Lạ lẫm những cánh đồng Mêka đá xen trong lúa
(Dân trí) - Những năm gần đây, cán bộ địa phương ở Lâm Đồng nhiều lần xuống tận đồng gặp gỡ, khuyến cáo người dân không chẻ đá, đưa đá ra khỏi ruộng lúa.
Đầu năm 2025, nông dân xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, Lâm Đồng tất bật cải tạo đất, bắt tay xuống giống vụ lúa Đông Xuân. Trên cánh đồng Mêka (thôn Mêka, xã Đạ Tông), những thửa ruộng xinh đẹp nằm xen lẫn những tảng đá lớn nhỏ, đủ hình dạng.

Cánh đồng lúa Mêka rộng 20ha, nằm cạnh suối Đạ Tông (Ảnh: Minh Hậu).
Chị Liêng Hót Ka Thêm, 41 tuổi, dân tộc Cil, trú xã Đạ Tông chia sẻ, cánh đồng Mêka nằm cạnh con suối Đạ Tông là vùng sản xuất nông nghiệp lâu đời của người dân địa phương. Tại đây, người dân cải tạo phần đất trống cạnh những tảng đá rồi gieo trồng lúa, đảm bảo nguồn lương thực.
Theo chị Ka Thêm, khi lớn lên, chị đã thấy cha mẹ làm lúa ở cánh đồng Mêka. Vào mùa đổ nước, cánh đồng với những thửa ruộng lớn nhỏ, cao thấp khác nhau trông giống như những tấm gương sáng lóa.
Thời kỳ lúa phát triển, cánh đồng được "nhuộm" xanh. Khi lúa chín, cánh đồng Mêka bát ngát lúa vàng xen lẫn những tảng đá xám khá lạ mắt.
Cán bộ xuống đồng khuyến cáo người dân không đưa đá ra khỏi ruộng lúa (Video: Minh Hậu).
Ông Kon Nhông Ha Ben, 57 tuổi, dân tộc Cil cho hay, diện tích đất trồng lúa của gia đình ông tại cánh đồng Mêka không nhiều. Tuy nhiên, vùng đất có nguồn nước tưới ổn định nên mỗi năm gia đình phát triển 2 vụ lúa, góp phần chủ động về nguồn lương thực cho cả gia đình.
Về những tảng đá lớn nằm khắp nơi trên đồng, ông Ha Ben thổ lộ, đá gắn bó với người Cil địa phương từ xa xưa và cánh đồng lúa - đá trở nên quen thuộc của bao thế hệ người dân.

Người đồng bào dân tộc Cil trồng lúa trên cánh đồng Mêka (Ảnh: Minh Hậu).
"Chúng tôi chỉ di chuyển những tảng đá nhỏ để tiện cho việc cải tạo đất, giữ nguyên các tảng đá lớn. Nhiều lần cán bộ xã xuống khuyên người dân không di chuyển đá để tạo cảnh quan, sau này phát triển du lịch", ông Kon Nhông Ha Ben nói.
Cũng theo ông Ha Ben, thời gian qua, nhiều người chuyên khai thác khoáng sản tìm đến các hộ dân trong thôn để xin chẻ đá, mang đá ra khỏi đồng lúa nhưng người dân không đồng ý.
Về việc cán bộ địa phương khuyến cáo người dân giữ đá lại đồng lúa, chị Ka Thêm cho biết, người dân trong thôn rất đồng thuận với phương án này.

Ruộng lúa xanh xen lẫn đá trên cánh đồng Mêka (Ảnh: Minh Hậu).
Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, Lâm Đồng thông tin, cánh đồng Mêka rộng khoảng 20ha, là nơi sản xuất lúa của hàng chục hộ dân. Việc sản xuất lúa tại đây được thực hiện mỗi năm 2 vụ.
Theo ông Dũng, đồng lúa Mêka nằm cạnh suối Đạ Tông, có đá lớn nhỏ phân bổ rộng khắp tạo nên cảnh quan độc đáo. Thời gian tới, chính quyền xã Đạ Tông dự kiến đưa cánh đồng lúa - đá Mêka vào phát triển du lịch canh nông để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tăng nguồn thu cho người dân.

Một không gian ít đá hơn của đồng lúa Mêka (Ảnh: Minh Hậu).
"Xã Đạ Tông có suối nước nóng, Nhà thờ đá Đạ Tông, Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc Đam Rông, có nét độc đáo về nghề truyền thống, ẩm thực… Đây là những tiềm năng, lợi thế cho xã Đạ Tông phát triển du lịch. Do vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân không chẻ đá, không di chuyển đá ra khỏi đồng lúa Mêka để giữ gìn cảnh quan, đưa cánh đồng vào chương trình phát triển du lịch canh nông địa phương thời gian tới", ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Tông, nói.
Theo ông Trần Văn Dũng, chính quyền xã Đạ Tông sẽ đề xuất UBND huyện Đam Rông quan tâm, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất kết hợp mô hình du lịch canh nông tại đồng lúa Mêka.