1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kỷ luật cán bộ công an có cử chỉ, lời nói thô bạo, trêu ghẹo người khác

(Dân trí) - Cán bộ, chiến sĩ công an vi phạm một trong các quy định về trật tự công cộng gây hậu quả ít nghiêm trọng có thể bị kỷ luật khiển tránh, gồm: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; gây mất trật tự ở trụ sở cơ quan, khu dân cư, trường học; say rượu, bia gây mất trật tự công cộng…

Bộ Công an vừa công bố dự thảo lần 2 Thông tư quy định việc xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân để lấy ý kiến góp ý rộng rãi trong thời gian 2 tháng.

Dự thảo nhấn mạnh, trường hợp cán bộ, chiến sĩ trong cùng một thời điểm phát hiện có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật thì bị áp dụng hình thức kỷ luật tối thiểu phải nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật cao nhất của một trong các hành vi vi phạm (trừ trường hợp một trong các hành vi vi phạm đó sẽ bị kỷ luật bằng hình thức Tước danh hiệu Công an nhân dân).

Kỷ luật cán bộ công an có cử chỉ, lời nói thô bạo, trêu ghẹo người khác - 1

(Ảnh minh hoạ).

Trường hợp cán bộ, chiến sĩ bị bắt do phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng hoặc cán bộ, chiến sĩ đã thừa nhận hành vi phạm tội và có đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh cán bộ, chiến sĩ đó đã thực hiện hành vi phạm tội hoặc bị khởi tố bị can và quyết định khởi tố bị can đã được Viện kiểm sát phê chuẩn thì kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân.

Nếu được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc đình chỉ điều tra thì căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm để xử lý kỷ luật theo quy định.

Xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ vi phạm quy định không thay thế kỷ luật về Đảng, đoàn thể. Hình thức xử phạt hành chính không thay thế cho hình thức kỷ luật; không giải quyết cho cán bộ, chiến sĩ vi phạm kỷ luật xuất ngũ, chuyển ngành, chuyển công tác (trừ trường hợp chuyển công tác để phòng ngừa sai phạm), nghỉ hưu trước hạn tuổi phục vụ cao nhất khi chưa được xem xét, xử lý kỷ luật.

Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo sẽ bị kỷ luật

Theo dự thảo thông tư, cán bộ, chiến sĩ vi phạm một trong các trường hợp sau đây gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

- Đi du lịch, tham quan, học tập, chữa bệnh ở trong nước, ngoài nước bằng nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài khi chưa được phép của lãnh đạo cấp có thẩm quyền. Quan hệ, tiếp xúc có yếu tố nước ngoài không báo cáo theo quy định Bộ Công an;

- Được cấp có thẩm quyền giải quyết cho xuất cảnh nhưng ở lại nước ngoài quá thời gian quy định mà không báo cáo, không có lý do chính đáng hoặc xuất cảnh sang nước thứ ba khi chưa được sự đồng ý của lãnh đạo cấp có thẩm quyền. Xuất cảnh khi chưa có quyết định giải quyết của lãnh đạo cấp có thẩm quyền;

- Cho người nước ngoài nghỉ qua đêm nhưng không khai báo tạm trú, không hướng dẫn người nước ngoài khai báo tạm trú theo quy định hoặc không thực hiện đúng các quy định khác có liên quan của cơ quan có thẩm quyền,..

- Vi phạm một trong các quy định về trật tự công cộng sau đây: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; gây mất trật tự ở trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện hoặc ở nơi công cộng khác; đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau; say rượu, bia gây mất trật tự công cộng.

Cán bộ, chiến sĩ cũng bị xem xét kỷ luật bằng hình thức khiển trách nếu vi phạm hành chính về chống bạo lực gia đình như: Có lời nói lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình; cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó;

Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, cha mẹ và con, giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột theo quy định của pháp luật; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.

 Trường hợp được miễn kỷ luật

Theo dự thảo, những trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật gồm: Đang trong thời gian điều trị bệnh có xác nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên (trừ trường hợp vi phạm pháp luật hình sự); cán bộ, chiến sĩ nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản (trừ trường hợp vi phạm pháp luật hình sự).

Những trường hợp được miễn kỷ luật:

-Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi khi vi phạm kỷ luật;

-Phải chấp hành chỉ thị, mệnh lệnh sai trái của lãnh đạo, chỉ huy cấp có thẩm quyền mà trước đó đã kiến nghị bằng văn bản đối với người ra chỉ thị, mệnh lệnh nhưng không được chấp nhận;

-Được cấp có thẩm quyền xác nhận thực hiện hành vi trong tình huống bất khả kháng, sự kiện bất ngờ, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết;

-Quá thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định.

Thế Kha