1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nghệ An:

Ký ức của người lính 20 năm bảo vệ Bác Hồ

(Dân trí) - Tham gia kháng chiến sau đó được chọn vào hàng ngũ những người lính cảnh vệ, nghiệp lính của ông Minh may mắn có những ngày tháng được ở bên bảo vệ Bác Hồ. Với ông những ký ức đó mãi mãi không bao giờ phai nhòa.

Ông Minh 20 năm bảo vệ Bác Hồ giờ về hưu ông sống rất giản dị.
Ông Minh 20 năm bảo vệ Bác Hồ giờ về hưu ông sống rất giản dị.

Những ngày cả nước đang tưng bừng kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi có dịp về thăm và trò chuyện cùng với cựu binh Nguyễn Văn Minh (SN 1934), người lính có hơn 20 năm được đứng trong hàng ngũ cảnh vệ, bảo vệ Bác Hồ.

Trong căn nhà nhỏ của gia đình ông Minh (ở xóm Nam Chính, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) bình thường đông con cháu là vậy nhưng giờ chỉ còn lại hai người cựu binh. Những người con của ông Minh đều lớn lên lập gia đình và công tác ở xa.

Vợ ông Minh là bà Trần Thị Hường năm nay cũng đã 70 tuổi. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng cả hai ông bà vẫn còn khỏe và rất minh mẫn. Khi biết chúng tôi có ý định muốn được nghe ông bà kể lại những kỷ niệm trong đời binh nghiệp của mình, vợ chồng ông Minh như mở lòng nhớ lại như in từng chi tiết cuộc đời lính của mình.

Ông Minh sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở “quê lúa” Yên thành, mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, sản sinh ra những người con anh hùng như Phan Đăng Lưu, Hoàng Tá Thốn... . Ngay từ nhỏ, ông giác ngộ được điều đó, và năm hơn 10 tuổi, ông tham gia vào đội quân để bảo vệ làng.

Ông Minh và những phần thưởng xứng đáng trong hàng ngũ người lính cộng sản.
Ông Minh và những phần thưởng xứng đáng trong hàng ngũ người lính cộng sản.

Năm 1951, ông Minh tham vào đoàn dân công của địa phương làm đường số 6. Đến tháng 12/1952, ông tình nguyện đi bộ đội, sau 2 tháng huấn luyện được bổ sung vào Sư đoàn 312, đóng quân chủ lực ở Phú Thọ. Sang năm 1953, đơn vị của ông Minh được đưa đi tham gia chiến dịch Thượng Lào. Sau 6 tháng lại trở về Phú Thọ để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Những ngày tháng máu lửa ở trận chiến Điện Biên Phủ năm 1954, nhiều đồng đội, đồng hương của ông là người Yên Thành đã bỏ lại một phần máu xương nơi chiến trường. Ông may mắn còn sống sót. Sau chiến dịch trở về, ông được bổ sung vào lực lượng vũ trang có nhiệm vụ bảo vệ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thời gian được đứng trong hàng ngũ những người lính được bảo vệ cơ quan đầu não của Trung ương, ông Minh đã may mắn được ở gần Bác Hồ nhiều lần, cũng có lần ông là người được vinh dự cùng đồng đội đứng cạnh để bảo vệ Bác trong nhiều sự kiện khác nhau.

Ông Minh bảo: Được gặp Bác Hồ, được bảo vệ Bác là vinh dự, những kỷ niệm không bao giờ quên.
Ông Minh bảo: Được gặp Bác Hồ, được bảo vệ Bác là vinh dự, những kỷ niệm không bao giờ quên.

Kỷ niệm mà ông vẫn nhớ nhất về Bác đó là sự dung dị, bình dân đến lạ thường. Lúc nào Bác cũng rất giản dị với tất cả mọi người, toát lên sự gần gũi thân quen. “Không có sự xa cách nào giữa Bác và mọi người. Bác luôn quan tâm khi gặp bất cứ ai, dù ở cương vị nào. Điều đó làm Bác gần gũi được mọi người mà không ai có sự xa cách”, ông Minh nói.

Ngoài những dấu ấn về Bác Hồ thì có lẽ kỷ niệm lớn nhất trong đời binh nghiệp của ông Minh đó là vào năm 1961, khi Bác Hồ về thăm quê hương Yên Thành. Năm đó, ông Minh được tháp tùng Bác cùng về quê, sự hồ hởi, phấn khởi trong lòng ông vẫn còn như lúc đầu khi được phân công nhiệm vụ bảo vệ Bác ngay chính quê hương mình.

“Lúc đó, Bác về thăm Yên Thành không chỉ là niềm tự hào của quê hương tôi mà lòng tôi lúc đó cũng vui sướng biết nhường nào. Đi bên Bác trên quê mình tôi vui mừng khôn xiết, nhưng không quên được nhiệm vụ của mình là phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Người”, ông Minh nhớ lại.

Sau này khi về hưu, mỗi lúc rỗi nhớ về những kỷ niệm đó, ông Minh lại đến thăm những địa danh ở quê mình, nơi Bác Hồ đã đặt chân qua. Ông coi những kỷ niệm xưa bên Bác vẫn luôn sống bên mình cho đến tận hôm nay.

Cuộc đời ông Minh gắn với đời binh nghiệp, với những nhiệm vụ thiêng liêng, bất cứ công việc nào được giao ông cũng đều hoàn thành. Ông say mê nghiệp binh đến nỗi ngày cưới của mình cũng thiếu cả chủ hôn.

Đi theo năm tháng những chiến công xứng đáng với những danh hiệu mà ông Minh đón nhận được.
Đi theo năm tháng những chiến công xứng đáng với những danh hiệu mà ông Minh đón nhận được.

Đó là năm 1953, khi gia đình hỏi vợ và chọn ngày cưới cho ông nhưng rồi ông Minh cũng không về được. Năm đó, ông bận công việc không về quê, đám cưới diễn ra chỉ có quan viên hai họ và người vợ trẻ của ông Minh sụt sùi trong nước mắt khi ngày đính ước chỉ có mình cô dâu.

Đám cưới thiếu chú rể là vậy, sau này vợ chồng ông Minh lại có dịp đoàn tụ. Dù ông và bà Trần Thị Hường mới chỉ đôi lần gặp nhau trước hôn lễ nhưng hai ông bà lại sống hạnh phúc cho đến tận hôm nay. Bà Hường còn sinh cho ông 5 người con, 3 trai 2 gái. Người con nào cũng khỏe mạnh và chăm ngoan. Trong đó có một người con trai của ông theo nghiệp bố bước chân vào quân ngũ cho đến tận bây giờ

“Năm1969, Bác Hồ mất, đơn vị tôi không còn được bảo vệ Bác nữa, ai cũng buồn tiếc thương Bác lắm. Nhưng cuộc đời, có ai thoát khỏi cái chết được đâu. Anh em trong đơn vị tôi nhớ lời Bác dạy cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ để cảm ơn Bác về những gì đã dành cho cả dân tộc”, ông Minh nhớ lại.

Hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp bảo vệ dân tộc là vậy nhưng bản thân mình ông Minh chẳng cần điều gì. Năm 1979, ông về hưu, sống cuộc đời bình dị với người dân quê nhà cho đến bây giờ.

Ông Minh là một trong những người lính được tặng Huy hiệu Bác Hồ (lính bảo vệ Bác Hồ mới có), một số Huân chương khác như: Huân chương chính sỹ vẻ vang, Huân chương chiến thắng Điện Biên Phủ, huy hiệu 60 năm tuổi Đảng… . Cuộc đời giản dị không tư lợi bản thân. Ở cái tuổi này nhưng trong ông vẫn cảm thấy và tự hào một điều răng: “Cuộc đời cách mạng thật là sang”.

Nguyễn Duy - Ngọc Tú



Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm