1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Kỷ niệm ngày sinh Hai Bà Trưng: “Không thuyết phục, đừng làm liều!”

(Dân trí) - “Nói về ngày sinh của Hai Bà Trưng là cực kỳ khó. Do vậy, nếu không có căn cứ thuyết phục thì đừng làm liều. Còn nếu cố “tưởng tượng” ra ngày sinh của họ là không nên vì hoạt động mang tính lịch sử càng chân thực thì càng tốt”, GS. Hoàng Chương nói.

GS. Hoàng Chương (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam) - người dành phần lớn thời gian, tâm huyết cho nghiên cứu bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc đã trao đổi thẳng thắn với PV Dân trí về câu chuyện lễ kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Hai Bà Trưng đang thu hút chú ý của dư luận những ngày qua.
 
Trước đó, Thành ủy Hà Nội thông báo đồng ý chủ trương tổ chức các hoạt động kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Hai Bà Trưng theo đề xuất của Ban Cán sự Đảng Thành phố. Lễ mít tinh kỷ niệm sẽ được tổ chức vào tối 23/8 và truyền hình trực tiếp với chủ đề “2.000 năm Vương nữ đất Rồng”.

Địa điểm dự kiến tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Hai Bà Trưng
Địa điểm dự kiến tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Hai Bà Trưng

Hà Nội đánh giá, đây là hoạt động có ý nghĩa để giáo dục truyền thống, tôn vinh công lao của Hai Bà Trưng và vai trò của phụ nữ Việt Nam với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử dân tộc. Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát nội dung chương trình, bảo đảm mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, tránh phô trương, hình thức và phải tiết kiệm kinh phí tổ chức.

GS.Hoàng Chương cho rằng, thời đại ngày nay rất cần tôn vinh các anh hùng dân tộc trong đó có Hai Bà Trưng để giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Thế nhưng tôn vinh thế nào thì phải tìm cách làm thuyết phục nhất.

Từng xây dựng vở kịch về Hai Bà Trưng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem, GS. Hoàng Chương cho biết, khi viết kịch về Hai Bà Trưng, ông tìm hiểu rất kỹ thông tin nhưng chưa bao giờ thấy nhắc đến ngày sinh của Hai Bà. “Nói về ngày sinh của Hai Bà Trưng là cực kỳ khó. Còn nếu có cố tưởng tượng ra ngày sinh của họ thì không nên vì lịch sử hay các hoạt động nghệ thuật mang tính lịch sử càng chân thực thì càng tốt”, GS Hoàng Chương nói.

Do vậy, theo GS Hoàng Chương nếu hoạt động đó chưa có sức thuyết phục thì không được làm liều mà phải hoãn lại càng sớm càng tốt để có thời gian nghiên cứu thêm. Còn nếu muốn tôn vinh Hai Bà Trưng, theo GS Chương, thành phố Hà Nội nên dựa vào thời điểm hai bà dấy binh khởi nghĩa.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề trên, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, việc tổ chức kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Hai Bà Trưng là căn cứ theo đề xuất của UBND huyện Mê Linh. “Dân gian và cộng đồng địa phương từ nhiều năm nay vẫn cứ nói Hai Bà Trưng sinh đôi vào ngày 1/8. Do vậy, chính quyền địa phương xin chủ trương tổ chức vào dịp này”, ông Động nói.

Theo ông Động, trong bối cảnh hiện nay, việc tôn vinh Hai Bà Trưng để giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ là rất cần thiết. Do vậy, lãnh đạo thành phố đã đồng ý với đề xuất của huyện Mê Linh. Tuy nhiên, sau khi đưa ra kế hoạch tổ chức kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Hai Bà Trưng, đơn vị này đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau nên quyết định tạm hoãn sự kiện.

“Các nhà khoa học cho rằng làm như vậy là chưa thuyết phục và chúng tôi đã lắng nghe, tiếp thu, điều chỉnh theo kiến nghị. Hà Nội cũng đã quyết định chưa tổ chức kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Hai Bà Trưng”, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội nói và thông tin thêm, thời gian tới Hà Nội sẽ tổ chức hội thảo để làm rõ vấn đề trên.

Ngày 19/8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã gửi công văn hỏa tốc đến sở ngành, đoàn thể và UBND các quận, huyện, thị xã nêu rõ việc chưa tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Hai Bà Trưng. Lý do dẫn đến việc Hà Nội và Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam thống nhất chưa tổ chức sự kiện này là có “nhiệm vụ đột xuất”.

Quang Phong