Thanh Hóa:
Ký ức không thể quên về một giờ bảo vệ Bác Hồ
(Dân trí) - Đã ngoài 80 tuổi nhưng giây phút được nhận nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ ngày Bác về thăm xã Yên Trường (Yên Định - Thanh Hóa) cách đây hơn 50 năm không bao giờ phai nhạt trong ký ức của cụ Trịnh Gia Vân.
Chúng tôi tìm đến nhà cụ Trịnh Gia Vân, xã Yên Trường để nghe kể về kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm. Cụ Vân năm nay đã bước sang tuổi 84 nhưng vẫn còn minh mẫn lắm. Khi nghe nhắc chuyện Bác Hồ về thăm Yên Trường vào năm 1961, cụ Vân như sống lại những giây phút ấy. Lục lại những dòng ký ức, cụ Vân kể rõ ràng, rành mạch từng chi tiết. Cụ bảo “Sự kiện Bác Hồ về thăm Yên Trường ngày ấy là một kỷ niệm không bao giờ tôi có thể quên được”.
Khoảng đầu tháng 12 năm 1961, xã đội trưởng Trịnh Gia Vân bất ngờ được cấp trên gọi lên giao nhiệm vụ. Ông được giao một tình huống giả định yêu cầu nêu phương án bảo vệ tại một địa điểm sẽ có cán bộ cao cấp về thăm.
Nhưng khi được nghe đồng chí Trịnh Thuận, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh lúc bấy giờ cho biết công tác chuẩn bị đón tiếp không cần cầu kỳ, đơn giản mà an toàn, thì ông đoán ngay có thể là Bác Hồ. Trở về địa phương, ông trình bày với thường vụ xã, lựa chọn những thanh niên tiên tiến, xuất sắc trong hàng ngũ dân quân để tham gia bảo vệ Người. Có khoảng 40 người dưới sự phân công, chỉ đạo của ông thực hiện bảo vệ tại hai vòng trong và ngoài. Tất cả đều chung một niềm vinh hạnh xen lẫn tự hào.
Để ra mật hiệu và đánh dấu địa điểm cho trực thăng hạ cánh, ông chỉ đạo cho đốt rơm khô để tạo khói. Sân khấu, khu vực đón tiếp, hậu cần tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng.
Đêm trước khi đoàn cán bộ cao cấp về, xã đội trưởng Trịnh Gia Vân không tài nào chợp mắt được. Ông đi lại kiểm tra địa điểm đón tiếp, công tác bảo vệ, hậu cần và bố trí sắp xếp cán bộ đón tiếp.
Ông kể: “Khoảng hơn 8 giờ ngày 11 tháng 12 năm 1961, trực thăng chở đoàn cán bộ cao cấp xuất hiện tại cánh đồng bông của xã Yên Trường. Tất thảy ai hồi hộp chờ đón, nhưng khi vừa thấy Bác Hồ bước xuống từ trực thăng, cả biển người hò reo như sấm dậy. Nhìn Bác khoan thai, giản dị bước đến trong bộ áo gụ kiểu nông dân, mọi người ai cũng cảm động. Người nọ truyền tai người kia, làng nọ truyền tại làng kia, xã nọ truyền tai xã kia, cứ thế dòng người ùn ùn kéo nhau đến Yên Trường để được nhìn thấy Bác”.
“Bác Hồ luôn quan tâm trước hết là các cụ già các cháu thiếu nhi. Câu đầu tiên Người nói “Trước hết Bác gửi lời thăm hỏi các cụ phụ lão, bà con xã viên HTX Yên Trường và các HTX xung quanh, Bác hỏi thăm chị em công nhân đang làm việc ở công trường thủy lợi và các cháu thiếu nhi”. Bác nói, ai nấy đều chăm chú lắng nghe từng lời, sau khi biểu dương những thành tích của địa phương đã đạt được trong nông nghiệp, Bác cũng nêu những thiếu sót của HTX và những việc cần làm như: nâng cao thu nhập cho xã viên, thực hiện nam, nữ bình đẳng, thực hiện dân chủ rộng rãi, nhất là về tài chính phải công khai và minh bạch, sổ sách phải rành mạch, thu chi bao nhiêu phải báo cáo rõ ràng cho xã viên biết, tài chính không công khai sẽ ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ của HTX.
“Thay mặt Đảng bộ và nhân dân xã Yên Trường, đồng chí Bí thư Đảng ủy đọc lời hứa trước Bác, tất cả mọi người điều đồng thanh hứa trước Bác và quyết tâm làm theo lời Bác dạy. Trong lúc Bác đang nói chuyện thì một cán bộ đã dùng ô che cho nắng cho Người, nhưng Bác gạt đi và ân cần chỉ xuống chỗ người dân đang đứng và nói người dân cũng đang phải chịu nắng”.
Gần một giờ đồng hồ sau, Bác vào thăm một số gia đình người cao tuổi. Khi đến thăm nhà ông Trịnh Túc, cán bộ về hưu, nhìn thấy cây xoan của gia đình ông Túc, Bác liền nhắc nhở nhân dân nên trồng nhiều cây xoan vừa lấy củi vừa lấy bóng mát. Bác đi đến đâu trẻ con chạy theo đến đấy nhưng vẫn không kịp vì Bác đi rất nhanh. Bác gần gũi khi chia kẹo cho các cháu thiếu nhi và chụp ảnh chung với mọi người.
“Tôi nhớ, trước lúc lên máy bay trực thăng, Bác còn hỏi lại nhân dân có ai còn điều gì muốn nói không. Bác còn ân cần dặn dò đồng chí Bí thư Đảng ủy, là: Phải chú ý lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt việc vệ sinh phòng bệnh, nhất là đối với các cháu thiếu nhi. Bác nói: Xây dựng chủ nghĩa xã hội là làm cho toàn dân già, trẻ, gái, trai được ăn no, mặc ấm, được học hành và làm cho đời sống được hoàn toàn đầy đủ, sung sướng hạnh phúc” – cụ Vân nhớ lại.
Cụ Vân còn nhớ chia tay Bác, người dân Yên Trường lưu luyến tặng Bác món quà là những nông sản của địa phương, nhưng Bác không lấy mà chỉ lấy một bó củ sắn về làm quà.
Kể đến đó, mắt cụ rưng rưng, cụ bảo mỗi lần nhớ lại những giây phút đó cụ vẫn còn thấy cảm giác hạnh phúc, một vinh dự lớn lao mà chỉ một lần duy nhất trong đời có được.
Nguyễn Thùy