1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Tĩnh:

Lạ lẫm chuyện vượt lòng hồ vào rừng "mót" trâu

(Dân trí) - Mặc dù đã chuyển đến khu tái định cư hơn 5 năm nay, nhưng người dân tại xã Hương Quang, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) vẫn thường xuyên thuê thuyền vượt lòng hồ quay về chốn cũ “mót” những chú trâu nhà còn sống lẩn khuất giữa đại ngàn.

Những con trâu nhà còn sót lại sau cuộc di dân

Đi thuyền giữa lòng hồ Ngàn Trươi mênh mông, thỉnh thoảng người ta lại nghe những âm thanh vọng lại ở 2 bên mạn rừng. Nhiều người không biết cứ tưởng là loài vật hoang dã nào nhưng kỳ thực đó là tiếng của những chú trâu nhà còn sót lại kể từ khi người dân vùng Hương Quang chuyển đến khu tái định cư, nhường đất lại cho đại công trình thủy lợi.

Lạ lẫm chuyện vượt lòng hồ vào rừng mót trâu - Ảnh 1.

Để "mót" những chú trâu nhà còn sót lại, người dân phải thuê người, thuyền vào lòng hồ Ngàn Trươi gần vực rừng Quốc gia Vũ Quang để bắt.

“Tiếng trâu gọi đàn đó. Chắc đoạn này cỏ tốt, nước trong, nên mới nghe nhiều như vậy”, một người dân trên thuyền nói. Theo hướng nhìn của người dân, chúng tôi lại thấy những chú trâu thấp thoáng sau những tán cây rừng. Thấy bóng người, chúng vội quay đầu trốn vào rừng. Không chỉ có trâu mà bò cũng trở thành loài hoang dã do thói quen chăn thả này.

Loài trâu này vẫn được người địa phương quen gọi là trâu ruông. Trước đây, người dân xã Hương Quang thường có thói quen đánh dấu trâu rồi chăn thả hoang tại các bìa rừng. Trâu thả hoang phải tự kiếm ăn, tự vượt qua các điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên sinh tồn. Trâu nhà thả rông nhiều năm dần quen với lối sống hoang dã. Đặc biệt, nhiều hộ ban đầu chỉ thả vào rừng 2 con nhưng sau một vài năm đã tăng đàn lên 5- 7 con.

Lạ lẫm chuyện vượt lòng hồ vào rừng mót trâu - Ảnh 2.

Trâu ruông thường có mình đen, to và nhìn dữ hơn trâu nhà

 

Lứa nghé con sinh ra trong môi trường tự nhiên, không được con người thuần hóa, quen với tập quán hoang dã nên lớn lên trở thành những con trâu rừng vừa nhút nhát vừa hung dữ. Cũng bởi thời gian dài trâu không tiếp xúc với người nên có sự tách biệt, rất khó để con người có thể đến gần.

Chỉ đến khi cần bán, người ta mới săn trâu về. Loài trâu ruông này thường ít dùng vào việc đồng áng mà chủ yếu là dùng để giết thịt.

Đàn gia súc (chủ yếu là trâu bò) chỉ hơn 500 con, nhưng 5 năm nay, người dân Hương Quang vẫn không thể bắt hết chúng ra khỏi khu vực cũ.

 

Lạ lẫm chuyện vượt lòng hồ vào rừng mót trâu - Ảnh 3.

Không chỉ trâu mà bò cũng được chăn thả hoang trên rừng và dẫn trở nên hoang dã.

 

Theo ông Võ Văn Thọ (Chủ tịch UBND xã Hương Quang) cho hay: “Mặc dù người dân được di dời đến khu vực mới, nhưng trâu chỉ đưa được hơn nửa đàn đi theo. Người dân thường xuyên quay lại chỗ cũ để bắt nốt số còn lại. Sau nhiều năm săn bắt, số trâu này chỉ sót còn trên dưới 10 con nhưng rất khó để bắt hết một lần. Một phần do đường sá đi lại nhưng lý do chính bởi thói quen chăn thả trong rừng khiến việc bắt loài trâu này rất khó khăn. Mỗi năm, người dân phải chi một số tiền lớn để “mót” nốt số trâu rừng còn sót lại nhưng con số này cũng hết sức khiêm tốn”.

Để “mót” trâu, họ phải nhờ đến nhưng tay săn bắt trâu ruông lão luyện. Đó cũng là nghề “truyền thống” của người dân nơi đây.

Gian nan nghề "mót" trâu ruông

Sau khi di chuyển gần 1 giờ bằng thuyền máy, chúng tôi dừng chân tại Trạm Kiểm lâm Hương Quang. Ngay sát chân trạm, một chú trâu đen bóng đã được buộc vào gốc cây. Đó là kết quả suốt 2 tuần “săn mót” của ông Lương Ngọc Bá- một tay săn trâu ruông có tiếng nơi đây.

Để bắt được con trâu này, ông Bá phải dầm 1 ngày trong mưa rừng mới lần được dấu trâu. Lần được dấu chân trâu, phải quan sát hướng đi, vị trí bãi cỏ nó thường xuất hiện. Tìm được chỗ, ông Bá phải phục nhiều ngày để quan sát tập tính của trâu. Sau khi tìm hiểu kỹ ông Bá mới quyết định đặt bẫy. Chiếc bẫy của ông Bá chỉ đơn giản là sợi dây thừng to, bền chắc được thòng lọng, đặt trên bãi cỏ rồi phủ lá cây lên. Khi trâu xuất hiện, người săn bắt đầu khua chiêng, mõ tạo thành âm thanh, từ từ thu hẹp khoảng cách với trâu, khéo léo đưa trâu vào bẫy đã đặt sẵn.

 

Lạ lẫm chuyện vượt lòng hồ vào rừng mót trâu - Ảnh 4.

Ông Lương Ngọc Bá- một người săn trâu ruông có tiếng.

 

Nghe tưởng chừng như đơn giản nhưng ông Bá đã phải vờn trâu cả 2 ngày mới dụ được nó vào bẫy. Công việc này không chỉ vất vả mà còn nhiều nguy hiểm.

Mặc dù trâu ruông rất nhát nhưng khi bị rơi vào thòng lọng trâu bắt đầu chống cự quyết liệt, không nhanh trí thì rất dễ bị trâu húc. Bản thân ông Bá cũng nhiều lần bị trâu tấn công nhưng may mắn nhờ kinh nghiệm của mình ông đều thoát nạn trong gang tấc. 

“Khi nhìn thấy tai trâu dựng đứng, mắt trừng ngược là biết nó sắp tấn công. Lúc này, ngay lập tức tôi phải tìm chỗ núp ngay sau gốc cây lớn hoặc trèo lên cây cao. Chậm một tích tắc rất dễ bị húc trúng bụng”, ông Bá truyền lại kinh nghiệm.

Đưa tay vuốt ve con trâu vừa thuần phục, ông Bá cười sảng khoái: “Đây là con thứ 5 tui bắt trong năm nay đó. Con này là tui bắt đỡ vất vả nhất đấy. Chứ mấy con trước có khi cả tháng mới bắt được. Tui chỉ bắt hộ cho người quen thôi, không lấy công sá chi cả”.

Cũng theo ông Bá, trước đây, chi phí để bắt trâu ruông có giá tầm vài triệu/con. Nhưng từ khi người dân đến ở nơi khác, đường sá bị chia cắt, đi lại khó khăn nên chi phí tăng cao hơn. chừng 5-6 triệu/con. Khi chưa di dân, mỗi lần bắt trâu, người dân luôn đi thành từng tốp từ 5 - 7 người, nhưng giờ đây mỗi lần “mót” trâu chỉ có 3 - 4 người, có khi chỉ một người nên thời gian cũng lâu hơn.

Lạ lẫm chuyện vượt lòng hồ vào rừng mót trâu - Ảnh 6.

Chú trâu ruông vừa được ông bắt sau gần 2 tuần mai phục.

Trâu sau khi bị bắt thường được buộc ở khu vực gần đó cho quen với người. Đợi một vài ngày người săn trâu mới dùng thuyền đưa trâu ra. Muốn đưa trâu lên thuyền, người ta phải dùng tre đóng thành gióng dựng chuồng ngay trên thuyền, hoặc có người dùng dây thừng trói tứ chi trâu lại.

Số trâu này sau khi ra khỏi vùng lòng hồ thường trở thành đặc sản của các nhà hàng. Thịt trâu ruông có thời điểm giá lên đến 350 ngàn/kg. “Thịt trâu ruông thường săn chắc, ngọt nên nhiều người ưa thích. Đặc biệt nhiều người có quan niệm ăn thịt trâu ruông lấy may. Nhưng giờ chắc trâu ruông tại đây rất ít vì người ta không còn chăn thả kiểu này nữa”, ông Bá cho hay.

Sau hơn 5 năm định cư tại nơi ở mới, người dân vùng Hương Quang đã dần ổn định đời sống. Đàn gia súc đã được tái đàn trở lại, họ cũng dần từ bỏ thói quen chăn thả trâu bò trong rừng. Những đàn gia súc nay được nuôi nhốt trong chuồng và chăn thả tại các cánh đồng cỏ gần nhà.

Phượng Vũ

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm