Sự thật về “Thánh” viết “chữ Trời”:
Kỳ II: Vung bút như chớp, kiếm tiền như mưa
Cứ 6-7 giây, “người giời” Nguyễn Thành Bút đã ban xong một tờ lệnh. Nhận lệnh rồi, ai cũng mừng ra mặt, mặc dù chẳng ai đọc được thứ chữ đó, vì chẳng phải chữ Tàu, cũng chẳng phải chữ Tây, mà là "chữ… trời". Chữ đó, chỉ có Bút và thánh thần mới đọc được.
Các đệ tử cuồng tín, sau khi kiểm tra tên tuổi, số chứng minh thư sẽ nhận được thẻ bài và vào cổng. Từng người một sẽ đi qua sân, bên sườn hồ nước tiến thẳng đến tòa nhà trung tâm của biệt phủ. Đây là tòa nhà chính, là dinh cơ cực kỳ hoành tráng, 4 tầng, với 4 mái cong cong. Những chiếc cột khổng lồ không rõ bằng gỗ hay xi măng giả gỗ. Nhìn tòa nhà, chẳng rõ là biệt điện, cung vua, phủ chúa, hay đình đền, nhà thờ. Có lẽ, ngôi nhà được xây theo ý tưởng của “người giời”.
Hàng trăm con người đứng xếp hàng dưới sân chờ đến lượt lấy số. Người phụ nữ mặc áo dài thướt tha trông khá sang trọng từ tầng hai tòa nhà chính bước xuống, tay cầm chiếc loa nói oang oang chỉ dẫn cách đệ tử hành lễ. Sau tìm hiểu mới biết đó chính là vợ của Bút, mọi người gọi là “cô” Lương. Theo lời người đàn bà này thì tầng 2 của tòa Thiên Pháp Sứ là nơi tối linh tối thượng. Nếu ai cầu sự việc cực kỳ hệ trọng, liên quan đến vận mệnh Tổ quốc, gia đình, dòng tộc, sự nghiệp, tính mạng bản thân thì lên đó phát tâm phát nguyện, đặt lễ rồi cầu. Sau đó, người đàn bà này yêu cầu những người cầu danh, cầu lộc, cầu chữa bệnh nan y, cầu tình cảm, hạnh phúc, anh em gia đình thuận hòa, làng xóm vui vẻ, thì sang ngôi nhà phía bên phải, nơi thờ Chúa Năm Phương. Theo bà ta, cứ đặt lễ ở đó rồi cầu, thì cầu được ước thấy.
Tòa nhà trung tâm biệt phủ.
Sau khi hướng dẫn các đệ tử cách đặt lễ và cầu tài cầu lộc thì “cô” Lương lên tầng 2 làm nhiệm vụ… gom tiền lễ. Một người đàn ông đứng chặn ngay chân cầu thang tòa Thiên Pháp Sứ làm nhiệm vụ phát đĩa. Tất cả những người đã lọt vào cổng biệt phủ, không được rẽ ngang rẽ dọc, mà đều phải tiến đến tòa Thiên Pháp Sứ này nhận đĩa, rồi đi lên tầng 2. Không ai bảo ai, song như một quy trình bắt buộc, ít nhất là đồng mệnh giá 100 ngàn phải được đặt vào đĩa. Những người vào biệt phủ toàn đại gia đi ôtô, nên ít khi đặt lễ 100 ngàn, mà toàn đặt tiền 200, 500 ngàn, thậm chí có người đặt luôn vài tờ 500 ngàn. Nhiều đại gia chơi sang thì đặt ngoại tệ mạnh như USD, euro.
Phòng hành lễ tầng 2 của tòa Thiên Pháp Sứ rộng mênh mông. Hoành phi câu đối toàn dát vàng thật sáng chóe, bóng loáng. Mọi người đặt tiền lên bàn rồi quỳ gối, chắp tay hành lễ, cầu phúc lộc. Nội dung bài khấn do “người giời” in sẵn phát cho, các đệ tử cứ thế mà đọc như cái máy: “Con Nam Mô A Di Đà Phật (khấn 3 lần). Con lạy 9 phương trời, con lạy 10 phương Phật. Con lạy Chư Phật 10 phương, 10 phương Chư Phật. Con lạy ban cộng đồng Tòa Thiên Pháp Sứ Đức Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế xứ vườn Cam, thôn Giữa, xã An Bình, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tên con là… sinh năm… quê quán…”. Sau đó, đám người mê muội thi nhau ước đủ các thứ giàu sang, khỏe mạnh, thành đạt, hạnh phúc…
Cứ từng tốp khoảng 10 người vào ban thờ tòa Thiên Pháp Sứ đặt lễ, khấn vái cầu phúc, rồi lại đến lượt tốp khác. Khi tốp vừa dâng lễ đứng lên, thì “cô” Lương lại làm nhiệm vụ dọn tiền, thu đĩa, để ban thờ còn chỗ trống cho tốp khác đặt lễ. Với lại, trên ban thờ la liệt những đồng tiền mệnh giá lớn, nên không thể không kiểm soát. Riêng ban thờ tòa Thiên Pháp Sứ cũng có 4 người phụ nữ luôn tay, luôn chân hướng dẫn các đệ tử đặt lễ, dọn lễ, gom tiền. Cảnh tượng này chả khác gì mưa tiền từ trên trời rơi xuống.
Sau khi đặt lễ ở tòa Thiên Pháp Sứ, thì các đệ tử cuồng tín đi ra nhà thờ Mẫu đặt lễ. Đây cũng là một tòa nhà bằng gỗ lim cực lớn, dát vàng sáng rực khắp nơi. Trong tòa nhà la liệt đồ cổ quý hiếm. Đáng chú ý là đôi ngà voi cực lớn, cong vút. Theo người phụ nữ trông coi nhà thờ Mẫu, thì ông Bút đã bỏ ra hơn trăm ngàn đôla, tức 2 tỉ đồng để mua cặp ngà này từ mấy năm trước.
Sau khi hành lễ, đặt tiền khắp nơi, các đệ tử cuồng tín lại xếp hàng nhận chiếc thẻ gỗ, rồi ra nhà chờ bên tả của tòa Thiên Pháp Sứ ngồi chờ. Nhà chờ là ngôi nhà sàn bằng gỗ quý khổng lồ, thiết kế 2 tầng. Hàng trăm người ngồi trên ghế xem tivi, uống trà để đợi “Thánh”. Ngoài sân, trên các ghế đá, các đại gia đứng ngồi ngả ngớn. Tranh thủ lúc chờ đợi “Thánh”, các đệ tử đi… chợ. Nói là đi chợ cho vui, chứ thực ra là vài gian hàng bố trí ở góc sân tòa Thiên Pháp Sứ, giáp với khu vườn nhãn. Tại đây, người ta bày đủ thứ rau cỏ, trứng gà, trứng vịt như ở chợ. Mấy chị bán hàng quảng cáo rằng, đây là rau sạch trồng ở vườn nhà “Thánh Bút”, gà thả rông ở vườn nhà “Thánh Bút”, tức là nuôi trồng ở “đất Thánh”, nên ăn vào sẽ được nhiều lộc. Ai đến đây cũng đều mua một vài mớ rau, vài quả trứng, ít lạc, đỗ lấy may, dù đắt gấp cả chục lần ở chợ. Quả là phục sát đất tài kinh doanh, tận thu tiền từ đệ tử của “ông Thánh” này.
Xếp hàng xin “lệnh trời”.
Các đệ tử ngóng chờ bải hoải, đến 16 giờ 45 phút thì “ông Thánh Bút” xuất hiện đột ngột. Đám người chờ đợi mấy tiếng đồng hồ nhốn nháo cả lên. Chả rõ Bút xuất hiện từ đâu, không rõ từ trên trời rơi xuống hay từ dưới đất ngoi lên. Sau này tìm hiểu, tôi mới biết, Bút trú ngụ ở tầng một của tòa Thiên Pháp Sứ. Thảo nào, khi vào tòa nhà này đặt lễ, luôn có 2 người túc trực bảo vệ nghiêm ngặt. Các đệ tử được phát đĩa, lấy số, rồi được đẩy đi thẳng lên cầu thang. Toàn bộ cánh cửa tầng một khép kín, không ai được phép tiến vào. Chỉ khi nào các đệ tử đặt tiền khắp nơi xong và đến giờ hoàng đạo, Bút mới xuất hiện đột ngột. Sự xuất hiện bất ngờ của Bút, rồi sự biến mất cũng nhanh như chớp, càng làm con người gã thêm phần bí ẩn.
Sự xuất hiện của “Thánh Bút” khiến khung cảnh náo loạn. Không nói không rằng, Bút ngồi trên chiếc ghế tre, trước mặt là chiếc bàn tre đặt giữa sân. Vợ Bút ngồi ở bàn bên cạnh để nhận tiền công đức. Tôi thắc mắc với “cô” Lương rằng, vì sao “thầy” không ngồi trong nhà, hoặc chỗ mát để viết chữ, mà lại ngồi giữa sân hóng nắng thế, thì bà ta bảo: “Thầy Bút ngồi giữa trời để hấp thụ năng lượng vũ trụ, thu các tần số vũ trụ thì mới bắt được bệnh của các đệ tử!”.
“Thánh Bút” mặc bộ đồ trắng toát, trông như ông thầy địa lý người Trung Hoa. Tóc búi củ hành sau gáy, râu lưa thưa vài cọng nhưng cũng có một số cọng dài đến ngang ngực. Điều lạ là tóc và râu của Bút trắng xóa, trong khi gã mới chỉ 46 tuổi mấy tháng. Có lẽ làm “người giời” nên bộ dạng phải kỳ quái, khác đời như vậy. Các đệ tử thì cứ xuýt xoa “thầy” cứu nhân độ thế vất vả, nên chóng già, còn làng xóm thì bảo, cứ vài hôm Bút lại về Hà Nội nhuộm râu tóc cho trắng xóa, thế mới giống thánh thần.
Mấy vệ sĩ làm công việc sắp xếp trật tự, yêu cầu các đệ tử xếp thành hàng dài tít tắp. Một MC ăn mặc trang trọng, đứng trên thềm nhà hướng dẫn. Vị MC giới thiệu cho mọi người biết về “đấng tối cao” đang ngồi trước mặt. Theo đó, công lực của Bút là vô biên, không gì không làm được. Khả năng của lão là sai bảo cả thần thánh, thiên địa. Không ai cần trình bày, ý kiến gì cả, “Thánh” đã biết được hết mong muốn, nỗi lòng của các đệ tử. “Thánh” sẽ phát cho mỗi người một tờ lệnh có “chữ trời”. Các đệ tử chỉ việc đem đốt tờ lệnh vào đúng giờ, đúng địa điểm như “Thánh” dặn, thì mọi mong muốn về sức khỏe, công danh, tiền bạc đều kéo đến, mọi vận hạn đều bay biến rất thần kỳ. Vị MC cũng dặn kỹ, các đệ tử khi đến lấy lệnh, phải chắp tay vái “thầy”, rồi thật chú ý lời “thầy” nói, bởi “thầy” nói rất nhỏ và không nói lại. Các đệ tử nhận xong lệnh thì lập tức ra ngay, không được hỏi lại. Nhận lệnh rồi, coi như mọi mong ước đã thành hiện thực, các đệ tử nên xả tâm bằng cách đặt tiền ở các hòm tập phúc và công đức để “thầy” quyên góp xây chùa.
Nghe lão MC, là Nguyễn Thành Tờ, em trai Nguyễn Thành Bút hướng dẫn các đệ tử cách “xả tâm”, tôi chợt nhìn ra hồ nước giữa sân, nơi có tượng Quan Thế Âm, thấy xung quanh hồ bố trí dày đặc hòm tập phúc, hòm nào cũng to tướng, để các đệ tử tha hồ nhét tiền vào. Ngay cạnh chỗ ngồi của “Thánh Bút” tiếp tục được bố trí thêm một bàn nữa và có 2 người làm nhiệm vụ thu tiền quyên góp xây chùa. Mỗi người, sau khi được ban lệnh, lại chen nhau công đức và nhét tiền vào các hòm có hai chữ “tập phúc” đặt quanh hồ nước.
Sau khi người em trai Nguyễn Thành Tờ, kiêm MC ngừng lời, thì “Thánh Bút” bắt đầu vung bút ban “lệnh trời”. Lần lượt các đệ tử tiến đến chắp tay vái sống. Đệ tử vừa cúi đầu vái, Bút đã ngoáy xong một “chữ trời” cùng với lời thì thầm vào tai. Tôi đứng cạnh, giương tai nghe, thì đại để, lời “Thánh Bút” chỉ có thế này: “21 giờ đốt ngoài sân”; “22 giờ kém 3 phút đốt ngoài ngõ”, rồi thì “20 giờ đốt giữa hiên”, “23 giờ đốt giữa phòng ngủ”… Có nghĩa là, cứ đến giờ đó, đệ tử chỉ việc đem tờ “lệnh” ra đúng địa điểm mà Bút nói để đốt. Mọi người nhận “lệnh” xong, liền chạy ra chiếc bàn phía sau lấy bút ghi lại giờ đốt và địa điểm kẻo quên. Người nào nghe không rõ, tai nghễnh ngãng, vừa định hỏi lại, thì người đàn ông ngồi cạnh liền nhắc hộ giờ và địa điểm đốt “lệnh”. Nhắc xong, ông ta đẩy ra luôn để cho người khác tiến lên. Tôi dùng điện thoại bấm giờ, thấy rằng, cứ 6-7 giây, “người giời” Nguyễn Thành Bút đã ban xong một “lệnh” bằng “chữ trời” cho một người. Nhận lệnh rồi, ai cũng mừng ra mặt, cứ căng tờ giấy ngắm nghía chữ. Tất nhiên, chả ai đọc được thứ chữ đó, vì chẳng phải chữ Tàu, cũng chẳng phải chữ Tây, mà là chữ… ‘trời”. Chữ đó, chỉ có Bút và thánh thần mới đọc được. Loáng một cái, “Thánh Bút” đã ban xong “lệnh” cho mấy trăm con người.
Tôi nhẩm tính, riêng tiền đặt lễ tại tòa Thiên Pháp Sứ của hơn 300 con người trong buổi chiều hôm đó, cũng phải cỡ năm bảy mươi triệu đồng. Đấy là chưa kể, các đệ tử còn rải tiền như bươm bướm ở các ban thờ, chân các tượng Phật, rồi nhét đầy mấy hòm tập phúc quanh hồ nước. Hành động ban lệnh, kiếm tiền của Nguyễn Thành Bút quả là nhanh hơn cả chớp. Chỉ vung bút vẽ vời lăng nhăng chưa đầy nửa tiếng, Nguyễn Thành Bút đã bỏ túi cả trăm triệu đồng. Đúng là cảnh vung bút như chớp, kiếm tiền như mưa!
Sau khi nhận xong “chữ trời”, tôi tiến lại phía bàn “cô” Lương ngồi. Tôi nói vu vơ: “Thầy Bút thiêng quá “cô” nhỉ. Mỗi ngày có mấy trăm người đến xin lệnh thế này”. Nghe tôi nói thế, “cô” Lương quay sang bảo: “Ăn thua gì con. Mấy năm trước, mỗi ngày tòa Thiên Pháp Sứ đón 10 ngàn người cơ. Xe ôtô cứ là để kín sân vận động của xã, đỗ dọc từ tỉnh lộ vào đến phủ, tắc đường cả tiếng đồng hồ. Ngày nào thầy cũng ngồi ban lệnh mấy tiếng mới xong, viết đến cứng cả tay. Giờ sức thầy không tốt như xưa nữa, nên không ban nhiều, mỗi ngày chỉ đón 300 người thôi”. Nghe người đàn bà này kể vậy, tôi thực sự choáng. Mỗi ngày Nguyễn Thành Bút viết 10 ngàn tờ lệnh, thì có nghĩa mỗi ngày Bút kiếm được cả tỉ bạc! Điều đó lý giải vì sao Nguyễn Thành Bút lại giàu có, xây dựng biệt phủ xa hoa như vậy.
Ngay khi ban lệnh xong, người đàn bà béo ụ ị làm nhiệm vụ mở cổng đón khách, đã cầm tiền lót tay của mấy anh bạn tôi, tiến lại phía Bút để xin Bút bố thí thêm cho mấy anh bạn tôi một “chữ trời”. Thấy cảnh hàng trăm con người sùng bái Bút như Thánh, mấy anh bạn tôi cũng tỏ ra mê muội, đứng khúm núm phía sau lưng Bút để mong Bút thương xót ban lệnh. “Ông Thánh” này chẳng nói chẳng rằng, nhìn qua một lượt, rồi lắc đầu. Điều đó có nghĩa, Bút không chấp nhận ban lệnh thêm và cũng có nghĩa là, mấy anh bạn tôi mất trắng tiền đặt lễ.
Quả thực, những người đã mang trong mình chút mê tín, nếu diện kiến Nguyễn Thành Bút, sẽ bị cái vẻ lạnh lùng, quái gở của gã làm cho thêm mê muội. Chứng kiến cảnh mỗi ngày hàng trăm con người, toàn đại gia đi xe hơi đến xin chữ, thì không ai không đặt câu hỏi: Phải chăng Nguyễn Thành Bút là “người giời”, có quyền năng thực sự? Tôi chắc rằng, chính những con người (toàn là quan chức, đại gia) cứ xếp hàng rồng rắn đi xin lệnh kia, là tác nhân để tạo ra một “người giời” hết sức quái gở. Chỉ có những người dân quanh xóm là hiểu rõ nhất về Nguyễn Thành Bút, không bao giờ tin Bút là người có thể làm việc thay được thánh thần. Trong con mắt người dân xung quanh, Bút là kẻ lừa đảo siêu hạng. Do đó, chả có người trong làng trong xã nào đến nhà Bút xin lệnh để thành đại gia.
Ngày xưa, tuần nào Lã Thị Kim Oanh cũng kéo cả đoàn xe con về nhà Bút để rải tiền, cầu danh, cầu lộc, hóa giải tai ương. Oanh là đệ tử mê muội của Bút. Thế nhưng, đùng một cái, Lã Thị Kim Oanh bị bắt vì tội tham ô gần trăm tỉ đồng. Trong số tiền tham ô ấy, ai mà biết được có bao nhiêu phần trăm đã cúng tiến cho Bút. |
Theo Thụy Bình
Năng lượng Mới