1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lá thư cuối cùng của người lính Gạc Ma

Trung Thi

(Dân trí) - "Dẫu biết nhận nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa năm ấy luôn đầy hiểm nguy, nhưng Nam không chùn bước. Trước ngày hi sinh, em vẫn viết thư động viên tôi và gia đình" - chị gái liệt sĩ Nguyễn Tất Nam chia sẻ.

Vượt 1.000 km vào viếng hương em cùng đồng đội

Chiều 13/3, tại Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) người dân, thân nhân liệt sĩ đã đến dâng hương cúng giỗ và tri ân 64 liệt sĩ đã hi sinh ở Gạc Ma (14/3/1988 - 14/3/2022).

Trong số đó có bà Nguyễn Thị Hường (58 tuổi), để thắp nhang cho em là liệt sĩ Nguyễn Tất Nam cùng đồng đội trong ngày giỗ, bà Hường đã vượt hơn 1.000 km từ huyện Đô Lương, Nghệ An vào huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Lá thư cuối cùng của người lính Gạc Ma - 1

Bà Hường soạn mâm cúng giỗ cho em trai - liệt sĩ Nguyễn Tất Nam cùng đồng đội.

Loay hoay chỉnh sửa lại mâm cúng, bà Hường kể, nhà có 3 chị em, dưới Nam còn một em gái. Nam mới lên 5 tuổi thì mẹ mất, từ đó 3 chị em nương tựa vào nhau mà lớn khôn.

"Những ngày cơ cực, chị em cùng chia nhau từng nắm cơm, chút muối mè, tấm chăn mỏng. Tôi và Nam thương nhau lắm, ngày lên đường nhập ngũ 2 chị em mấy đêm không ngủ được, cứ thế ngồi dặn dò nhau. Ngày em đi, sợ tôi buồn nên Nam lặng lẽ lên xe rồi ngồi xuống sàn để tránh ánh mắt của tôi. Dẫu vậy, Nam vẫn không quên gửi lại tôi chiếc áo khoác và khăn quàng cổ để giữ ấm ngày đông giá rét" - bà Hường xúc động nhớ lại.

Lá thư cuối cùng của người lính Gạc Ma - 2

Mâm cơm cúng giỗ 64 liệt sĩ Gạc Ma.

Sau khi nhận thấy sự căng thẳng của các tàu Trung Quốc ở Trường Sa nhằm chiếm đóng các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao ở quần đảo này, 4 ngày trước khi hi sinh (ngày 10/3/1988), anh Nam đã viết thư động viên người chị ở quê nhà phải giữ gìn sức khỏe, chờ anh hoàn thành nhiệm vụ trở về với chị cùng đứa cháu trai, nhưng thư chưa về đến tay chị gái, anh đã hi sinh và nằm lại Gạc Ma.

Lá thư cuối cùng của người lính Gạc Ma - 3

Dòng người đến viếng hương, tưởng nhớ 64 chiến sĩ Gạc Ma.

"Chị đừng lo cho em! Nhận được thư, chị điện thư lại cho em nhé! Nhớ gửi cả hình cháu Quang Trung cho em nữa!" - lời cuối liệt sĩ Nguyễn Tất Nam nhắn gửi.

Lá thư cuối cùng của người lính Gạc Ma - 4

Bà Hường xúc động nhớ về liệt sĩ Nguyễn Tất Nam.

Chia sẻ thêm, bà Hường nói: "Nhìn lại những dòng thư, tôi biết chắc Nam đã lường trước những hiểm nguy khi đi làm nhiệm vụ ở Gạc Ma, nhưng em vẫn không chùn bước. Em sợ tôi nghe thông tin ở báo, đài mà lo, sinh bệnh nên đã biên thư, nhưng đâu có ngờ đây là kỷ vật cuối cùng mà đứa em trai để lại cho người chị gái này".

Nơi lưu giữ những hình ảnh, kỷ vật của 64 chiến sĩ Gạc Ma

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên khu đất rộng hơn 25.000 m2 ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa để tưởng nhớ 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã anh dũng hi sinh ở Gạc Ma vào ngày 14/3/1988 bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Lá thư cuối cùng của người lính Gạc Ma - 5

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở tỉnh Khánh Hòa.

Khu tưởng niệm gồm 5 khu vực: Quảng trường lối vào; Tượng đài chiến sĩ Gạc ma; Khu trưng bày ngầm; Mộ gió và Quảng trường Hòa bình; Con đường hoài niệm.

Lá thư cuối cùng của người lính Gạc Ma - 6

Lối vào khu tưởng niệm.

Tượng đài Chiến sĩ Gạc Ma cao hơn 15 m (cả phần đế), bề ngang 12 m, bán kính 7 m, với chủ đề "Những người nằm lại phía chân trời", lấy cảm hứng từ hình ảnh 64 chiến sĩ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền Việt Nam tại đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988.

Lá thư cuối cùng của người lính Gạc Ma - 7

Tượng đài Chiến sĩ Gạc Ma.

Tượng đài được điêu khắc gồm cụm 9 nhân vật là đại diện cho 64 chiến sĩ ở tư thế giương cao lá cờ Tổ quốc trước lúc hi sinh. Các anh ở tư thế trong tay không một vũ khí mà chỉ có cuốc, xẻng, búa, rìu làm nhiệm vụ múc cát, đá, sỏi để nâng cao mặt đảo. Khi bị quân thù bao vây, các anh quay tròn lại nắm tay nhau để bảo vệ lá cờ tạo thành biểu tượng "Vòng tròn bất tử".

Lá thư cuối cùng của người lính Gạc Ma - 8

Tượng đài được điêu khắc gồm cụm 9 nhân vật là đại diện cho 64 chiến sĩ ở tư thế giương cao lá cờ Tổ quốc trước lúc hi sinh.

Khu trưng bày ngầm dưới mặt đất nằm ở vị trí trung tâm là nơi bảo quản, lưu giữ những hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma.

Lá thư cuối cùng của người lính Gạc Ma - 9

Khu lưu giữ hình ảnh của 64 liệt sĩ Gạc Ma.

Lá thư cuối cùng của người lính Gạc Ma - 10

Diễn biến sự kiện Gạc Ma tại khu lưu niệm.

Mộ gió, là khu vực tâm linh của khu tưởng niệm, trước mộ đặt Bia ghi danh sách 64 liệt sĩ Gạc Ma ngày 14/3/1988, với đầy đủ họ, tên, địa chỉ. Theo tâm linh đây là chốn đi về của những người con hi sinh trên biển, đảo để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Cũng là nơi những người đang sống đến tưởng nhớ, tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Lá thư cuối cùng của người lính Gạc Ma - 11

Bia ghi danh sách 64 liệt sĩ Gạc Ma.

Ông Võ Duy Trúc - Giám đốc Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma cho biết, từ khi khánh thành vào năm 2017 đến nay, khu tưởng niệm đã đón hơn 300.000 lượt khách đến viếng hương để tưởng nhớ 64 chiến sĩ Gạc Ma đã anh dũng hi sinh vì Tổ quốc.

Cũng theo Giám đốc Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, khi đến viếng hương, nhiều mạnh thường quân có ngỏ ý mong muốn xây dựng quỹ để hỗ trợ giúp đỡ, chăm lo đến thân nhân của 64 chiến sĩ Gạc Ma.

"Hiện chúng tôi đang xin ý kiến để thành lập Ban liên lạc các thân nhân của 64 chiến sĩ Gạc Ma. Việc làm này nhằm mục đích tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của các thân nhân liệt sĩ, để làm cơ sở kết nối với các mạnh thường quân chăm lo, hỗ trợ kịp thời các khó khăn của người thân 64 liệt sĩ Gạc Ma" - ông Võ Duy Trúc cho hay.