Ký ức người lính bảo vệ Chủ tịch Cuba thăm vùng giải phóng
(Dân trí) - Siết chặt bàn tay Chủ tịch Fidel Castro, Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định“Tôi sẽ đón đồng chí ở Sài Gòn, sau ngày giải phóng”. Tiếng vỗ tay vang dội, hưởng ứng lời hứa của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, quyết tâm giải phóng miền Nam để đón Chủ tịch Cuba sang thăm Việt Nam lần nữa.
Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi đến thăm ông. Dẫn cô con gái bị ảnh hưởng chất độc da cam lên gác, đại tá Nguyễn Văn Thực (Tp Vinh, Nghệ An) – Nguyên Trưởng phòng bảo vệ an ninh Quân khu 4 thay bộ quân phục ra tiếp khách. Trông ông đĩnh đạc, oai vệ hẳn lên trong bộ quân phục cấp tá. Chuyện trò một lúc, câu chuyện hai bác cháu quay về với ký ức ông cũng đồng đội thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Chủ tịch Fidel Castro sang thăm vùng giải phóng. Đó là một ngày tháng 9/1973, khi Thành cổ Quảng Trị - nơi được mệnh danh là “cối giã thịt người” đã được những người lính cộng sản giải phóng.
“Ngày 8/9/1973, tôi lúc đó đang là quân số của Phòng bảo vệ Quân khu Trị - Thiên, làm nhiệm vụ tại vị trí giáp ranh theo Hiệp định Pari tại phía Bắc sông Thạch Hãn (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) thì nhận được lệnh yêu cầu về đơn vị gấp để nhận nhiệm vụ mới. “Đây là nhiệm vụ hết sức tuyệt mật. Đồng chí ở nhà đợi cán bộ Cục Bảo vệ an ninh về giao nhiệm vụ cụ thể”, qua điện thoại, thủ trưởng chỉ dặn ngắn gọn như vậy thôi. Sau này tôi mới biết, nhiệm vụ tuyệt mật là bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Chủ tịch Cuba Fidel Castro và phái đoàn của ta do Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị. Thời điểm đó, việc xuất hiện của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và phái đoàn của Chỉnh phủ ta vẫn phải bí mật”, Đại tá Thực kể.
Lúc này, Quàng Trị vừa được giải phóng nhưng bọn biệt kích, thám báo vẫn trà trộn trong dân để tìm cách phá hoại chính quyền cách mạng non trẻ của ta. Theo kế hoạch, đoàn cán bộ cấp cao 2 nước sẽ thăm Thị xã Đông Hà, trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời tại Thị trấn Cam Lộ, Cao điểm 341 và chuyến đi sẽ kết thúc sau cuộc nói chuyện của Chủ tịch Fidel với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Trị - Thiên tại xã Cam Nghĩa.
Chủ tịch Cuba Fidel Castro trong chuyến thăm Quảng Trị tháng 9/1973. Đại tá Nguyễn Văn Thực - người đội mũ cối ngoài cùng bên trái - cải trang thành phóng viên để thực hiện nhiệm vụ (Ảnh NVCC).
Cái khó nhất ở đây là với lượng người đông như vậy, cần phải huy động một lực lượng lớn, phối hợp với nhiều đơn vị nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố tuyệt đối bí mật. Các địa điểm mà Chủ tịch Fidel đến thăm đều sót lại một lượng lớn bom, mìn mà địch cài xuống đất trước khi tháo chạy. Trong một thời gian ngắn, lực lượng công binh phải rà phá, tháo dỡ bom mìn từ suốt Vĩnh Linh đến Đồng Hà, Cam Lộ, cao điểm 341 và địa điểm mít tinh chào mừng ở Cam Nghĩa.
Để thực hiện nhiệm vụ, anh lính an ninh Nguyễn Văn Thực cải trang thành một phóng viên, tay cầm giấy bút, cổ mang máy ảnh và được bố trí đi sát Chủ tịch Fidel. “Sau khi Quảng Trị được giải phóng, chúng tôi tiếp đón rất nhiều đoàn đại biểu nhưng đón tiếp một lúc 2 lãnh đạo cấp cao như thế này thì đúng là lần đầu tiên trong đời. Tự hào bao nhiêu thì thấy trách nhiệm của mình của mình nặng nề bấy nhiêu”, Đại tá Nguyễn Văn Thực chia sẻ.
Sau khi đi thăm các địa điểm theo kế hoạch, Chủ tịch Fidel đã có cuộc nói chuyện với quân dân Trị - Thiên. Tại đây, Chủ tịch Cuba ca ngợi lịch sử đấu tranh oanh liệt chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam: “Nhân dân miền Nam Việt Nam đã nêu một tấm gương tuyệt vời cho cả nhân loại, cho tất cả dân tộc đang đấu tranh để tự giải phóng”. Ông cũng tin tưởng rằng, với tinh thần chiến đấu quả cảm, gan dạ, với chính nghĩa và lòng yêu chuộng hòa bình, nhân dân Việt Nam sẽ đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi cuối cùng. Và Cuba - với tư cách là người anh em, người đồng chí, sẽ cùng “chia lửa” với nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống đề quốc xâm lược.
Chủ tịch Fidel và Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói chuyện với quân dân Quân khu Trị - Thiên (Ảnh NVCC).
“Trong kế hoạch, đồng chí Fidel chỉ trò chuyện với quân dân Quân khu Trị - Thiên trong vòng 1 tiếng nhưng cuộc nói chuyện kéo dài đến 3 tiếng đồng hồ. Mọi kế hoạch bảo vệ đều bị đảo lộn bởi lúc này yếu tố bí mật đã không còn. Mồ hôi vã ra như tắm, mọi giác quan đều được huy động tối đa bởi chỉ một sơ suất nhỏ mọi công sức của tất cả anh em an ninh đều đổ sông đổ bể. Cuối cùng, chuyến thăm vùng giải phòng Quảng Trị cũng kết thúc một cách tốt đẹp mà không có bất kỳ sơ suất nào xảy ra”, ông Thực nhớ lại.
Trong buổi nói chuyện với quân dân Trị - Thiên, Chủ tịch Fidel quay sang hỏi Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Lần này chúng ta gặp nhau ở đây. Lần tiếp theo chúng ta sẽ gặp nhau ở đâu”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: “Tôi sẽ đón đồng chí ở Sài Gòn, sau ngày giải phóng”.
“Cả rừng người vang dội tiếng vỗ tay hưởng ứng lời hứa của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, quyết tâm giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước sớm nhất có thể để đón Chủ tịch Fidel sang thăm Việt Nam lần nữa. Và lời tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã trở thành hiện thực, ngày 30/4/1975, Sài Gòn giải phóng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước chúng ta hoàn toàn thống nhất”, Đại tá Nguyễn Văn Thục kể.
Hoàng Lam