1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Tĩnh:

Lạ lùng dịch vụ giải hạn "trả nợ đời" ở một ngôi đền

(Dân trí) - Muốn đường công danh, sự nghiệp xán lạn thì phải làm lễ giải hạn "trả nợ kiếp trước". Người ít thì nợ vài trăm nghìn đồng, nhiều thì vài triệu đồng, thậm chí có người "trả nợ" cả chục triệu đồng. Tất cả "khoản nợ" này đều được trả vào đền.

Trắng trợn móc túi khách thập phương

Lâu nay, chúng tôi nhận được nhiều phản ánh xung quanh những việc làm phản cảm, mập mờ tại ngôi Đền Truông Bát, xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Thâm nhập điều tra, chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến dịch vụ “trả nợ luân hồi” kỳ quái tại đây.

Đền thờ Truông Bát
Đền thờ Truông Bát

Khi đến viếng thăm ngôi đền Truông Bát, nhiều người dân đã xin xăm, bắt quẻ. Trong xăm này có một khoản ghi rõ phải làm giải hạn "Tào quan" (tức trả nợ từ kiếp trước luân hồi đến kiếp này). Nhiều người khi đọc xăm không hiểu thì ngay lập tức có một người phụ nữ tên Lợi trạc tuổi ngoài 40 xưng là vợ của thủ nhang ngôi đền, đứng ra giải thích. Nói là giải thích nhưng thực ra nhiệm vụ của bà vợ ông thủ nhang là thuyết phục người xin xăm bỏ tiền làm lễ giải hạn.

Lúc chúng tôi có mặt, chứng kiến vợ chồng anh N. ở TP Hà Tĩnh đang được bà Lợi giải thích về tầm quan trọng của việc giải hạn Tào quan. “Sinh ra là có nợ, luân hồi của kiếp trước. Đến năm bị đòi nợ mới liêu xiêu, nếu biết đường mà trả được thì mới thuận, đường công danh mới sáng. Sự nghiệp của anh chưa thuận lợi là do anh chưa trả nợ”, bà Lợi thao thao nói với vợ chồng anh N.

Bà Lợi đang thuyết phục người đến đền giải hạn Tào quan (Ảnh cắt từ clip)
Bà Lợi đang thuyết phục người đến đền giải hạn Tào quan (Ảnh cắt từ clip)

Sau khi xem năm sinh và các thành viên trong gia đình anh N., bà Lợi phán, hiện anh N. đang nợ luân hồi từ kiếp trước hơn 7 vạn, quy ra tiền Việt theo cách tính của bà Lợi là hơn 1 triệu đồng. Cả gia đình anh N. có 4 người, tổng cộng theo bà Lợi là đang nợ kiếp luân hồi hơn 60 vạn, quy ra tiền mặt là hơn 10 triệu đồng (!).

Sau một hồi dùng lý lẽ thuyết phục, thấy vợ chồng anh N. bắt đầu tin vào lời của mình, người phụ nữ này không ngừng thúc giục: “Nên trả nợ sớm thì sự nghiệp mới thuận lợi được. Trả càng nhiều càng tốt, nhưng tối thiểu là bằng số tiền nợ. Ai có điều kiện thì trả nhiều hơn càng tốt”. Vợ chồng anh N. có một người con mới 5 tuổi mà theo bà Lợi “phán” là đang nợ đến 40 vạn (tức 5 - 6 triệu đồng), nếu không trả thì sự nghiệp của anh N. sẽ đi theo chiều hướng khó khăn. “Hai đứa bay không trả nợ cho thằng nó (con anh N.) thì đường công danh của bố đố mà lên được”, bà Lợi dọa.

Người phụ nữ này nhấn mạnh thêm, phải trả nợ ngay tại đền này và người chủ đền là ông Cẩn (thủ nhang) mới giải được hạn. Tin lời bà Lợi, vợ chồng anh N. đã đồng ý nộp tiền để ông thủ nhang đền làm lễ giải hạn cho gia đình mình.

Vợ chồng anh N. đưa trước 1 triệu đồng cho bà Lợi để làm lễ giải hạn Tào quan (Ảnh cắt từ clip)
Vợ chồng anh N. đưa trước 1 triệu đồng cho bà Lợi để làm lễ giải hạn Tào quan (Ảnh cắt từ clip)

Trong thời gian vợ chồng anh N. đang làm lễ trong điện chính của ngôi đền, chúng tôi nhờ bà Lợi xem mình nợ bao nhiêu để giải hạn. Bà Lợi lật lật từng trang giấy trong cuốn sách đối chiếu các dãy số chi chít rồi bắt đầu nói: anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi nợ 14 vạn, tương đương khoảng 2 triệu đồng, cần phải làm lễ giải hạn ngay để được yên thân. Lấy cớ hôm nay chỉ đủ tiền mua nhang, anh bạn tôi từ chối khéo. 

Đợi thủ nhang làm lễ xong, chúng tôi đã tiếp cận vợ chồng anh N. để hỏi thêm một số thông tin. Vợ anh N. thật thà: “Do chưa có điều kiện để trả nợ cùng một lúc nên vợ chồng tôi chỉ làm lễ trả nợ cho anh N với số tiền 2 triệu đồng, số tiền này chưa bao gồm tiền lễ". Vợ anh N. nói thêm, hôm nay đến ngôi đền này mới thấy trong xăm có ghi là giải hạn Tào quan, chứ trước đây chưa từng nghe đến hình thức giải hạn này.

Nhiều sai phạm do buông lỏng quản lý

Theo điều tra của PV Dân trí, tại đền Truông Bát không chỉ tồn tại dịch vụ giải hạn đậm chất mê tín dị đoan để móc túi người dân mà còn bộc lộ hàng loạt sai phạm ảnh hưởng đến hoạt động tín ngưỡng tâm linh khiến người dân bất bình. 

Dù Bộ VH-TT-DL đã cấm chính quyền địa phương giao đền, chùa cho cá nhân quản lý dưới mọi hình thức, nhưng chính quyền xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà nhiều năm qua đã tự ý ký hợp đồng giao đền cho ông Ngô Thanh Cẩn (trú tại TP Vinh, Nghệ An) quản lý, khai thác với giá hợp đồng ký kết 120 triệu đồng/năm. Sau khi giao khoán cho ông Cẩn, chính quyền xã Ngọc Sơn phó mặc ngôi đền cho vị thủ nhang, gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân. 

Người dân địa phương cho rằng các khoản thu chi tiền nhang khói, công đức mà người dân đóng góp vào đền lớn hơn rất nhiều so với số tiền 120 triệu đồng/năm mà chính quyền xã giao khoán. Cụ thể khoản tiền công đức này xã cũng không hề nắm được.

Có hợp đồng trong tay, ông thủ nhang đưa cả vợ, con cháu của mình từ Nghệ An vào dựng nhà, ở hẳn trong đền. Người dân bất bình khi công trình nhà ở, nhà vệ sinh phục vụ sinh hoạt của gia đình thủ nhang nằm ngay sát chính điện. 

Ngoài ra vợ chồng thủ nhang còn tổ chức các lễ giải hạn, trả nợ luân hồi như đã nói ở trên, nặng tính mê tín dị đoan, nhằm lấy tiền của những người cả tin. Toàn bộ hoạt động này của vợ chồng thủ nhang đều không bị ai quản lý.

Thừa nhận việc ký hợp đồng giao khoán đền Truông Bát cho ông Cẩn là sai, tuy nhiên làm việc với PV Dân trí, chính quyền xã Ngọc Sơn lý giải địa phương muốn tận dụng quan hệ của ông Cẩn để huy động nguồn lực nâng cấp, tôn tạo ngôi đền được khang trang hơn.    


Đền Truông Bát là một di tích cổ, được xây dựng cách nay khoảng 600 năm, tọa lạc trên một vùng non xanh nước biếc, ở một góc Ngã ba Khe Giao - chỗ gặp nhau của Tỉnh lộ 3 và Quốc lộ 15, thuộc thôn 1, xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Đền là nơi thờ Vương nương Thánh mẫu đệ nhị thượng ngàn hay còn gọi là Lộc Hoa công chúa, tục gọi là đền bà chúa Lộc. Tương truyền, Lộc Hoa công chúa có tên húy là Phạm Thị Thỏa, người huyện Đỗ Gia (nay thuộc phần đất huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh), sống vào khoảng thế kỷ XV. Bà là người có công lớn trong việc giúp nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi quân Minh giành lại độc lập cho đất nước.

Xuân Sinh - Tiến Hiệp