Lá thư nông dân và "hồi âm" của Bộ trưởng Nông nghiệp
(Dân trí) - Ngày 4/5, trước khi kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII diễn ra hai ngày, một người nông dân tên là Lê Văn Lam, Đồng Tháp đã gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đó là một lá thư giãi bày tha thiết về cảnh nhà nông thời “bão giá”.
Trong bức thư của ông Lam có đoạn viết: “Hạt gạo được tạo ra bằng chính mồ hôi, công sức và đôi khi cả nước mắt của những người nông dân nghèo khó như chúng tôi. Hằng ngày chúng tôi luôn phải tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, dãi nắng dầm mưa để chăm sóc cho cây lúa, nhưng chúng tôi không mong gì hơn, chỉ hi vọng nhận được phần mà mình xứng đáng được nhận. Chỉ mong người tiêu dùng hằng ngày ăn cơm hãy nghĩ đến giá trị của hạt gạo”.
Qua lá thư, ông Lam cũng có 3 lời đề nghị gửi đến Thủ tướng. Đó là: Chính phủ quan tâm và có chính sách phát triển sản xuất phân bón trong nước để không phụ thuộc vào nguồn phân bón nước ngoài. Chính phủ xây dựng một kênh truyền hình dành riêng cho nông dân để phổ biến cho người nông dân các kiến thức về thị trường, kỹ thuật sản xuất, định hướng phát triển và những thông tin cần thiết. Chính phủ có chính sách để doanh nghiệp mua lúa cho nông dân với giá hợp lý nhất.
Chuyện người nông dân viết thư cho Thủ tướng đã không còn là chuyện lạ. Vào năm 2006, người nông dân Lâm Văn Thắng (Tây Ninh) cũng đã từng viết thư cho Thủ tướng. Cũng như ông Thắng hồi đó, ông Lam xem việc viết thư Thủ tướng như là một chuyện “gan tày trời” nhưng họ vẫn muốn viết vì muốn gửi gắm chút sức mọn cho nhà nông.
Trong cuộc trao đổi với Dân trí sáng nay, 19/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết mặc dù ông chưa được Thủ tướng chuyển lại lá thư này, nhưng ông rất xúc động trước những tình cảm mà người nông dân đã dành cho Thủ tướng khi viết thư san sẻ vướng mắc cùng Thủ tướng, những tâm sự chất phác, mộc mạc rất đậm chất nhà nông.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát |
Có một kênh thông tin để phổ biến kến thức nhà nông, đó quả là một lời đề nghị rất chính đáng và cũng rất dễ thương. Bộ Nông nghiệp sẽ đáp ứng cho lời đề nghị này thế nào?
Việc phổ biến kiến thức của nhà nông không chỉ là mối quan tâm của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn mà còn là mối quan tâm của các cơ quan của Chính phủ. Bộ Nông nghiệp cũng như Chính phủ rất quan tâm phát triển về hệ thống thông tin, trong đó có thông tin khoa học, công nghệ, thông tin thị trường nông lâm sản và việc này đã được thực hiện khá bài bản trong thời gian qua. Chẳng hạn như VTV1, VTV2 có những chương trình chuyên đề về vấn đề này, VTV1 có hẳn chương trình thông tin riêng về những vấn đề cấp bách của nông nghiệp.
Riêng về phía Bộ Nông nghiệp thì Bộ đã cố gắng xây dựng hệ thống thông tin, kết hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để truyền tải kiến thức cũng như sự phong phú “đời sống” nông nghiệp đến với người nông dân một cách sớm nhất.
Trong sự cố gắng nỗ lực hết sức của mình, những thông tin về kế hoạch, sản xuất cũng như sự cập nhật về tình hình sản xuất, Bộ Nông nghiệp cũng liên tục có thông báo để thông tin kịp thời, rộng rãi cho nông dân.
Còn những vấn đề như giá vật tư cao, trong đó có phân bón là mối lo lắng rất lớn của người nông dân thì Bộ Nông nghiệp đã “chia lửa” điều này cùng bà con thế nào, thưa Bộ trưởng?
Việc tác động của giá vật tư tới thu nhập của nông dân, các cơ quan của Chính phủ đã theo dõi rất sát sao. Chúng tôi luôn cố gắng bình ổn thị trường vật tư, giá lúa gạo và các loại nông sản…, cố gắng để người nông dân có thể hưởng lợi cao.
Có nhiều ý kiến cho rằng chủ trương của Chính phủ đối với việc xuất khẩu gạo vừa qua là bất lợi cho người nông dân? Trong lá thư gửi Thủ tướng, ông Lam cũng viết: “chỉ hi vọng nhận được phần mà mình xứng đáng được nhận”?
Chính phủ không chủ trương cấm xuất khẩu gạo mà chỉ tạm dừng. Tới nay, chúng ta đã ký 2,4 triệu tấn, tháng 4 ký 1,6 triệu tấn và còn giao thêm 800 nghìn tấn và không hạn chế việc thu mua lúa gạo cho nông dân. Tình hình lương thực rất phức tạp và chúng ta phải điều hành một cách thận trọng để vừa tận dụng cơ hội thị trường mang lại lợi ích cho đất nước và người nông dân, vừa đảm bảo tính bền vững của quỹ lương thực quốc gia.
Chủ trương của Chính phủ là xuất khẩu số lượng hợp lý, lộ trình phù hợp, không xuất khẩu quá mức khiến thiếu gạo trong nước, cũng không ngừng xuất khẩu để ghim giữ hàng. Phải đảm bảo lợi ích người trồng lúa và đời sống nhân dân, đặc biệt là người nông dân nghèo.
Trong lá thư của mình, ông Lam còn viết: “Hạt gạo được tạo ra bằng chính mồ hôi, công sức và đôi khi cả nước mắt của những người nông dân nghèo khó chúng tôi…”, ông có cảm xúc thế nào khi nghe câu nói này và phải chăng đời sống của người nông dân đang “đi xuống”?
Hiện nay, tôi không nghĩ là đời sống của người nông dân đang đi xuống. Đời sống của đa số nông dân tiếp tục được cải thiện, đời sống của những người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long cũng vậy, ngay cả khi giá cả, vật tư lên cao... Sở dĩ tôi có được suy nghĩ này vì trong điều tra gần đây nhất của chúng tôi cho thấy trung bình, mỗi ha lúa người nông dân có lãi khoảng 15 triệu đồng.
Tất nhiên, trong vụ tới, giá của vật tư lên cao, chúng tôi sẽ cố gắng theo dõi để đảm bảo quyền lợi một cách tốt nhất cho nông dân.
Chính phủ cũng có những chương trình hỗ trợ bà con vùng khó khăn, vùng thiên tai để sản xuất nông nghiệp nhưng về trách nhiệm của ngành nông nghiệp thì chúng tôi vẫn không được lơi là mà phải nghiên cứu thêm để có được những chính sách hiệu quả hơn.
Thu hồi đất nông nghiệp: Câu chuyện dài...
Và về một tâm sự nữa của ông Lam: “Người nông dân luôn phải lao đao về việc chuyển đổi…” . Thưa Bộ trưởng, ông có những an ủi nào cho tâm sự này?
Đây thực sự là một “câu chuyện dài”. Theo thống kê sơ bộ của Bộ Tài nguyên - Môi trường, trong 7 năm qua (từ năm 2001- 2007), tổng diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi chuyển sang đất phi nông nghiệp trên 500.000ha. Đáng lo ngại hơn là việc đất nông nghiệp bị thu hồi và chuyển sang mục đích đô thị hóa và công nghiệp hóa năm sau tăng hơn năm trước.
Chỉ tính riêng năm 2007, diện tích lúa gieo trồng cũng đã giảm 125.000ha. Các vùng kinh tế trọng điểm có diện tích đất nông nghiệp thu hồi lớn nhất, chiếm khoảng 50% diện tích đất bị thu hồi trên toàn quốc.
Theo điều tra của chúng tôi tại 16 tỉnh, thành phố trọng điểm về thu hồi đất cho thấy, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi chiếm khoảng 89%, hầu hết lại là đất lúa, thuộc diện phì nhiêu màu mỡ có năng suất cao. Với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa như hiện nay, chắc chắn diện tích đất phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ tiếp tục giảm mạnh. Do vậy, hàng năm có thể mất khoảng trên 1 triệu tấn lúa và chỉ trong vòng 5 năm là sản lượng lúa bị mất đi có thể tương đương với lượng gạo xuất khẩu của chúng ta.
Chúng tôi đang cùng với Bộ Tài nguyên - Môi trường rà soát lại toàn bộ những khu đất sản xuất nông nghiệp, từng bước hạn chế việc lấy đất sản xuất nông nghiệp, đất canh tác hiệu quả vào làm công nghiệp và đô thị; Ngay trước mắt, rà soát lại những quỹ đất có nguy cơ bị mất để chặn lại sự tấn công của công nghiệp vào đất nông nghiệp.
Cùng với việc ngăn chặn quyết liệt các khu đô thị, công nghiệp tấn công vào các vùng đất màu mỡ thì việc đẩy mạnh mở rộng diện tích gieo trồng lúa vào các vùng đất mới, áp dụng các biện pháp thâm canh, tăng năng suất với mức tăng bình quân khoảng 2%/năm.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.
Lê Châu (thực hiện)