Thanh Hóa:
Kỷ luật giám đốc, phó giám đốc Trung tâm đăng kiểm
(Dân trí) - Qua thông tin đường dây nóng, GĐ Sở GTVT Thanh Hóa đã chỉ đạo “bí mật” kiểm tra và phát hiện nhiều cán bộ Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ vi phạm. Hội đồng kỷ luật đã đưa ra hình thức kỷ luật đối với các cá nhân vi phạm.
Sau khi đình chỉ những cán bộ liên quan đến vi phạm do bỏ qua một số lỗi trong quá trình kiểm định phương tiện, phương tiện không đạt điều kiện yêu cầu vẫn được cấp giấy chứng nhận “an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường”, ngày 23/4, Hội đồng kỷ luật Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa đã họp và quyết định kỷ luật về mặt hành chính đối với tập thể lãnh đạo và những cá nhân vi phạm.
Theo đó, Hội đồng kỷ luật quyết định: Khiển trách đối với ông Lâm Minh Phúc - Giám đốc trung tâm vì để viên chức thuộc quyền vi phạm gây hậu quả trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp; cảnh cáo đối với ông Lê Thanh Tùng - Phó giám đốc phụ trách dây chuyền kiểm định 3601S vì không thực hiện đúng trách nhiệm quản lý, để viên chức thuộc quyền vi phạm gây hậu quả trong công tác kiểm định xe cơ giới.
Kỷ luật với hình thức cảnh cáo đối với 4 đăng kiểm viên: Vương Tiến Sơn, Mai Văn Cường, Trịnh Ngọc Tuấn, Nguyễn Văn Bình. Cả bốn người ngày đều phạm lỗi không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn nghề nghiệp trong khi hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả trong công tác kiểm định xe cơ giới.
Riêng ông Phạm Vũ Huy - Tổ trưởng phụ trách dây chuyền kiểm định công đoạn 5, ngoài nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo, TTĐK phải tiến hành cách chức tổ trưởng và báo cáo về Sở GTVT.
Cụ thể, ngày 15/4, phương tiện mang biển kiểm soát 36C-01686 không đạt điều kiện yêu cầu nhưng TTĐK vẫn cấp giấy chứng nhận “an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường” cho xe ôtô BKS 36C-01686.
Nói về việc kỷ luật và “mạnh tay” với những cá nhân vi phạm này, ông Mai Xuân Liêm, Giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa cho biết: “Chiều ngày 15/4, đang họp ở Bộ GTVT, tôi nhận được thông tin từ một người dân điện thoại phản ánh có một số xe kiểm định chất lượng kém nhưng vẫn cho qua để dán tem. Trong khi xe người này "khám" 2 ngày không qua, còn xe kia không tốt hơn mà vẫn qua. Tôi đã về Thanh Hóa ngay và yêu cầu thông báo cho Thanh tra giao thông và phòng chức năng nhưng chưa cho biết là việc gì. Khi lên đến Sở tôi mới cho biết là làm việc với Trung tâm đăng kiểm và liên lạc với chủ xe”.
Thời điểm đoàn kiểm tra có mặt, phương tiện đang đi giao hàng ở nới khác, ông Mai Xuân Liêm - GĐ Sở GTVT yêu cầu để đảm bảo tính chính xác, đến tận nơi chiếc xe có dấu hiệu bị bỏ qua lỗi đăng kiểm đang đổ hàng để áp tải về “khám” lại.
“Nếu khám lại xe đạt tiêu chuẩn, tôi với tư cách là Giám đốc Sở GTVT xin tự bỏ tiền túi ra chịu phạt, còn nếu xe không đạt chất lượng thì cán bộ đăng kiểm chịu trách nhiệm”, ông Liêm chia sẻ.
Kết quả kiểm định lại xe ôtô 36C-01686 cho thấy: Xe không có đèn báo hiệu lùi, không đèn chiếu sáng biển số sau; xe lắp chủng loại lốp 11.000-20 không đúng với kết quả kiểm định ngày 15/4 (10.000-20); hệ thống còi điện không hoạt động, trên xe có lắp còi hơi; bàn đỡ ly hợp không có đệm cao su chống trượt; bu lông tích kê (bu lông hãm) bánh trước bên lái và bánh sau bên phụ, bên lái đều có 1 bu lông bị gãy (tổng 3 cái bị gãy); hệ thống nhíp sau độn thêm nhiều lá nhíp (mỗi bên 20 lá), đầu mỏ nhíp của hai lá mặt chính 2 bên đều có vết hàn điện; hệ thống đèn, nấc chiếu gần chỉ sáng 1 đèn; hệ số sai lệch phanh giữa hai bánh trên trục 1 bằng 92%.
Sau khi có kết quả cho thấy dấu hiệu sai phạm trong quá trình kiểm định, Sở GTVT có văn bản báo cáo và xin ý kiến về việc xử lý vi phạm của nhân viên đăng kiểm, đăng kiểm viên và lãnh đạo TTĐK trong quá trình kiểm định xe. Những sai phạm của “ê kíp” thực hiện đăng kiểm cho xe ôtô 36C-01686 là nghiêm trọng. Đặc biệt, vi phạm lại xảy ra ngay sau khi Cục Đăng kiểm đã quán triệt chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, chống tiêu cực.
“Tôi làm để người dân phản ánh người ta có niềm tin. Nguy hiểm nhất là người điều khiển phương tiện kém chất lượng ra đường là nguy cơ cho xã hội”, ông Liêm chia sẻ.
Duy Tuyên