Lòng vòng mãi ở trung tâm xã, cứ hễ gặp thiếu nữ nào định bụng hỏi thăm là các nàng lại ngại, chạy tót vào nhà như thể sợ gặp kẻ gian. Người đẹp ở Thượng Lâm còn nhiều không, các chị?”. “Đến Trường THPT Thượng Lâm mà tìm. Gái mới lớn cô nào chẳng đẹp!”- một chị khẳng định.
 
Đứng “săn” nửa giờ trước cổng trường đúng giờ tan học, vẫn chẳng thấy những sơn nữ chỉ thoạt nhìn là mê mẩn như lời đồn, chúng tôi đành chuyển hướng sang tìm những huyền tích, truyền thuyết về gái đẹp từ những bậc cao niên ở Thượng Lâm.
 
Ông Hoả Văn Binh, một nhà giáo nghỉ hưu ở Thương Lâm, giải thích: “Gái đẹp ở đây không thiếu đâu nhưng bây giờ, hình như nhiều người đẹp quá nên khó nhận ra cái khác biệt của con gái Thượng Lâm. Ở Thượng Lâm có nhiều truyền thuyết về gái đẹp lắm, nào là truyền thuyết về 99 con phượng hoàng đậu trên núi rồi hoá thành 99 ngọn núi hay 99 bà tiên giáng trần rồi định cư ở đất này”.
 
Thế nhưng, với thắc mắc của tôi về chuyện “người đẹp đi đâu hết” thì ông giáo già này cũng chịu, không lý giải nổi. “Có lẽ đây là một giai đoạn mà Thượng Lâm “mất mùa” người đẹp chăng? Con gái Thượng Lâm không đẹp người thì cũng đẹp nết, vì thế đắt chồng lắm”- ông Binh suy tư.
 
Sống đẹp, yêu đẹp
 
Tương truyền, ở đất Thượng Lâm ngày xưa, người ta đã tổ chức thi người đẹp. Không phải chỉ thi hình thể, con gái nơi này phải thể hiện được cả vẻ đẹp tâm hồn bằng tài nữ công gia chánh, dệt vải, thêu thùa. Với các cô gái Thượng Lâm, chăm sóc gia đình và yêu chồng, thương con đã trở thành một phẩm chất thiên bẩm.
 
Người Thượng Lâm nổi tiếng hồn hậu và hiếu khách. Hiếu khách tới mức, nếu có ai đến chơi nhà, ông bố sau khi tiếp rượu no say còn sai con gái vào giường nằm để ủ chăn cho ấm. Sau đó, khách được nằm trên chính chiếc giường còn phảng phất mùi hương nồng nàn của thiếu nữ vùng sơn cước.
 
 “Ngày xưa, người Thượng Lâm vẫn đón khách theo cách đó. Bây giờ vẫn nhiều người làm như vậy để đón thượng khách” – ông Binh khẳng định. Nói đoạn, ông mời chúng tôi ngủ lại. Như sợ chúng tôi chờ đợi được ngủ trên chiếc giường nồng nàn hương thiếu nữ, ông vội cho biết: “Các con tôi lớn và lập gia đình cả rồi. Chỉ có hai ông bà già ở trong căn nhà này thôi”!
 
Ông Hoả Văn Binh và vợ, bà Châu Thị Lộ, đã sống hạnh phúc với nhau ngót nửa thế kỷ. “Bà nhà tôi ngày trước là một trong những người đẹp nổi tiếng ở Thượng Lâm, có nhiều con trai muốn hỏi cưới lắm nhưng lại mê anh giáo nghèo này” – ông tự hào.
 
Đến giờ, ông Binh vẫn yêu thương bà Lộ hết mực. Vài năm trước, bà trải qua một cơn bạo bệnh khiến trí nhớ ảnh hưởng nhưng hằng ngày, ông vẫn kể cho vợ những câu chuyện cũ, những gì đang xảy ra trong cuộc sống của họ với hy vọng bà sẽ hồi tưởng được.
 
Chỉ với câu chuyện về tình yêu đẹp của ông bà Hoả Văn Binh- Châu Thị Lộ, chúng tôi đã cảm thấy không chút hối hận khi vượt vài trăm cây số từ Hà Nội đến Thượng Lâm. Tuy nhiên, “miền gái đẹp” này vẫn luôn giành cho những lữ khách mê cái đẹp những món quà bất ngờ.
 
Khi sắp ra về, tôi tình cờ phát hiện trong đám trẻ ở Thượng Lâm những “mầm non” trong tương lai không xa. Hai cô bé Hoả Tuyết Nghi cùng Hoả Mộc Lan hứa hẹn sẽ là những bông hoa rực rỡ. Mắt sáng, mũi cao, nước da trắng ngần là những thứ trời phú cho con gái vùng này.
 
Không tìm sẽ… gặp!
 
Có một nghịch lý là rất nhiều kẻ đi săn tìm người đẹp ở những “miền gái đẹp” thì đỏ mắt vẫn không thấy. Về Tuyên Quang, nhiều người bảo tôi: “Muốn tìm “gái Tuyên” thì phải về… Hà Nội chứ?”.
 
Chuyện các cô gái đẹp đổ về những thành phố lớn âu cũng rất dỗi bình thường. Ai cũng có quyền tìm cho mình điều kiện sinh hoạt và cuộc sống đầy đủ, đáng mơ ước nhất.
 
Quả thực, những lúc định bụng tìm kiếm người đẹp chỉ để ngắm thôi thì nhiều kẻ không tài nào thấy nhưng nếu cứ lang thang đâu đó trên những triền núi, những bản làng xa xôi thì lại gặp được nhiều sơn nữ đích thực.
 
Có lần ở Điện Biên, trung tá Vũ Đức Lâm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 409 Mường Nhé, bảo tôi: “Muốn thấy cảnh sơn nữ tắm suối thì đâu gì khó. Song, nhớ là khi thấy sơn nữ tắm suối thì phải nhìn thật say mê, không được xấu hổ quay mặt đâu đấy”.
 
Hóa ra, nếu gặp sơn nữ tắm suối mà ai đó tỏ ra ngại ngần thì những bông hoa của núi rừng sẽ nghĩ lữ khách chê họ… xấu. “Tốt nhất là cứ nhìn và hỏi thăm họ thật thân thiện, họ cũng sẽ giành cho mình nhiều thiện cảm”- trung tá Lâm chiêm nghiệm.
 
Ở những nơi khí hậu trong lành, sơn thủy hữu tình như Thượng Lâm thì sinh ra nhiều người đẹp đã đành. Đằng này, có nhiều nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi” nhưng vẫn sinh ra những nàng sơn nữ đẹp phơi phới. Năm ngoái, trong lần lang thang để tìm hiểu về phiên chợ tình Khau Vai ở Hà Giang, tôi đã bắt gặp không ít bông hoa núi rừng khoe sắc.
 
Người Tày, Thái đẹp thì sẽ ít ai thắc mắc nhưng không ít cô gái H’Mông, Dao, Lô Lô… ở nhiều vùng còn nghèo khó cũng như những bông hoa rừng toả hương.
 
Một đồng nghiệp ở Báo Hà Giang nhìn nhận: “Dân tộc nào cũng có gái đẹp cả. Thậm chí dân tộc nào càng ít người, càng cực nhọc lại càng có những cô gái đẹp đến kỳ lạ”.
 
Theo đồng nghiệp này, ở chốn thị thành, cái đẹp phổ biến quá, đập vào mắt nhiều quá nên đôi khi người ta không còn “cảm” được. Thế nhưng, khi lên vùng rừng núi, chúng ta sẽ thấy ngay những vẻ đẹp hoang dại hút hồn như thế nào.
 
Lạc vào “miền gái đẹp”
Sơn nữ Nông Thị Chuyên với ước mơ trở thành cô giáo
 
Giấc mơ của đoá hoa rừng

Đi dọc theo những cung đường vùng cao, thỉnh thoảng người ta sẽ buộc phải dừng lại để nhìn ngắm những nàng sơn nữ. Vẻ đẹp của họ có lẽ bị khuất lấp trong nỗi cực nhọc của cuộc sống thường ngày, khi phải vào rừng kiếm củi, mang trên vai sức nặng của vài chục ký, hay phải đi bộ cả ngày trời để gánh nước…

Có lần, đi ngang qua huyện Bắc Mê - Hà Giang, chúng tôi gặp một cô gái người Tày có cái tên rất chân quê - Nông Thị Chuyên. Chuyên mang ước mơ giản dị là trở thành một cô giáo tiểu học để trở về bản làng dạy cho lũ trẻ.
 
Chuyên đẹp người, hiền lành, mái tóc dài đen nhánh đúng chất sơn nữ. Câu hỏi của Chuyên cứ xoáy vào tôi khi nghĩ về những cô gái đẹp ở vùng cao: “Khi nào thì bọn em sẽ có cơ hội đi học, có việc làm tử tế như các bạn nữ ở thành phố hả anh?”.  
 
Theo Mạnh Duy
Người lao động