1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Hà Tĩnh:

Kỷ vật của 10 cô gái Đồng Lộc "kể chuyện" 47 năm trước

(Dân trí) - 47 năm đã đi qua, nơi 10 cô gái thanh niên xung phong ngã xuống đã trở thành địa chỉ đỏ của nhân dân cả nước về dâng hương tưởng niệm. Qua những hiện vật được lưu giữ nơi đây, câu chuyện của 47 năm trước như vẫn hiển hiện.

Trong hàng ngàn hiện vật chiến tranh được lưu giữ tại Bảo tàng Ngã 3 Đồng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), kỷ vật của 10 cô là khu vực được khách tham quan ghé thăm nhiều nhất. Mỗi hiện vật là một câu chuyện xúc động gắn liền với cuộc đời của các chị. Có những kỷ vật được tìm thấy ngay tại hố bom nơi các chị nằm lại, nhưng cũng có những kỷ vật được gia đình cất giữ nhiều năm trước khi giao lại cho bảo tàng. 

10 cô gái TNXP tại Ngã ba Đồng Lộc
10 cô gái TNXP tại Ngã ba Đồng Lộc

Từ một vài kỷ vật ban đầu, hiện nay tại bảo tàng có hơn 20 kỷ vật về 10 cô gái thanh niên xung phong.

Một trong những kỷ vật đã trở thành "tuyên ngôn" của thế hệ thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ chính là bức thư của đội trưởng Võ Thị Tần gửi mẹ và các em trước ngày hy sinh.  

Ngày 19/7/1968, chị Tần đã viết thư về cho mẹ. Bức thư tràn đầy tình cảm yêu thương nhớ mong mẹ và cũng tràn đầy tinh thần yêu nước, căm thù giặc, quyết tâm sắt đá đánh kẻ thù và tinh thần lạc quan cách mạng phơi phới. 

Bức thư tiểu đội trưởng Võ Thị Tần gửi gia đình 5 ngày trước lúc hy sinh

Bức thư tiểu đội trưởng Võ Thị Tần gửi gia đình 5 ngày trước lúc hy sinh

Trong thư chị viết: "... Mẹ ơi, ở đây vui lắm mẹ ạ, ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường, còn ban ngày chúng mang bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con.

... Trưa nay, hàng chục máy bay giặc kéo đến trút bom lên Ngã ba Đồng Lộc. Với yêu cầu nhanh chóng thông đường, mặc dù trời còn rất sớm nhưng tất cả chúng con đều xông lên mặt đường để kịp thời cứu chữa. Trong thời gian chúng con làm, máy bay giặc có đến trinh sát, chúng tưởng đâu là đường sá đã bị tan nát vì cơn mưa bom của chúng. Nhưng chúng có mắt như mù, chính lúc đó là lúc đoạn đường được nối bằng cả tâm hồn và trí lực của chúng con. Trời xẩm tối, những chiếc xe mang nặng tình hậu phương lại lăn bánh trên đường ra tiền tuyến. Chúng con vui sướng vẫy chào những chiến sỹ lái xe anh dũng”. 

Chiếc xoong kho cá của 10 cô gái TNXP
Chiếc xoong kho cá của 10 cô gái TNXP

5 ngày sau, chị và đồng đội đã hy sinh khi chưa kịp buổi ăn chiều.

Kỷ vật được đồng đội tìm thấy trong ngày các chị hy sinh là xoong cá còn nấu dở chờ các chị về ăn.

Lúc ấy là vào khoảng 17h ngày 24/7/1968, tiểu đội 4 thanh niên xung phong được lệnh trọng điểm ở khu vực địch vừa thả bom để san lấp hố bom sửa chữa đường, kết hợp sửa chữa hầm trú ẩn, khơi sâu rãnh thoát nước ở đoạn đường độc đạo để nhanh chóng thông đường cho xe qua. Vừa kho dở nồi cá, nhận nhiệm vụ 10 cô gái hăng hái lên đường. Một tốp máy bay phản lực từ hướng Bắc vào Nam vượt qua trọng điểm. Tất cả các cô nhanh chóng nằm rạp xuống đường. Hết tiếng máy bay các cô lại chồm dậy làm việc. Bất ngờ tốp máy bay phản lực quay lại, bay từ trong ra, thả một loạt bom rơi đúng vào đội hình 10 cô gái. Các tiểu đội thanh niên xung phong đi sau chồm lên gào thét, nhân dân xóm Bãi Dĩa quanh đấy cũng lao ra gọi tên từng người. Khi đến nơi quả bom vừa nổ chỉ thấy một hố bom sâu hoắm, một vài chiếc xẻng, cuốc vǎng ra nhưng không còn thấy một ai, không nghe thấy một tiếng người. Cả 10 cô gái trẻ ấy đã hy sinh.

Một phần của hố bom nơi các chị hy sinh
Một phần của hố bom nơi các chị hy sinh

"Nồi cá vẫn nghi ngút khói nơi lán đợi các chị về ăn. Nhưng bữa chiều ngày hôm ấy các chị đã ra đi không bao giờ trở về nữa", chị Đặng Thị Yến - người hướng dẫn chúng tôi bùi ngùi kể lại.
Lọn tóc thề và chiếc lược hẹn ước của nữ tiểu đội trưởng Võ Thị Tần
Lọn tóc thề và chiếc lược hẹn ước của nữ tiểu đội trưởng Võ Thị Tần

Xen lẫn trong những kỷ vật của các chị, chúng tôi lặng người khi được biết về câu chuyện tình sắt son giữa nữ tiểu đội trưởng Võ Thị Tần và một chàng trai cùng quê. Trước khi anh lên đường nhập ngũ, họ hẹn thề ngày thống nhất nên duyên vợ chồng. Nhưng lời hẹn ấy không bao giờ thành hiện thực. Lúc anh trở về thì hay tin người yêu đã hy sinh. Lọn tóc thề và chiếc lược là 2 kỷ vật của họ được chàng trai cất giữ suốt nhiều năm trước khi trao lại cho bảo tàng. Với anh đó là những kỷ vật vô giá... 

Chiếc vali đựng quần áo của chị Hường
Chiếc vali đựng quần áo của chị Hường

Nhiều nhất là những kỷ vật của chị Trần Thị Hường. Chị Hường là con của một liệt sĩ chống Pháp. Cha chị là vệ quốc quân hy sinh năm 1953 ở mặt trận. Khi ông hy sinh, Hường mới 4 tuổi, mẹ Hường đang có mang em Lý. Năm Hường tròn 5 tuổi thì mẹ đi bước nữa. Hai chị em ở với bà ngoại và cậu mợ tại  thị xã Hà Tĩnh (nay là thành phố Hà Tĩnh). Theo người cậu và nhiều đồng đội chị Hường kể lại, tuy sống thiếu tình cảm bố mẹ nhưng được bà và cậu mợ thương yêu rất mực nên tính tình của Hường vẫn hồn nhiên vui vẻ. Chị có giọng hát hay và lại hay hát. Hường được mệnh danh là “chim sơn ca” của tiểu đội và của cả C522. 

Sổ hát, 
Sổ hát, 
Thẻ đoàn viên
Thẻ đoàn viên

Phần lớn những kỷ vật của chị Hường được người cậu cất giữ lại. Trong đó chiếc vali là kỷ vật được ông trân trọng như bảo bối. Người cậu của chị Hường là ông Trần Hữu Tịch, vốn là một thầy giáo nên những kỷ vật của cháu gái ông cất giữ rất cẩn thận. Khi cán bộ bảo tàng đến vận động xin lại kỷ vật của chị Hường, ông Tịch không đồng ý bởi đây là kỷ vật sót lại của người cháu ông rất mực thương yêu. Đến lần thứ 4 ông mới đồng ý để bảo tàng cất giữ những báu vật này.

"Trước khi trao, ông bịn rịn và khóc không muốn chia tay với kỷ vật của cháu. Không biết có phải vì lý do này không mà sau đó ông Tịch ốm một thời gian dài", chị Yến kể lại.

Ngoài chiếc vali, bảo tàng còn lưu giữ học bạ, sổ đoàn viên, sổ hát... của chị Hường.

Chiếc đồng hồ của chị Võ Thị Hà
Chiếc đồng hồ của chị Võ Thị Hà
Chiếc đồng hồ của chị Võ Thị Hà
Chiếc áo của các chị do người nhà cất giữ được trao lại cho bảo tàng trưng bày. Trong đó chiếc áo ở giữa là của chị Nguyễn Thị Xuân. Sau khi chị hy sinh, người em gái vẫn thường mặc chiếc áo của chị như vật gắn bó của mình. Trên áo vẫn còn nhiều vết ố do bùn bám.

Ngoài ra, một số kỷ vật khác như chiếc đồng hồ của chị Võ Thị Hà, chiếc áo của chị Võ Thị Hợi... đều được cán bộ bảo tàng Ngã ba Đồng Lộc cất công tìm đến nhà người thân để tìm hiểu và xin lại. 

Tại bảo tàng cũng lưu giữ 3 đôi dép cao su được tìm thấy tại hố bom các chị hy sinh vào năm 2000, khi Ban quản lý được phê duyệt dự án mở rộng khu mộ, cho khôi phục lại. 

"Hiện nay, số kỷ vật này vẫn chưa thể trọn vẹn cả 10 chị. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những kỷ vật của các chị qua bạn bè, đồng đội và gia đình... Đây là những kỷ vật quốc gia vô cùng quý giá để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế trẻ", chị Yến cho biết.

Ngã ba Đồng Lộc hôm nay

Ngã ba Đồng Lộc hôm nay

Ngã ba Đồng Lộc hôm nay
Ngã ba Đồng lộc trong những năm tháng hào hùng được tái hiện bằng sa bàn tại Bảo tàng Ngã ba Đồng Lộc

Tại bảo tàng còn cất giữ hơn 1.000 hiện vật của thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 10 cô gái TNXP của tiểu đội 4-C522 đã như hàng trăm, hàng ngàn cô gái, chàng trai khắp mọi miền Tổ quốc cùng tụ họp về đây, làm nên huyền thoại Đồng Lộc. Các chị mãi là những bông hoa bất tử nơi Ngã ba Đồng Lộc anh hùng.

Phượng Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm