Thanh Hóa:

Kỳ thú săn cá sông Luồng

(Dân trí) - Với chiếc bẫy khổng lồ được đặt giữa dòng nước chảy lớn của sông Luồng, từng đàn cá Ké, cá Lăng… to cả chục cân đều bị chiếc bẫy nuốt chửng.

Đó là cách săn cá ở sông Luồng của người dân bản Na Lạc xã Nam Xuân huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa). Không biết từ khi nào, việc săn cá sông Luồng của người dân nơi đây đã đã trở thành truyền thống. Cứ khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch, từng nhóm gia đình lại cùng nhau dựng bẫy để bắt cá.

Theo lời kể của ông Ngân Văn Nhiệm, người bản Na Lạc thì từ khi ông chừng hơn 10 tuổi đã biết theo cha đi làm bẫy cá. Cũng không biết ai nghĩ ra việc làm một cái bẫy như thế này nhưng từ đó cho đến bây giờ, năm nào cũng vậy cứ khoảng tháng 9 âm lịch khi nước sông Luồng bớt dữ dội là lúc một số gia đình cùng nhau góp sức để làm bẫy cá rồi chia nhau canh gác.

Chiếc bẫy cá được làm rất kỳ công
Chiếc bẫy cá được làm rất kỳ công
Chiếc bẫy cá được làm rất kỳ công

Vào thời điểm này, thịt cá thường rất béo và đầy thịt. Lúc đó, nước sông đỡ lớn, cá như vỡ tổ, không ở cố định trong hang mà rong chơi từng đàn cho đến hết tháng 3, tháng 4 âm lịch. Chỉ với chiếc bẫy, người dân tha hồ bắt được cá to không chỉ ăn mà còn mang bán.

Để làm được bẫy cá, không đơn giản. Đàn ông có nhiệm vụ lên rừng tìm gỗ, chặt nứa để làm bẫy cá. Một chiếc bẫy cũng mất khá nhiều công sức, đặc biệt khi dựng ở dưới nước lại càng khó khăn hơn bởi thế mà phải tính thế nào để đủ gỗ, đủ nứa đựng được một cái bẫy cũng rất khó.

Để nước sông không bị ngăn lại, phên của chiếc bẫy cá không được đan khít mà phải đan thưa, cũng chính vì vậy mà những chú cá nhỏ thì không bao giờ bị dính bẫy mà chỉ những loại cá lớn khoảng 1 vài kg trở lên mới lọt bẫy.

Cả bản Na Lạc có tới gần chục chiếc bẫy cá nhưng chỉ có nhóm của gia đình ông Nhiệm là có bẫy lớn nhất. Chiếc bẫy của nhóm ông Nhiệm gồm 3 gia đình chung nhau. Chiếc bẫy  dài 30m, thân rộng 2,5m và hai hàng rào ngăn trọn lòng sông. Vậy là với chiếc bẫy khổng lồ này, những chú cá dù to cỡ mấy cũng dính bẫy. Chúng thường tưởng “cái tàu há mồm” ấy là nơi trú ẩn nên khi bơi, nhiều loại cá đã chui vào và mắc lại.

Hầu như ngày nào người dân cũng bắt được những chú cá dính bẫy
Hầu như ngày nào người dân cũng bắt được những chú cá dính bẫy
Hầu như ngày nào người dân cũng bắt được những chú cá dính bẫy

Ông Nhiệm cho biết vật liệu để có thể dựng nên chiếc bẫy khổng lồ gồm 100 cây gỗ to như bắp đùi người lớn, 4 cây gỗ vừa một vòng tay người ôm, 700 cây nứa và 100 cây luồng. Khi hoàn thành công trình, những thành viên thường phân chia nhau trực đêm để bắt cá. Hầu hết, ngày nào chiếc “tàu há mồm” cũng tóm được mấy con cá với đủ loại như lăng, ké, trắm… thường những chú cá nặng chừng vài kg, có khi bắt được những con to cả chục cân.

“Trước kia, cách đây khoảng chục năm, việc vài ba ngày lại bắt được một con cá lăng to nặng cả chục kg là bình thường nhưng mấy năm nay ít dần. Thi thoảng mới tóm được một con nặng trên dưới chục kg. Những con cá này khi mắc bẫy thường rất khỏe nên lúc nào cũng phải để sẵn một khúc gỗ to để khi bắt được thì dùng gỗ đập nó mới chết” – ông Nhiệm cho biết.

Bẫy cá không chỉ là miếng cơm manh áo của người dân Na Lạc bao đời nay mà còn là niềm vui của họ
Bẫy cá không chỉ là miếng cơm manh áo của người dân Na Lạc bao đời nay mà còn là niềm vui của họ

Với người dân bản Na Lạc, bẫy cá không khác gì miếng cơm manh áo, là cái nghề mưu sinh của họ bởi thế mà người dân nơi đây tôn thờ chiếc bẫy cá như đấng thần linh. Ngày hoàn thành công trình, gia đình nào cũng phải sắm một mâm lễ để cúng thần sông gồm 4 con gà luộc, 2 bát cơm, 2 quả trứng, 2 chén rượu. Đặc biệt, những thứ này phải nhuộm một thứ màu xanh, một thứ màu đỏ. Và khi đã đặt chân lên chiếc bẫy là không được nghĩ xấu, ghét bỏ về nhau. Chiến lợi phẩm thu về phải phân chia công bằng.

Là người có kinh nghiệm nhiều năm bẫy cá ở sông Luồng, ông Nhiệm bật mí về kinh nghiệm săn cá đó là vào tháng 11 hoặc tháng 12 âm lịch, nước lạnh buốt, cá di chuyển xuôi dòng ra sông Mã đẻ trứng. Thời điểm này, cá lăng, ké, trắm  thường đi đôi với nhau nên thường bắt được cả đôi. 

Bẫy cá không chỉ là miếng cơm manh áo của người dân Na Lạc bao đời nay mà còn là niềm vui của họ
Năm nào cũng vậy, đến Na Lạc vào khoảng tháng 9 âm lịch trở đi có thể bắt gặp cả gần chục cái bẫy cá như thế này

Cá đi kiếm ăn cũng thường vào lúc ngày tàn, trăng lặn mới đi. Thường đầu tháng và cuối tháng, trăng lên muộn, lặn sớm là thời điểm thu được nhiều cá nhất. Ngày nước trong, cá cũng ít ra ngoài, chỉ khi nước đục mới rời hang. Bẫy cá đến tháng Tư, nước sông dâng cao, cá ngược dòng lên thượng nguồn kiếm ăn thì bẫy lại được dỡ đi. Chiếc bẫy dỡ đi được tận dùng làm củi sang năm lại tiếp tục làm một cái mới. Cứ như thế, năm này qua năm khác, bẫy cá đã trở thành nghề truyền thống không thể thiếu từ bao đời nay của người dân bản Na Lạc.

Nguyễn Thùy