1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thanh Hóa:

Ký ức chiến tranh của người đoàn trưởng xe thồ hỏa tuyến

(Dân trí) - Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm, nhưng trong ký ức của những người tham gia Đoàn xe đạp thồ hỏa tuyến năm xưa sẽ không bao giờ phai. Những ký ức đó, cho tới hôm nay nó như một câu chuyện huyền thoại đi vào lịch sử oai hùng của dân tộc.

Những ngày này, trong cả nước đang long trọng tổ chức nhiều hoạt động nhằm kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2012).

Là thế hệ đi sau, trong không khí tưng bừng những ngày tri ân thế hệ đi trước và mừng kỷ niệm chiến thắng hào hùng của cả dân tộc, chúng tôi muốn được tận tai nghe bậc cha anh đi trước ôn lại những câu chuyện của một thời gian khổ mà hào hùng ấy.

Ký ức chiến tranh của người đoàn trưởng xe thồ hỏa tuyến
Ông Lê Ngọc Đắc - nguyên Trưởng đoàn xe đạp thồ huyện Yên Định.

Qua lời giới thiệu của đồng nghiệp, chúng tôi được biết ông Lê Ngọc Đắc, ở xã Định Tường, huyện Yên Định - nguyên là Trưởng đoàn xe thồ của huyện Yên Định, tham gia vào Đoàn xe đạp thồ hỏa tuyến năm xưa, hiện ông là Phó ban liên lạc Đoàn xe đạp thồ Điện biên hỏa tuyến Trường Sơn 1968 - 1970 của tỉnh Thanh Hóa.

Thấy có khách tới nhà hỏi thăm, ông Đắc niềm nở ra tiếp đón, nhưng khi biết chúng tôi có ý đến để tìm hiểu về Đoàn xe đạp thồ năm xưa do ông làm Trưởng đoàn, ông khiêm tốn bảo “Có gì đâu các anh, khi đất nước có chiến tranh ai cũng có trách nhiệm tham gia bảo vệ tổ quốc mà”.

Nhưng khi chúng tôi hỏi về quá trình hành vận chuyển của Đoàn xe đạp thồ hỏa tuyến của ông làm nhiệm vụ cao cả “Vận chuyển lương thực, tiếp tế cho miền Nam” góp phần không nhỏ vào công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những ký ức như đang chực sẵn để ùa về trong ông, ông “dẫn” chúng tôi ngược dòng thời gian trở về với những câu chuyện huyền thoại hơn 40 năm về trước.

Trong lúc chiến tranh đang diễn ra ác liệt, Mỹ Ngụy điên cuồng đòi thôn tính Miền Nam Việt Nam. Thực hiện lệnh của TW Đảng, tỉnh Thanh Hóa điều 5.000 người cùng xe đạp thồ phục vụ chiến dịch Bình Trị Thiên thời gian 3 năm, từ năm 1968 đến 1970. Là một trong 317 người của huyện Yên Định, cùng tham gia vào Đoàn xe thồ hỏa tuyến của Thanh Hóa. Ông Đắc được cử làm Trưởng đoàn xe đạp thồ huyện Yên Định.

Ký ức chiến tranh của người đoàn trưởng xe thồ hỏa tuyến
Ông Đắc một lần vinh dự được nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tặng hoa lưu niệm.

Ông Đắc nhớ lại, trong 5.000 người tham gia vào đoàn hỏa tuyến, được chia làm 2 đợt, đợt 1 vào tháng 3/1968, với số lượng 2.500 người, Đoàn Yên Định vinh dự được tham gia ngay đợt đầu. Sau khi tập kết ở Thanh Hóa, nhận được lệnh Đoàn bắt đầu hành quân lên đường, khi vừa vào tới cầu Bùng (Nghệ An) thì bị lính Mỹ ném bom dữ rội, lúc này Đoàn phải phân nhỏ thành từng tốp để đi, tưởng chừng máy bay mỹ thả bom ở đây xong rồi thồi. Khi đi đến cầu Bến Thủy, Đoàn lại tiếp tục bị ném bom, lúc này địch ném bom dữ dội hơn, nhưng do nắm được quy luật thả bom của Mỹ nên Đoàn vẫn đi an toàn.

Từ Bến Thủy vượt sông sang tới đất Hà Tĩnh, lúc này Đoàn nhận được lệnh làm nhiệm vụ phải vận chuyển 1.500 tấn gạo vào trong đỉnh núi Xà Mù (địa danh của tỉnh Quảng Bình giáp với nước bạn Lào) giao cho bộ đội ta đang chiến đấu ở đó. Đoàn xe đạp thồ hỏa tuyến bắt tay ngay vào nhiệm vụ đầu tiên. Mặc dù những người tham gia vào Đoàn chưa quen cảnh vất vả, nặng nhọc nhưng bằng tình yêu tổ quốc, bằng sự nhiệt huyết của tuổi trẻ các anh đã vượt qua bao nhiêu là khó khăn, lửa đạn để vận chuyển gạo tới đích an toàn.

Ký ức chiến tranh của người đoàn trưởng xe thồ hỏa tuyến
Các cựu chiến binh trong đoàn xe thồ năm xưa gặp mặt truyền thống.

Đoàn vượt qua núi Hồng Lĩnh, qua ngã Ba Đồng Lộc, vượt tiếp đèo Ngang sang Quảng Bình vào Lệ Thủy. Lúc này biết trước được khó khăn khi vượt qua dốc Khỉ, Đoàn chỉnh đốn lại, tại đây Đoàn đã phải vượt qua hai dốc lớn, là dốc 700 (dốc cao 700m so với mực nước biển) và dốc 1001, vượt tiếp qua sông Xê Băng Hiêng vào tới sông Sa Mu rồi đến đích cuối cùng là đỉnh Xà Mù, tại đây Đoàn dựng lán trại cho anh em đào hầm trú ẩn, giấu xe để chuẩn bị giao gạo cho bộ đội.

Như chứng minh cho sự gian nan vất vả, đầy sự nguy hiểm, ông Đắc dừng lại một lúc rồi tiếp: “Bắt đầu Đoàn đến sông Xê Băng Hiêng, máy bay ném bom ác liệt lắm, chúng trỏ loa phóng thanh để chiêu hồi, dụ dỗ bộ đội ta, rồi mìn lá mìn đĩa, cây nhiệt đới chúng rải khắp rừng, chỉ cần sơ suất một chút là bị thương và có thể hi sinh bất cứ lúc nào, hay những trận sốt rét vì mưa, vắt rừng. Nhiều anh em đã nghĩ trước tình huống xấu nhất là sẽ nằm lại trên đường đi”.

Trong cuộc đời chiến đấu của ông, kỷ niệm không bao giờ quên đối với Trưởng đoàn Lê Ngọc Đắc là vào một ngày cuối tháng 12/1969, toàn bộ các đại đội khác đã xuất ngũ về quê khi đã làm xong nhiệm vụ thì đúng 12 giờ trưa một ngày cuối năm, ông nhận được lệnh của đồng chí Hoàng Văn Hiều lúc này là Trưởng ban: “Bằng mọi cách, dù có chết thì đúng 24 giờ đêm nay, Đại đội phải chuyển giao hoàn thành số gạo đang để ở bờ sông Xê Băng Hiêng bị giặc Mỹ ném bom bị cháy giao cho bộ đội ở núi Xà Mù”.

Ký ức chiến tranh của người đoàn trưởng xe thồ hỏa tuyến
Những cựu chiến binh trong đoàn xe thồ năm xưa giờ đây nhiều người đã bước qua tuổi xưa nay hiếm.

Ngay sau khi nhận được nhiệm vụ, ông Bắc đã cho anh em tranh thủ nghỉ để tối đi làm nhiệm vụ, chập tối khi các anh em đang đóng xe chuẩn bị làm nhiệm vụ thì máy bay địch đánh tới, ngay sau đó ông đã ra hiệu cho anh em đứng yên tại chỗ, để tránh bị địch phát hiện, cũng may ngày hôm đó trời nhiều sương mù nên địch không phát hiện ra. Đúng như mệnh lệnh 24 giờ đêm, Đoàn đã giao gạo xong hơn 1 giờ sáng anh em trong Đoàn đã bắt đầu quay trở lại vị trí cũ.

Khi hỏi về cuộc sống hàng ngày của các chiến sỹ xe thồ năm xưa, giọng ông trầm xuống: “Trong số những người tham Đoàn xe hỏa tuyến của huyện Yên Định, sau khi làm nhiệm vụ xong trở về quê, giờ đây người còn, người mất do tuổi già sức yếu. Hầu hết cuộc sống của anh em đang gặp nhiều khó khăn”.

Hoàng Văn - Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm