Kỳ tích ở thung lũng Rục Làn và chuyện lính biên phòng "xóa say" cho dân
(Dân trí) - Cuộc sống của đồng bào Rục ở Quảng Bình dần đổi thay nhờ những người lính biên phòng và người dân Mò O Ồ Ồ được sự hỗ trợ của bộ đội cũng đang quyết tâm đuổi "con ma rượu" ra khỏi bản.
Chuyện ở bản Mò O Ồ Ồ
Một ngày đầu xuân, theo chân Thiếu tá Đinh Lâm Viên, cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình, tôi có dịp đến thăm bản làng của người Rục, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa.
78 hộ, 318 khẩu đồng bào Rục quần tụ trong một bản làng có cái tên rất đặc biệt - bản Mò O Ồ Ồ - tên gợi biết bao sự tò mò về cuộc sống của một trong những dân tộc ít người của cả nước.
Thiếu tá Viên là người có nhiều năm gắn bó với đồng bào người Rục, đang kiêm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Chi bộ bản Mò O Ồ Ồ. Sau gần 3 năm về cắm bản, Thiếu tá Viên đã tạo dựng uy tín lớn, được bà con quý mến.
Vừa nghe giọng của Thiếu tá Viên đầu ngõ, chị Cao Thị Vai (SN 1974), trú bản Mò O Ồ Ồ bế theo con nhỏ ra, niềm nở hỏi han. Chị Vai khoe, vụ mùa vừa rồi, chị được nhiều lúa gạo lắm, nhờ cán bộ biên phòng, gia đình chị cũng đã xuống giống vụ lúa mới, nhiều năm qua, bà con dân bản không ai thiếu đói nữa.
"Cán bộ Viên và các chiến sỹ biên phòng đồn Cà Xèng giúp đỡ bà con nhiều lắm. Nhờ bộ đội, dân bản có ruộng lúa nước, biết cách canh tác, chăn nuôi trâu, bò để thoát nghèo. Đồn biên phòng còn cử cán bộ về tận bản, cùng ở, cùng làm, hỗ trợ cho bà con tận tình", chị Vai vui vẻ nói.
Mặc dù đời sống đồng bào Rục ngày một nâng lên, tuy nhiên nhận thức, hiểu biết còn hạn chế, một số người vẫn có tư tưởng ỉ lại, thường xuyên uống rượu, không chịu lao động, không quan tâm đến việc học hành của con em, gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình, xã hội.
Trong nhiều năm qua, với nỗ lực của cán bộ cắm bản như Thiếu tá Viên, các cán bộ đồn biên phòng Cà Xèng, tư duy của đồng bào Rục đã thay đổi. Bà con chú trọng phát triển các mô hình trồng lúa nước, ngô, chăn nuôi trâu, bò… để thoát nghèo. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cơ bản được đẩy lùi.
"Muốn thay đổi cuộc sống bà con đồng bào Rục, điều cốt lõi phải thay đổi từ tư duy, nhận thức của họ. Chúng tôi phải cầm tay chỉ việc, đồng hành với bà con, họ mới tin tưởng, nghe theo. Công tác vận động làm sao để bà con hiểu được cái hay, cái tốt, bỏ dần cái xấu", Thiếu tá Viên chia sẻ.
Lập hương ước đẩy đuổi "con ma rượu"
Với đồng bào Rục nói riêng, đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Bình nói chung còn tình trạng uống rượu thường xuyên, gây nhiều hệ lụy. Do vậy, công tác vận động bà con đẩy lùi nạn say xỉn được Đồn Biên phòng Cà Xèng chú trọng.
Thiếu tá Đinh Lâm Viên thường xuyên phối hợp với già làng, trưởng bản, gõ cửa từng nhà, khéo léo vận động để xóa tình trạng "uống rượu quên làm".
Ông Cao Xuân Vinh (60 tuổi) từng là người thường xuyên uống rượu và say xỉn, không chịu đi làm, sức khỏe đi xuống. Tuy nhiên hiện nay, ông Vinh đã bỏ rượu, tu chí làm ăn.
"Khi cán bộ biên phòng khuyên răn, phân tích, tôi không uống rượu nữa, phải tập trung làm ruộng, nuôi con bò, con dê để thoát nghèo, lo cho con cái học hành tốt hơn", ông Vinh tâm sự.
Nhờ sự tích cực, quyết liệt trong công tác vận động của cán bộ biên phòng, tình trạng đàn ông trong bản tụ tập uống rượu, say xỉn ngày đêm ở bản Mò O Ồ Ồ đã giảm rõ rệt, thay vào đó là tinh thần lao động hăng say trên ruộng lúa, nương ngô.
Để đuổi triệt để "con ma rượu", Thiếu tá Viên và Chi bộ bản Mò O Ồ Ồ cùng với già làng, trưởng bản đang lên kế hoạch triển khai hương ước nói không với uống rượu ban ngày và được bà con đồng tình.
Nhờ mạnh dạn vay vốn trồng rừng, chăn nuôi, nhiều hộ ở bản Mò O Ồ Ồ không chỉ đủ ăn mà còn có tích lũy. Vừa qua, một số hộ đồng bào Rục đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Toàn bản có hơn 40 hộ đã thoát nghèo.
Không chỉ hỗ trợ dân bản phát triển kinh tế, các cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng thường xuyên quan tâm đến công tác giáo dục, hỗ trợ để các học sinh đến trường, không bỏ học giữa chừng.
"Với đồng bào, sự quan tâm đến việc học hành của con cái còn hạn chế, sau mỗi đợt nghỉ Tết hay hè, chúng tôi lại đến từng nhà để nhắc nhở, thậm chí đón các em đến trường. Nhiều hoàn cảnh học sinh khó khăn đang được đơn vị nhận làm con nuôi, đỡ đầu và nâng bước đến trường", Thiếu tá Viên nói thêm.
Kỳ tích ở thung lũng Rục Làn
Đến nay, cuộc sống, nếp nghĩ của đồng bào Rục đã có nhiều đổi mới. Những kỳ tích về sự chuyển mình vươn dậy ở thung lũng Rục Làn, xã Thượng Hóa - nơi đồng bào Rục định cư có được là nhờ tâm huyết, trí tuệ, công sức của biết bao nhiêu cán bộ, chiến sỹ BĐBP Quảng Bình trong cả quá trình dài gắn bó với dân.
Sau hơn 10 năm, chương trình đưa lúa nước về với đồng bào Rục do lực lượng biên phòng triển khai đã để lại ấn tượng. Từ những ruộng lúa ban đầu, đến nay bà con đồng bào Rục đang sở hữu 5,3ha lúa nước, 4,7ha ngô.
Kết thúc mùa vụ, nhiều người đi làm nghề bốc gỗ keo tràm, phụ hồ để có thêm thu nhập. Chính nhờ những nguồn thu đó, nhiều gia đình đồng bào Rục đã mua sắm được xe máy, ti vi, nâng cao cuộc sống.
"Không chỉ đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, bà con người Rục còn tự hào khi có con em vào đại học, cao đẳng, có người đi bộ đội bảo vệ đất nước. Chúng tôi cũng hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc học hành, phải để các cháu nhỏ đến trường, học tập nhiều kiến thức, sau này trở về xây dựng bản làng tốt đẹp hơn", ông Cao Xuân Long, Bí thư Chi bộ bản Mò O Ồ Ồ phấn khởi nói.
Em Cao Thị Lệ Hằng là nữ sinh đầu tiên của cộng đồng dân tộc thiểu số ở xã Thượng Hóa thi đậu đại học. Bên cạnh đó còn có nam sinh theo học Trường Trung cấp Biên phòng, các em đều được cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cà Xèng đỡ đầu từ khi còn bé.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Trung tá Hoàng Công Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Xèng, cho biết bên cạnh nâng cao chất lượng ruộng lúa nước, đơn vị và bà con đang được một doanh nghiệp đầu tư trồng 6ha cây gai xanh, loại cây lấy sợi, giá trị kinh tế cao.
Doanh nghiệp hỗ trợ phân, cây giống, tập huấn kỹ thuật cho cán bộ biên phòng và người dân, đồng thời cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Mô hình hứa hẹn sẽ là bước đệm trong phát triển kinh tế đối với người Rục.
"Người dân phấn khởi khi được giới thiệu về việc trồng cây gai xanh có thể xóa được nghèo, làm giàu. Đơn vị tập trung hướng dẫn bà con thực hiện thành công dự án để mở ra hướng đi mới, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo", Trung tá Hùng cho hay.
Cũng theo Trung tá Hoàng Công Hùng, sau quá trình dài với sự đóng góp của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ, cuộc sống của đồng bào Rục khởi sắc từng ngày.
Cùng với việc hỗ trợ người dân tạo sinh kế bền vững, BĐBP Quảng Bình còn chú trọng triển khai các công trình làm đổi thay bộ mặt bản làng biên giới nói chung và bản làng của người Rục nói riêng. Nổi bật nhất phải kể đến chương trình "Ánh sáng vùng biên", xây dựng hệ thống chiếu sáng trên các trục giao thông thôn, bản phục vụ nhân dân.
Người Rục thuộc nhóm dân tộc Chứt, được BĐBP 585 - Cà Xèng phát hiện vào năm 1959. Lúc mới phát hiện, nhóm "người nguyên thủy" này chỉ vỏn vẹn 34 người, họ lấy hang đá làm nhà, quần áo làm bằng vỏ cây. Cuộc sống của họ dựa vào săn bắt, hái lượm nên quanh năm bị cái đói, cái rét bủa vây và gần như đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.
Phải mất khá nhiều thời gian sau đó, BĐBP Quảng Bình mới vận động được người Rục "hạ sơn" định canh, định cư tại các bản Ón, Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ, thuộc xã Thượng Hóa. Đến năm 1971, những người Rục cuối cùng mới chịu rời khỏi hang đá về định cư lâu dài.