1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kỳ nhân phố núi

Dù không được đào tạo về điện tử, cơ khí nhưng suốt 20 năm qua, một chàng trai Cơtu đã lần lượt cho ra đời hàng chục công trình sáng chế khiến các nhà khoa học phải thán phục

Giữa đại ngàn Trường Sơn trên đường Hồ Chí Minh, chàng trai người Cơtu tên Ating Tinh ở thị trấn Prao, huyện Đông Giang - Quảng Nam được nhiều người dân đặt cho biệt danh “Kỳ nhân phố núi”.

Mày mò sáng chế từ năm 7 tuổi
 
Ating Tinh sinh ra trong một gia đình nghèo, chuyên làm nương rẫy, lên rừng săn thú kiếm sống qua ngày. Cuộc sống gia đình khó khăn, ăn không đủ no nói chi đến việc mua xe đạp cho Tinh đến trường.
 
Kỳ nhân phố núi - 1
Ating Tinh bên chiếc camera tự chế độc đáo của mình

Năm 1992, Tinh lên 7 tuổi, vào lớp 1 Trường Tiểu học xã Tà Lu. Mỗi lần đến trường, Tinh phải đi bộ  gần 2 km, qua con suối cạn Chker. Đoạn đường trở nên quá xa xôi đối với cậu bé còn nhỏ tuổi.

Nhìn thấy các bạn, con gia đình khá giả đi học bằng xe đạp, Tinh thấy tủi thân. Biết ama (cha), amế (mẹ) khó khăn, không thể sắm xe cho mình được, Tinh nghĩ đến việc tự chế một chiếc xe để đi học.

Nghĩ là làm, Tinh năn nỉ ama cho chặt cây ổi sau vườn có hình giống khung chiếc xe đạp để chế tạo xe. Lúc đầu, ama của Tinh vẫn nghĩ đó là trò ngớ ngẩn của con nhưng khi chiếc xe nên hình, ông hết sức ngỡ ngàng.

“Cái đầu của thằng Ating Tinh có tài thật chứ không phải do con “ma” làm”- ông nói với vợ. Nghe ama nhắc lại chuyện cũ, Ating Tinh tự hào: “Điều mình mừng nhất là đã thực hiện được ước mơ đến trường bằng xe”.

 

Cùng thời gian này, Tinh còn khiến bạn bè kính nể, hào hứng với khẩu súng săn cá làm bằng gỗ. Đơn giản, chỉ với một ống nứa, vài nan hoa xe đạp hỏng mài nhọn đầu và sợi dây cao su có độ đàn hồi tốt, Tinh đã chế ra cây súng có thể bắn chết chim trên cây, cá dưới suối.


Đến mùa hè năm 2000, người dân thị trấn Prao lại thấy Tinh cho ra mắt những sản phẩm mới: máy đo gió, máy tuốt lúa... Sáng chế máy tuốt lúa thủ công của Tinh đã giúp người dân Prao bớt cảnh khổ nhọc khi tuốt bằng tay.

Máy tuốt lúa thủ công của Tinh cũng nhanh hơn gấp 10 lần so với tuốt bằng tay. Sau đó, người dân Prao đã tìm đến nhà Tinh mày mò học cách làm máy tuốt lúa để lên rẫy thu hoạch mùa.

Không chỉ khiến dân phố núi Prao đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, năm 2002, Ating Tinh sáng chế chiếc máy ghi âm còn làm cả nhiều kỹ sư điện tử và nhà khoa học phải giật mình.

Từ đó, nhiều người bắt đầu tặng cho Tinh biệt danh “kỳ nhân” ở phố núi Prao. Để chế tạo máy ghi âm, Tinh đi mua vài chiếc máy radio, cassette hỏng về tháo lấy linh kiện.

Có trong tay những bộ thu, lọc âm, chip, IC, loa, volume…, Tinh mày mò lắp ráp thành công chiếc máy có thể thu được tất cả tiếng động phát ra xung quanh trong hơn một ngày.

Sau này, chiếc máy ghi âm của Ating Tinh cũng đã giúp người dân Prao và Công an huyện Đông Giang phát hiện, đẩy đuổi nhiều toán lâm tặc vào phá rừng.

Chiếc camera và “hãng truyền hình ATT”

Từ những linh kiện máy móc hư hỏng, Ating Tinh còn chế ra chiếc máy quay phim “có một không hai”. Chiếc camera này còn thu hút người xem hơn cả những chiếc máy quay tiền tỉ của các đài truyền hình trong lần anh tham gia hội nghị tại Hà Nội vào năm 2006. Từ chiếc camera này, Ating Tinh còn ước mơ sẽ thành lập một “hãng truyền hình” cho riêng mình.


Khác với những sáng tạo trước, chiếc camera của Ating Tinh rất độc đáo. Để có chiếc máy này, Ating Tinh đã sưu tập rất nhiều linh kiện từ những chiếc tivi hỏng, “mắt thần” DVD, VCD và hàng chục thứ khác.

Sau khi chọn đủ các linh kiện cần thiết, Ating Tinh bắt đầu mày mò nghiên cứu các đường nối, vi mạch điện tử để có hình ảnh và tiếng nói. Sau gần một năm mày mò nghiên cứu, chiếc camera kỳ lạ cũng được “trình làng” với một khối hình chữ nhật tận dụng từ chiếc loa vi tính cũ, phần đầu phía trước có một cái gờ nhỏ nhô ra để lộ “ống kính” nhưng không phải mang vác nặng nề như những máy quay chuyên nghiệp khác mà chỉ nhẹ chưa đến 1 kg.
Nhiều người dân Prao “ưng cái bụng lắm” và kháo nhau kéo đến nhà Ating Tinh xem chiếc máy quay phim để được lên tivi một lần cho biết. Sau khi chế tạo thành công chiếc máy quay phim, Ating Tinh lại nghĩ phải làm sao để lên hình được những hình ảnh đã quay. Nghĩ là làm, chàng trai phố núi Prao lại mày mò tìm hiểu nguyên tắc của việc “lên tivi”, rồi sử dụng linh kiện trong các đầu máy băng hình cũ để thực hiện. 
 

Kết quả thật bất ngờ, sau gần 3 tháng mày mò, sản phẩm lên hình mang tên “ATT” đã được ra mắt. Tuy nhiên, điểm yếu nhất của máy quay phim và lên hình “ATT” là chỉ dùng được ở những vùng có điện lưới quốc gia, khi đi vào các bản làng, khu vực vùng sâu, vùng xa lại không thể hoạt động được. Để khắc phục nhược điểm này, Ating Tinh lại tận dụng một chiếc ắc - quy cũ, rồi chế ra bộ chuyển đổi điện năng để sử dụng khi vào quay phim cho bà con ở các bản làng.

Chiếc camera của Ating Tinh đã ghi lại những hình ảnh sinh hoạt của đồng bào Cơtu ở các thôn bản xa xôi của huyện Đông Giang. Đưa cho chúng tôi xem lại những đoạn video đã quay về lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới, những đêm sinh hoạt văn nghệ của Đoàn Thanh niên thị trấn và cả những đoạn quay các vị lãnh đạo đất nước khi mình được gặp mặt, Tinh bảo giữ lại để làm kỷ niệm và nó là những thứ vô giá đối với anh.

Đến giờ, dù vẫn chưa học qua một lớp điện tử hay cơ khí nào nhưng Ating Tinh đã trở thành một thợ điện tử chuyên sửa tivi, đầu máy cho hàng ngàn người dân trên đường Hồ Chí Minh.

Người đảng viên gương mẫu


Theo chân Ating Tinh hơn 4 ngày, chúng tôi mới biết được anh không những có đam mê nghiên cứu khoa học mà còn là một người hết lòng vì phong trào Đoàn Thanh niên của địa phương và giúp đỡ bà con dân bản.
 
Kỳ nhân phố núi - 2

Ating Tinh từng vinh dự được chụp ảnh với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
 

Ating Tinh tâm sự: “Năm 2002, khi học xong lớp 12, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên mình phải nghỉ học để giúp đỡ gia đình. Nhờ sự gợi ý, giúp đỡ của các anh chị lãnh đạo thị trấn Prao, mình tham gia công tác Đoàn ở đây”.

Là một người năng nổ, có trách nhiệm và chịu khó nên Ating Tinh nhanh chóng được mọi người tin tưởng bầu làm phó bí thư rồi bí thư Chi đoàn Thanh niên thị trấn Prao.

Đến nay, Ating Tinh đã có 9 năm tuổi Đảng. Với trách nhiệm trong công tác Đoàn của thị trấn Prao, anh luôn nhiệt tình tham gia các phong trào, từ văn nghệ, thể thao đến giúp đỡ bà con các thôn bản.

Tinh động viên anh em đoàn viên thanh niên thực hiện hàng chục công trình, giúp đỡ bà con đổi công tỉa lúa, phát rẫy, đào ao cá…, đặc biệt là mở đường vào các bản xa xôi của thị trấn để giúp người dân thuận tiện trong việc đi lại.

Mới đây, khi thấy bà con ở bản A Duông 2 vất vả đi lại qua sông A Vương, Ating Tinh đã vận động các nhà tài trợ hỗ trợ kinh phí xây cầu tạm cho người dân qua lại. Được sự hỗ trợ kinh phí của CLB Nhiếp ảnh Nghệ thuật Sông Hàn - Đà Nẵng và một số nhà hảo hâm khác, cuối tháng 4 vừa qua, Đoàn Thanh niên thị trấn Prao đã tiến hành xây dựng cầu này.

Già làng Ating Lăng ở thôn A Duông 2 phấn khởi: “Nhờ thằng Ating Tinh và Đoàn Thanh niên thị trấn mà hơn 200 người dân bản A Duông 2 này có con đường mới”.

Ông Cao Văn Huy, Phó Ban Dân vận huyện Đông Giang, cho biết việc Đoàn Thanh niên thị trấn Prao kêu gọi các nhà tài trợ giúp xây dựng cầu cho người dân thật đáng hoan nghênh. “Nhờ đó, người dân chắc chắn sẽ có nhiều đổi thay trong cuộc sống”- ông Huy nhận định.

 

Theo Hoàng Dũng

Người Lao Động

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm