Kỷ luật sa thải người đã... chết
Người bị kỷ luật với hình thức sa thải đã qua đời cách đây 16 năm 6 tháng do bị sét đánh.
Dư luận ở Kon Tum lấy làm lạ khi ông Phạm Văn Sớm, Giám đốc công ty TNHH MTV cà phê 731 (thuộc Tổng công ty cà phê Việt Nam, tỉnh Kon Tum) đã ký quyết định số 87 về việc xử lý kỷ luật lao động công nhân Tạ Thị Mơ. Lạ là vì, người bị kỷ luật với hình thức sa thải đã qua đời cách đây 16 năm 6 tháng do bị sét đánh.
Để có căn cứ cho quyết định "lạ" nói trên, ông Nguyễn Hữu Tư, Phó Giám đốc công ty cà phê 731 khẳng định: “Hồ sơ của bà Mơ tại thời điểm kỷ luật là hồ sơ vẫn đầy đủ. Và cũng không ai xác minh, thực ra không ai xác minh là bà đã chết cả, bởi vì hồ sơ của chính quyền địa phương xác nhận về những năm sau đó và hiện tại bây giờ hồ sơ vẫn có đầy đủ là bà Tạ Thị Mơ vẫn còn sống, chính quyền địa phương xác nhận. Kể cả chứng minh nhân dân vẫn có, rồi sơ yếu lý lịch có xác nhận của chính quyền địa phương”.
Được biết, bà Tạ Thị Mơ vào làm công nhân tại đây từ trước năm 1992, nhận khoán chăm sóc trên 1 héc-ta cà phê của công ty. Sau đó vài năm, vì nhiều lý do, bà Mơ không tiếp tục chăm sóc diện tích cà phê này mà giao lại cho chị dâu là bà Bùi Thị Đoạn và anh trai Tạ Văn Hạnh chăm sóc.
Sau khi bà Mơ mất vào năm 1996, việc chăm sóc cà phê và thực hiện các nghĩa vụ với công ty, như nộp khoán sản lượng hàng năm, đóng bảo hiểm xã hội… được gia đình ông Hạnh bà Đoạn thực hiện đầy đủ với công ty dưới tên bà Mơ. Thậm chí gia đình ông Hạnh còn sử dụng chứng minh thư, sơ yếu lý lịch có xác nhận của chính quyền địa phương dưới cái tên của công nhân Tạ Thị Mơ. Vụ việc mới bị phanh phui khi người nhà của bà Mơ xin thực hiện các chế độ, thủ tục để nghỉ hưu.
Tuy nhiên, bức xúc trước quyết định sa thải với người đã chết, ông Tạ Văn Hạnh, anh trai bà Mơ cho biết: “Em tôi hiện nay đã chết rồi chứ không phải tranh chấp gì cả nên đề nghị với công ty là lên làm trực tiếp với bảo hiểm giúp đỡ gia đình tôi có thể là hiệu chỉnh cái tên Tạ Thị Mơ sang Bùi Thị Đoạn để cho gia đình tôi được nghỉ chế độ hưu theo quy định của Nhà nước cho đỡ thiệt thòi thôi. Nếu không được phương án đó thì thanh toán, giải quyết chế độ thôi việc chứ không nên là dùng biện pháp sa thải một người chết 16 năm 6 tháng để danh dự sau này còn con cái”.
Sự việc đáng tiếc nêu trên âu cũng là bài học về sự quản lý nhân sự lỏng lẻo của một số công ty; bài học về cách xử lý tình huống chưa phù hợp với thực tế rất dễ gây bức xức trong dư luận xã hội.
Theo Sỹ Thắng
Baotintuc.vn