1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Lá thư kêu cứu của một học sinh

(Dân trí) - Ông Lê Văn Sâm (SN 1959, ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) là một cựu chiến binh. Sau một vụ tai nạn giao thông, ông bị căn bệnh máu đông trong não. Gần 100 triệu đồng đã đổ vào thuốc thang nhưng bệnh không thuyên giảm. Trong lúc túng quẫn, con gái ông, một nữ sinh lớp 12, đã gửi thư kêu cứu đến các ban ngành chức năng.

Em gái đó là Lê Thị Dung, học sinh lớp 12K Trường THPT Quỳnh Lưu 1; trú xóm 10, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu. Kể từ hôm bố em gặp nạn, hằng ngày sau giờ học, em phải dồn sức chăm sóc bố. Được biết ông Sâm bị một xe máy tông vào khi đang trên đường đi thăm bạn ốm hôm 6/2/2007. Kẻ gây tai nạn chạy trốn ngay sau đó, để lại cho ông Sâm những di chứng nặng nề.

 

Hoàn cảnh gia đình éo le, kinh tế khó khăn trong khi bệnh tình ông Sâm không có dấu hiệu thuyên giảm. Tiền mua thuốc cho bố còn chưa có, tiền học của Dung cũng chưa nộp. Cô nữ sinh thổ lộ có thể em sẽ nghỉ học.

 

Trong lá thư kêu cứu gửi cho Dân trí và một số ban ngành chức năng huyện Quỳnh Lưu, Dung viết: “Bố cháu bị bệnh nặng chắc cháu phải nghỉ học để kiếm tiền chăm sóc, mua thuốc cho bố. Bây giờ nếu cháu bỏ học sẽ chấm dứt ước mơ bấy lâu của cháu cũng như gia đình. Nhưng không bỏ học thì cháu chẳng biết lấy tiền đâu để nạp cho nhà trường. Các cô, các chú ơi, cứu cháu với, cứu bố cháu với...”.

 

Được biết những ngày mới gặp nạn, gia đình đưa ông Sâm ra chữa trị tại Viện Quân y 103 (Hà Tây). Gần 1 tháng điều trị, tiền viện phí đã lên tới 60 triệu đồng. Bao nhiêu của nả, trâu bò, ruộng vườn đều bán sạch để lấy tiền thuốc thang cho ông. Nhưng bệnh tình không dứt.

 

Trước tình cảnh đó, gia đình buộc phải chuyển ông Sâm về bệnh viện huyện Quỳnh Lưu và cuối cùng là đưa về nhà tự chữa trị. Hiện bố Dung chỉ nằm một chỗ, cơ thể chỉ còn da bọc xương, bác sĩ nối cho ông một ống tiếp thức ăn từ cổ họng, tiểu tiện ở một bên hông. Mỗi ngày người nhà phải hút đờm cho ông chừng 20 lần.

 

Gia đình cho biết, nếu ông Sâm có điều kiện chữa trị vài tháng nữa thì bệnh sẽ đỡ. Nhưng gia cảnh đã khánh kiệt, đành chấp nhận để ông nằm nhà.

 

Sổ đỏ của ngôi nhà ọp oẹp cũng đã đem ra ngân hàng vay tiền. Anh trai Dung đang học trung cấp cũng đã bỏ đi làm kiếm tiền chạy chữa cho bố. Người mẹ vẫn âm thầm nén những cơn đau dạ dày (bà đã hai lần phẫu thuật cắt một phần dạ dày) để lo cho chồng. Dung, một buổi đến trường, một buổi đi rửa bát thuê ở các quán ăn.

 

Quá khó khăn, Dung đã viết thư gửi các cơ quan đoàn thể cầu cứu, gửi đơn lên Hiệu trưởng nhà trường xin miễn các khoản đóng góp nhưng không được xét. Nhà trường nêu lý do: gia đình em không thuộc bất cứ diện đối tượng được ưu tiên nào.

 

Nguyễn Duy