1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ký ức người kéo ngọn cờ Cách mạng đầu tiên trên đất Huế

(Dân trí) - 70 năm trôi qua kể từ những ngày tháng 8 lịch sử năm ấy, ký ức oai hùng về một thời trai trẻ cùng người bạn học giật phăng lá cờ phong kiến để giương lên ngọn cờ Việt Minh thiêng liêng vẫn luôn sâu đậm trong tâm thức Trung tá Đặng Văn Việt.

Trung tá Đặng Văn Việt (97 tuổi, đang ở tại Hà Nội) là thành viên của đoàn Thanh Niên tiền tuyến tiên phong trong cuộc khởi nghĩa dành chính quyền tại Huế tháng Tám năm 1945.

Phút sinh tử trên Kỳ Đài Huế

Ngày 20/8/1945, được tin Tổng Khởi nghĩa nổ ra ở miền Bắc đã hoàn toàn thắng lợi, ban chỉ huy Tổ Việt Minh trong đoàn Thanh Niên tiền tuyến tại Huế đã giao cho ông Đặng Văn Việt nhiêm vụ treo cờ Mặt trận Việt Minh trên cột cờ Kinh đô Huế trước Cách Mạng tháng 8 tại Huế đúng 3 ngày.

Ông Việt nhớ lại: “Hồi đó tôi còn trẻ, trong đầu chưa hề có khái niệm về chính trị hay quân sự, nhưng khi nhận được chỉ thị ấy tôi đã rất phấn khởi và quyết tâm phải làm bằng được nhiệm vụ được giao”. Sau một đêm chuẩn bị cùng với người đồng chí Cao Pha (hiện đã mất), sáng ngày 21/8, hai ông đưa lá cờ Việt Minh lớn, có chiều dài 50m và chiều rộng 23m tới Kỳ Đài.

Ông Việt đích thân leo lên 2 bậc thang chính của Kỳ Đài, đoạn tiếp cận bậc thang thứ 3 thì vấp phải sự kháng cự từ phía đội trưởng đội cận vệ hoàng gia của Hoàng đế Bảo Đại. Trong phút chốc, hơn 130 họng súng của “lính khố vàng” chĩa vào ngực của chàng thanh niên can trường.

2286-5b358
Trung tá Đặng Văn Việt - người treo ngọn cờ Cách Mạng đầu tiên lên Kỳ Đài Huế chiều 21/8/1945

Tuy nhiên khi nhìn kỹ lá cờ Việt Minh được trải rộng ra, tên đội trưởng thét lớn ra hiệu không được bắn bởi y hiểu được uy thế của lực lượng Việt Minh lúc bấy giờ. Ông Việt lúc ấy dõng dạc đề nghị: “Chúng tôi đến đây theo chỉ thị của lực lượng Việt Minh. Chúng tôi có nhiệm vụ treo lá cờ Cách mạng lên trên cột cờ lớn. Các anh hãy giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”.

Đến đây tên đội trưởng một điều dạ, hai điều vâng và để cho ông Việt cùng ông Pha thực hiện sứ mệnh lịch sử.

Trong cuộc gặp mặt kỷ niệm 70 năm ngày Cách mạng tháng Tám tại Huế, ông Việt cười đùa: “Đây cũng là kỷ niệm 70 năm ngày “giỗ hụt” của tôi vì nếu tên đội trưởng không nhìn rõ cờ Việt Minh thì tôi đã tan xương với 130 viên đạn”.

2285-71ea3
70 năm qua, nhưng những ký ức vẫn như ngày nào với Trung tá Đặng Văn Việt

 

 

Vượt đường trường để sống lại ký ức

Ít ai nghĩ rằng ông Việt đã 97 tuổi. Ông Việt tâm sự: “Mặc cho tuổi tác đã cao nhưng trong một dịp ý nghĩa như dịp này tôi phải bằng mọi giá bắt xe từ Hà Nội vào đến Huế chỉ để nhìn thấy lá cờ đỏ tung bay giữa lòng thành phố, đây không chỉ là ký ức mà còn một phần máu thịt tôi rồi”.

 

2283-1deca
Lần trở về Huế này, ông Việt đã 97 tuổi nhưng vẫn rất khỏe mạnh. PV đã may mắn được gặp ông, nghe ông kể lại những ngày tháng Cách Mạng Tháng Tám hào hùng

Dọc theo con đường Lê Duẩn dưới ngọn Kỳ Đài, những hình ảnh hào hùng xưa như được tái hiện rõ nét trong tiềm thức của người thanh niên năm ấy. Ông Việt kể lại: “Đúng như dự tính, sau khi ngọn cờ Việt Minh được treo lên Kỳ Đài Huế ngày 21 thì vào ngày 23 tháng 8, cuộc khởi nghĩa bùng nổ tại Huế. Hàng vạn người nông dân dưới bóng cờ đỏ sao vàng từ các hướng ập vào trung tâm thành phố Huế như một ngọn sóng lớn. Ngay trên con đường này, dòng người rầm rập biểu tình suốt tiến hành giành lấy chính quyền”.

Những ngày ít ỏi còn lại ở Huế, mỗi lần nhìn lên ngọn cờ tung bay giữa miền sông Hương, núi Ngự, ông Việt vẫn cảm nhận được hào khí của cuộc Cách Mạng Tháng Tám năm 1945 như vang vọng đâu đây để nhắc nhở con cháu về truyền thống đấu tranh của dân tộc.

2284-0e21a
Ông và người bạn cũ học trường Thanh niên Tiền Tuyến Huế ôn lại kỷ niệm dưới bóng cờ đỏ sao vàng tung bay trên Kỳ Đài Huế

 

 

- Trung tá Đặng Văn Việt là cháu nội cụ Đặng Văn Thụy, đỗ Nhị Giáp tiến sĩ, giữ chức Tế Tửu (tức hiệu trưởng) trường Quốc Tử Giám – trường chuyên dạy cho các con cháu của vua, quan triều Nguyễn. Cha ông là quan lớn trong triều đình Huế - Thượng thư Đăng Văn Hướng, Tổng đốc Nghệ An nhưng bí mật giúp Việt Minh. Do có công với Cách Mạng nên sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ đầu tiên năm 1945, ông Hướng được mời ra giữ chức Bộ trưởng không bộ, phụ trách Thanh - Nghệ - Tĩnh.

Trung tá Việt rất giỏi chơi thể thao, được giải nhất nhảy cao 1,70m, chạy 100m hết 13 giây, 6 giải nhất, nhì môn tennis, 3 giải nhất đua xe đạp vòng chảo ở sân vận động Huế, bơi lội rất giỏi. Ông từng học ở trường Thanh niên Tiền tuyến Huế (tháng 7-9/1945). Tuy không qua một trường quân sự dài hạn nào, nhưng Đặng Văn Việt đã chỉ huy nhiều mặt trận, đánh thắng hàng trăm trận.

Ông nguyên là Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 174 - một trong ba trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông từng được người Pháp mệnh danh là "Con hùm xám đường số 4" do thành tích chỉ huy đơn vị mình trong Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, bắt sống cả 2 chỉ huy binh đoàn Pháp là các Trung tá Marcel Lepage và Pierre Charton.

Cả cuộc đời ông sống thanh bạch, liêm khiết mặc dù có nhiều cống hiến cho Cách mạng, từng giữ chức Cục phó Cục Xây dựng cơ bản nhưng đến nay ông vẫn sống trong một căn hộ 12m2 khu tập thể công nhân 8/3. Hiện sức khỏe của ông Việt rất tốt khi ông cho biết huyết áp, đường máu, tim mạch là "tuyệt vời". Hàng ngày ông vẫn luyện tập, chơi thể thao chăm chỉ.

- Cờ Cách Mạng được treo lên Kỳ Đài trước Ngọ Môn vào chiều 21/8/1945. Ngày 23/8 nhân dân Huế giành chính quyền. Lễ thoái vị vua Bảo Đại chính thức được tổ chức vào chiều ngày 30/8/1945, với sự có mặt của năm đến sáu vạn người dân Huế đứng tràn ngập quanh Ngọ Môn. Theo nguyện vọng của nhà vua, lá cờ vàng của triều đình được kéo lên một lần cuối cùng, sau khi nhà vua đọc xong tuyên bố thoái vị thì kéo xuống để kéo lá cờ Cách Mạng lên đỉnh Ngọ Môn.

 

2287-74a41
Kỳ Đài Huế năm 1924 (ảnh: Internet)

 

2288-1df0f
Kỳ Đài Huế hôm nay (ảnh: internet)

 

 

Thành Nhân – Đại Dương