1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam:

Ký ức của người Chỉ huy Anh hùng trên đất lửa Quảng Trị

(Dân trí) - Với Anh hùng LLVT nhân dân Lê Hữu Trạc, ký ức một thời trên đất lửa sẽ mãi không bao giờ quên. Sự khốc liệt của chiến tranh đã cướp đi đôi mắt của người lính kiên cường, thế nhưng với ông, “giặc Mỹ có thể lấy đi ánh sáng mặt trời, nhưng ánh sáng chân lý sẽ mãi không bao giờ tắt”.

Người chiến binh mù và những năm tháng trong tiềm thức

Quảng Trị, mảnh đất nhỏ hẹp nằm giữa dải đất miền Trung, nơi chứng kiến muôn vàn đau thương của chiến tranh, khốc liệt của bom đạn, là điểm chia cắt hai đầu đất nước ròng rã suốt 21 năm, nơi biết bao người con đã nằm lại vì độc lập của dân tộc.

Và cũng trên tuyến lửa này, biết bao người đã để lại một phần cơ thể, trong đó có Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Hữu Trạc, với ông, Quảng Trị là cả một ký ức mãi không bao giờ quên.

Ký ức của người Chỉ huy Anh hùng trên đất lửa Quảng Trị - Ảnh 1.

Anh hùng LLVT nhân dân Lê Hữu Trạc.

Vào một ngày giữa tháng 12, khi những người lính, những người cựu chiến binh và nhân dân cả nước đang hân hoan chào đón ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi đã có cơ hội về với xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình để thăm người Anh hùng Lê Hữu Trạc.

Lê Hữu Trạc sinh ngày 25/4/1941 trong một gia đình nghèo tại xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh. Thân phụ từng bị giặc Pháp giết hại nên với ông, ngọn lửa căm thù luôn bừng cháy trong lồng ngực.

Vào tháng 4/1962, khi vừa bước qua tuổi 20, Lê Hữu Trạc lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc, gia nhập vào Đại đội 1 (Đại đội Lê Hồng Phong), Tiểu đoàn 47, Trung đoàn 270, Bộ Chỉ huy quân sự Đặc khu Vĩnh Linh (nay là huyện Vĩnh Linh).

Ký ức của người Chỉ huy Anh hùng trên đất lửa Quảng Trị - Ảnh 2.

Người lính Lê Hữu Trạc năm 1964.

Sau 4 năm chiến đấu ở chiến trường Vĩnh Linh bom lửa, tháng 7/1965, Lê Hữu Trạc cùng các đồng chí trong trung đội của mình được cấp trên điều động ra đảo Cồn Cỏ, lúc này ông Trạc là Trung Đội phó.

“Biết ra đảo sẽ vất vả, hiểm nguy nhưng anh em ai cũng hừng hực khí thế, viết tâm thư để được lên đường. Trước lúc đi cả Trung đội phải cạo đầu vì ra đảo không có nước ngọt để tắm gội”, ông Trạc nhớ lại.

Những năm tháng ác liệt ấy, với vị trí quan trọng làm bàn đạp tấn công các tỉnh phía Bắc và lại nằm ở vĩ tuyến phân tranh nên Cồn Cỏ trở thành địa điểm đánh phá chiến lược. 5 tháng sau đó, ông Trạc được giao nhiệm vụ làm Trung Đội trưởng bởi Trung Đội trưởng lúc bấy giờ bị thương, không thể tiếp tục chỉ huy chiến đấu.

Lê Hữu Trạc cùng với các chiến sỹ của mình đã mưu trí, dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần đánh bại các đợt tiến công bằng không quân, pháo binh và làm thất bại âm mưu đánh chiếm của địch. Biến Cồn Cỏ thành “bất khả xâm phạm”, dù cho máy bay Mỹ ném bom, tàu chiến áp sát và cả lính Mỹ đổ bộ lên đảo.

Chỉ trong vòng 3 năm, từ 1965 - 1968, các đơn vị bộ đội đóng trên đảo Cồn Cỏ đã bắn hạ được 48 máy bay (trong đó 29 chiếc rơi tại chỗ), bắn cháy 17 tàu chiến và 2 thuyền của địch.

Ký ức của người Chỉ huy Anh hùng trên đất lửa Quảng Trị - Ảnh 3.

Những danh hiệu, Bằng khen của người chiến binh mù Lê Hữu Trạc.

Đến tháng 1/1968 khi quân Mỹ bắn phá ác liệt hơn, quyết tâm dành được chiến trường Quảng Trị, Lê Hữu Trạc được điều động trở lại đất liền để tiếp nhận nhiệm vụ Đại Đội trưởng Đại đội Lê Hồng Phong.

Nhờ tài trí thông minh, chính sách đúng đắn, nắm bắt tình hình kịp thời, nhiều lần Đại Đội trưởng Lê Hữu Trạc đã chỉ huy các chiến sỹ của mình ngăn chặn thành công nhiều đợt tấn công của địch trên sông Bến Hải, cảng Cửa Việt. Chặn đứng con đường tiếp tế của địch bằng đường sông từ Cửa Việt lên Đông Hà, Tà Cơn…

Trong thời gian chiến dịch Mậu Thân 1968 diễn ra, Lê Hữu Trạc cùng đồng đội đã bắn phá 5 xe tăng, bắn cháy 2 tàu vận tải cỡ lớn, tiêu diệt hơn 115 tên địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đại đội Lê Hồng Phong được Phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cá nhân đồng chí Trạc được thăng quân hàm Trung úy trước niên hạn.​

“Giặc Mỹ cướp đi ánh sáng mặt trời, nhưng ánh sáng chân lý không bao giờ tắt”

Sau những chiến công cùng Đại đội Lê Hồng Phong, đến tháng 5/1968, ông Trạc được giao giữ chức Tham Mưu trưởng Tiểu đoàn 47, Trung đoàn 270, Đặc khu Vĩnh Linh.

Ký ức của người Chỉ huy Anh hùng trên đất lửa Quảng Trị - Ảnh 4.
Ký ức của người Chỉ huy Anh hùng trên đất lửa Quảng Trị - Ảnh 5.

Hơn 45 năm qua, bà Mão chính là “đôi mắt” của người Anh hùng LLVT Lê Hữu Trạc.

Vào những tháng cuối năm 1968, địch lên kế hoạch âm mưu đổ bộ ra miền Bắc, trách nhiệm của đơn vị Lê Hữu Trạc càng nặng nề hơn. Nắm được thông tin địch muốn đánh phá khu phòng thủ tên lửa Vĩnh Linh, ông Trạc đã trực tiếp đi khảo sát trận địa. Tại đây, ông cùng một chiến sỹ liên lạc bị trúng bom từ trường, chiến sỹ liên lạc hi sinh, riêng ông Trạc bị đánh bay gần 50m và bị thương.

Kể từ đó, cuộc sống trước mắt ông là màu đen, đôi mắt bị mù hoàn toàn phải lui về tuyến sao. Mất đi đôi mắt không làm mất đi sự can trường của một người lính, Lê Hữu Trạc vẫn luôn hướng niềm tin đến ngày thắng lợi, ngày đất nước thống nhất.

Ngọn lửa yêu nước thì vẫn cháy rực đỏ trong tim người Chỉ huy của Đại đội Lê Hồng Phong Anh hùng, với Lê Hữu Trạc, “giặc Mỹ có thể cướp đi ánh sáng mặt trời, nhưng ánh sáng chân lý sẽ mãi không bao giờ tắt”.

Ông còn làm 4 câu thơ để động viên mình: “Ai đo được cây cao nhất trên rừng cao bao nhiêu mét?/ Ai cân được con cá lớn nhất dưới biển nặng mấy ngàn cân?/ Ai biết được lòng tôi thường suy nghĩ phân vân?/ Nhưng tôi rất đỗi tự hào và vững một niềm tin tất thắng”.

Ký ức của người Chỉ huy Anh hùng trên đất lửa Quảng Trị - Ảnh 6.

Một người bạn cũng là đồng chí, đồng đội của ông Lê Hữu Trạc đến chúc mừng sau khi ông Trạc vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT.

Sau khi bị thương, ông Lê Hữu Trạc được đưa ra Bắc điều trị, sau đó an dưỡng tại Ba Vì (Hà Tây cũ). Tại đây, ông đã gặp bà Kim Thị Mão và họ nên vợ nên chồng. Với tình yêu dành cho người thương binh mù, năm 1972, bà Mão đã quyết định theo ông Trạc về quê nghèo Quảng Bình để xây dựng cuộc sống. Phẩm chất người lính luôn cần cù, vượt khó đã giúp ông Trạc vượt qua từng cơn giông bão của cuộc đời.

Với những chiến công của mình, Trung úy, Đại Đội trưởng Lê Hữu Trạc đã được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhì, hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Mới đây, ông tiếp tục được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc của trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam.

Năm nay đã gần bước sang tuổi 80, với hơn 50 năm tuổi Đảng, hằng ngày người Anh hùng Lê Hữu Trạc vẫn kể chuyện về đảo Cồn Cỏ, về Quảng Trị, về những người đồng đội cho con cháu và thế hệ trẻ. Những ký ức hào hùng của cả một dân tộc kiên trung, ý chí sắt đá và  truyền thống yêu nước đó sẽ được gieo mầm nối dài qua từng thế hệ.

Tiến Thành