1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Lạ lùng nơi trai gái đã 420 năm không được lấy nhau

Làng Kim Thượng (xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) và làng Châu Lỗ (xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) nhận nhau làm anh em và quan hệ với nhau bằng những quy ước theo nghi lễ của tục kết chạ hết sức độc đáo.

 

Đình làng Châu Lỗ - nơi tổ chức các buổi lễ họp giao lưu giữa hai làng Kim - Châu.

Đình làng Châu Lỗ - nơi tổ chức các buổi lễ họp giao lưu giữa hai làng Kim - Châu. 

 

Trải qua hàng trăm năm, nhưng hai làng không có một đôi trai gái nào lấy nhau.

 

Kết nghĩa anh em

 

Hơn 400 năm nay, làng Kim Thượng và làng Châu Lỗ đã duy trì những quy ước riêng, độc đáo. Đặc biệt dân làng hai bên coi nhau như anh em ruột, họ quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh, thực hiện đúng quy ước “sinh tử bất ly, hoạn nạn tương cứu”.

 

Cụ Nguyễn Đức Ấn (74 tuổi) - già làng của thôn Châu Lỗ kể lại về cơ duyên hai làng Kim - Châu (tên ghép giữa Kim Thượng và Châu Lỗ) kết nghĩa anh em: Khoảng tháng 9/1593, bên làng Kim Thượng mở hội tế thần linh, mọi người tổ chức thịt con trâu trắng, to khỏe nhất để làm lễ thánh.

 

Cụ Nguyễn Đức Ấn- già làng của thôn Châu Lỗ kể lại lịch sử của hai làng.
Cụ Nguyễn Đức Ấn- già làng của thôn Châu Lỗ kể lại lịch sử của hai làng.

 

Mọi thủ tục đã chuẩn bị xong, trước sự chứng kiến của các quan khách và đông đủ dân làng nhưng khi đánh búa vào con trâu để tiến hành làm thịt thì bỗng nhiên nó vùng dậy, phá đứt dây dừng, chạy thẳng đến làng Sở (tên gọi cũ của làng Châu Lỗ) rồi ngự trước cửa đền Châu Lỗ, đánh đuổi cách nào nó cũng không đi.

 

Hôm sau, người dân Kim Thượng hốt hoảng vì sợ rằng “trâu mình vào làng người ta, họ không cho chuộc chẳng biết ăn nói sao với các cụ thượng trong làng”. Bàn nhau mãi, cuối cùng họ phải trở về sắm lễ, mang tiền sang xin chuộc. Trái ngược với suy nghĩ làng Kim Thượng, dân làng Châu Lỗ hết sức nhã nhặn: “Dạ thưa anh, người là vàng, của là ngãi, chúng em đâu dám nhận tiền chuộc”. Con trâu trắng là sự tích, cũng là báo hiệu, là biểu tượng kết chạ của hai làng.

 

Mùa xuân 1594, tình cờ người dân hai làng đều đi phu, đắp đền thành nhà Mạc ở Lạng Sơn. Họ gặp nhau trong không khí rất vui vẻ, phấn khởi, họ cùng nhau làm việc, giúp đỡ nhau tận tình.

 

Về sau, khi kết thúc công việc, họ kéo nhau về làng Châu Lỗ, người dân bên Kim Thượng còn ngủ ở bên này một đêm, hôm sau mới về. Thấy vậy, bên Kim Thượng cử đoàn sang xin đặt vấn đề kết nghĩa anh em, cả hai làng cùng họp lại, thống nhất ý kiến và tiến hành kết nghĩa vào ngày 12/9/1594 tại đền Châu Lỗ.

 

Từ đó, hai làng chính thức trở thành anh em, mối quan hệ ngày càng khăng khít, họ cùng nhau bàn bạc và đưa ra 5 quy ước rất chặt chẽ bao gồm: Thứ nhất, chỉ có nam giới mới được có mặt trong các buổi gặp gỡ, bàn bạc công việc giữa hai làng, nữ giới không được phép. Thứ hai, chủ trương giao kết, việc công dân không tiếp việc tư - tức là gặp nhau không được bàn chuyện riêng tư. Thứ ba, hai bên giúp đỡ nhau không tính nợ lần, hơn thiệt. Thứ tư là ái ân nghiêm khắc, trong hai làng trai gái không được kết hôn với nhau. Và cuối cùng là người nhập cư hoặc làm rể của làng phải quá 3 đời mới được tham gia vào công việc chung của hai làng.

 

Tuy nhiên, đến nay bản quy ước đã thắt chặt hơn, ngày xưa 15 tuổi đã được “tiếp anh” (tham gia bàn bạc công việc chung giữa hai làng - PV) nhưng nay do dân số hai bên rất đông, số người cao tuổi rất nhiều nên công việc chung giữa hai làng đều do các già làng và cán bộ thôn đảm nhiệm chứ không cần đến những người trẻ tuổi như ngày xưa. Điều đặc biệt, dân làng hai bên kết nghĩa nhưng họ không quy định bên nào là anh, bên nào là em. Câu cửa miệng của họ khi hai bên có công việc gặp nhau đều là “Dạ lạy anh!” - để thể hiện sự tôn kính của mình.

 

Bản kính trình.
Bản kính trình.

 

Cụ Ngô Văn Xuyên (97 tuổi, thôn Châu Lỗ) cho biết: “Xây dựng hay tu sửa đình đền đều là việc chung. Khi đó bên này hỏng thì ra báo cáo với bên anh xin phép để sửa. Làng Châu lỗ làm nghề thợ mộc, bên Kim Thượng lại có nghề thợ nề, do vậy hễ có công việc gì từ nhỏ đến lớn họ sẵn sàng giúp đỡ nhau, không nề hà, tính toán và còn mang tiền ra hỗ trợ cùng nhau xây dựng”.

 

Cách đây không lâu, bên Kim Thượng bị lụt, không còn con giống để trồng trọt. Thấy vậy, dân làng Châu Lỗ có gì ủng hộ cái đó, từ bó mạ, dây củ cũng gánh sang. Đó là những việc rất nhỏ nhưng cũng thể hiện tình cảm keo sơn giữa hai làng. Cụ thể là năm vừa rồi, bên Kim Thượng dồn điền đổi thửa cho nên không cấy được hết diện tích mất vài chục mẫu.

 

Ngay lập tức, lãnh đạo thôn cùng các già làng Châu Lỗ huy động người dân ủng hộ, cứu trợ dân anh. Bất kỳ người dân Châu Lỗ nào, mặc dù sống ở đâu đi chăng nữa thì mỗi khẩu sẽ hỗ trợ 15/kg thóc, chỉ sau 2 ngày phát động bà con đã hoàn thành đầy đủ, kết quả hỗ trợ bên Kim Thượng được 38 tấn thóc.

 

Ngoài những công việc lớn có liên quan đến xây dựng đình đền hay kỷ niệm giữa hai làng, trong một năm thường có tục lệ “thăm đồng”, nghĩa là hai làng qua lại đánh giá mùa màng, tỉ lệ năng suất cho nhau, nếu bên nào mất mùa, sản lượng thấp thì bên kia sẵn sàng giúp đỡ chia sẻ, không kê biên, không hoàn lại. Cứ sáu năm, hai làng lại tổ chức lễ kết chạ một lần.

 

Theo quy định của các cụ thời xưa thì ngày lễ không được sớm hơn 6h sáng và không muộn hơn 6h tối. Buổi lễ được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và trang trọng, nghi thức linh đình, có kiệu, trống chiêng, các loại binh khí... giống như rước quan ngày xưa. Năm 2009, dân làng hai bên đã cùng nhau tổ chức kỷ niệm 415 năm kết nghĩa, đến lượt dân làng Châu Lỗ tổ chức buổi lễ long trọng để bồi đắp nghĩa tâm giao.

 

Nghiêm khắc ái ân

 

Trong quy ước 5 điều khoản kết chạ giữa hai làng thì điều thứ 4 ghi rất rõ “Ái ân nghiêm khắc, trai gái trong hai làng không được kết hôn”. Bản hương ước quy định 5 điều giữa hai làng chẳng biết thực hư đến đâu nhưng chuyện trai gái đúng là không được kết hôn thật. Trai gái không được kết hôn, thậm chí không được trò chuyện, kết bạn với nhau. Vì mọi người cho rằng, nếu nam nữ hai làng lấy nhau mà mẹ chồng và con dâu xô xát mắng chửi nhau, mẹ chồng chửi con dâu thì cũng như chửi anh mình.

  

Ông Hà Minh Cảnh - Phó thôn Châu Lỗ - chắc chắn rằng: “Cho tới nay, quan hệ giữa hai làng vẫn gắn bó, khăng khít. Về vấn đề nam nữ cũng thực hiện rất tốt, hơn 400 năm qua, hai làng chưa hề có ai vi phạm cả. Nếu như có trường hợp nào vi phạm sẽ bị kỷ luật, nặng hơn là sẽ bị đuổi ra khỏi làng, hoặc bị xa lánh “sống không chơi, chết không chôn”, nhưng dân làng hai bên rất tuân thủ “lệ làng”, không hề vi phạm”.

 

Tuy nhiên, do luật lệ hai làng quy định đã từ lâu đời không thể thay đổi được, nhiều khi dân làng hai bên thường tránh gặp mặt nhau bởi theo họ vì đã kết chạ anh em nên khi giao tiếp cũng cần ý tứ, không được thoải mái. Nhiều khi gặp nhau họ thường nói tránh tên làng, không nhận mình là người Châu Lỗ hoặc Kim Thượng để có thể dễ dàng giao tiếp.

 

Hai làng quy ước, khi giao lưu gặp mặt chỉ có nam giới mới được có mặt, ví dụ làng Châu Lỗ đến làng Kim Thượng thì phải đi cùng đoàn thể chứ không được đi cá nhân riêng lẻ, không được bàn bạc việc tư, nếu phát hiện sẽ đuổi ra khỏi làng ngay lập tức.

 

Trong những dịp kỷ niệm giữa hai làng, anh em gặp nhau rất phấn khởi, tổ chức rất hoành tráng, khi xưa có cả hát ca trù, nhảy múa, nhưng bây giờ thay bằng phát biểu, tổ chức ăn uống linh đình. Trang phục trong các buổi lễ cũng được quy định hết sức nghiêm ngặt, cụ già trên 80 tuổi thì mặc quần đỏ, áo the đỏ, mũ đỏ, từ 70 - 79 tuổi thì mặc quần đỏ, áo dài lương, khăn xếp. Người từ 69 tuổi trở xuống thì mặc quần trắng, áo dài đen, khăn xếp. Sắp tới năm 2014, hai làng sẽ tổ chức kỷ niệm 420 năm quan hệ keo sơn giữa hai làng và lần này là bên Kim Thượng tổ chức đón bên Châu Lỗ.

 

Theo Lê Nga
 Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm