Ký ức về trận đánh Lam Sơn do tướng Đồng Sỹ Nguyên chỉ huy
(Dân trí) - Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng từng là bộ đội Trường Sơn kể về những ký ức khi được tham gia chiến dịch "Lam Sơn 719" do Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chỉ huy.
Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng kể, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã có sự chỉ huy tầm chiến lược, quyết đoán trong việc chỉ huy bộ đội Trường Sơn trong chiến dịch "Lam Sơn 719".
Khi làm Tư lệnh, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có nhiều quyết sách quyết đoán rất hiệu quả, chống lại nhiều thủ đoạn, âm mưu của địch. Như vấn đề vận chuyển cơ giới lúc bấy giờ, có nhiều ý kiến không đồng tình mà ủng hộ việc vận chuyển bằng nhân lực, cách vận tải thô sơ để bảo đảm an toàn lực lượng. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên khi đó đã có những lý giải vận động thuyết phục làm cho mọi người thấy rằng nếu không vận chuyển bằng cơ giới thì không thể nào tạo ra sức mạnh mới cho toàn quân, đặc biệt là bộ đội chính quy lúc đó.
Vì không có đạn, không có lực lượng, không có vật chất vào chiến trường thì sức mạnh không có. Việc vận chuyển cơ giới là điều cần phải làm và làm rất cẩn trọng.
Từ năm 1970-1971, thời điểm cam go nhất, Mỹ Ngụy muốn chặn đứng con đường vận chuyển Trường Sơn của ta. Quân địch đã tổ chức chiến dịch "Lam Sơn 719" với lực lượng kết hợp máy bay, xe pháo hòng cắt con đường vận chuyển của chúng ta.
Lúc đó bộ đội Trường Sơn được phân công hai mặt trận phía Tây và phía Nam, tạo thành một lưới lửa làm nên chiến thắng lịch sử năm 1971. Chiến thắng đó đã đánh bại âm mưu "Việt Nam hoá chiến tranh" của đế quốc Mỹ. Đó cũng là trận đánh sâu sắc nhất của bộ đội Trường Sơn do Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chỉ huy trong thời kỳ đó.
Chiến dịch "Lam Sơn 719" hay Cuộc Hành quân Hạ Lào là một chiến dịch trong Chiến tranh Việt Nam, do Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH) thực hiện với sự yểm trợ của không quân và pháo binh Mỹ. Mục tiêu của chiến dịch là phá vỡ hệ thống hậu cần của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Lào; cắt đứt Đường mòn Hồ Chí Minh tại thị trấn Tchepone nằm cách biên giới Việt-Lào 42 km về phía Tây.
Chiến dịch này còn là một thử nghiệm về khả năng Quân lực Việt Nam Cộng hòa có thể tự chiến đấu trong tình huống Mỹ tiếp tục rút quân ra khỏi chiến trường miền Nam Việt Nam, một thử nghiệm về chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và năng lực hoạt động độc lập một cách hiệu quả của Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Tuấn Hợp - Toàn Vũ