Hành trình "giải cứu trẻ em" của các thám tử tư:

Kỳ cuối: Trò chuyện với một thám tử tư "lão làng"

(Dân trí) - Tình trạng trẻ bỏ nhà đi đang xảy ra ngày càng nhiều, trong khi đó không phải lúc nào các gia đình cũng có thể nhờ cậy được từ phía cơ quan chức năng. Điều đó cũng đặt ra vấn đề pháp lý cho hoạt động của nghề thám tử tư.

Báo Dân trí đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Minh Long - Giám đốc công ty TNHH Dịch vụ cung cấp thông tin & thương mại - Việt (VDT) xung quanh vấn đề này.

Con nghiện vì bố mẹ kiếm quá nhiều tiền

Ông nhận xét thế nào về mức độ nghiêm trọng khi trẻ bỏ nhà đi?

Có một sự thật là trong những năm gần đây, số khách hàng đến công ty nhờ giúp đỡ trong vấn đề giáo dục con cái tăng mạnh. Tình trạng trẻ bỏ nhà đi rất nhiều, đáng lưu ý là không phải chỉ có con trai mà con gái cũng bỏ nhà đi.

Đối tượng trẻ bỏ nhà đi thường trong lứa tuổi nào?

Trẻ bỏ nhà đi được chia làm ba giai đoạn tuổi. Giai đoạn 1 từ lớp 9 đến lớp 11. Ở lứa tuổi này, trẻ bắt đầu thể hiện cái tôi của mình bởi vậy rất dễ xảy ra mâu thuẫn với gia đình và đó là lý do khiến trẻ bỏ nhà đi. Hiện nay, các gia đình đến công ty nhờ can thiệp thì chủ yếu quản lý và giám sát học tập của con cái.

Giai đoạn 2 (từ lớp 12 đến ĐH năm thứ ba) và giai đoạn 3 (lứa tuổi ra trường) thường khủng hoảng về tinh thần, tình cảm bạn bè hay lứa đôi. Ở độ tuổi này thường phát sinh những ý tưởng chơi bời, tệ nạn ảnh hưởng đến con người, từ đó bỏ nhà bỏ cửa đi.

Đã có lúc nào ông bị thất bại trong việc tìm trẻ bỏ nhà đi?

Có lẽ đó là cái duyên của tôi. Trong thâm tâm của tôi chưa thấy một sự thất bại nào. Tôi vào nghề này cũng gần chục năm rồi và cũng đã tích luỹ được kinh nghiệm trong việc hiểu tâm lý trẻ, có thể lường trước được một số tình huống có thể xảy ra đối với những trường hợp bỏ nhà đi. Trẻ bỏ nhà đi thường do sự tác động từ các yếu tố sau: gia đình; nhà trường; mối quan hệ bạn bè và cộng hưởng từ cách giáo dục của gia đình.

Đã có lúc nào, sự can thiệp của chúng ta trở nên quá muộn không, thưa ông?

Khách hàng đến với công ty thường chia làm 2 mức. Có những gia đình thì chỉ cần cảm thấy bất an về con cái là họ đã nhờ đến công ty. Chẳng hạn như con cái có dấu hiệu phản ứng với bố mẹ bỏ nhà đi rồi ngay hôm sau đã về. Nhưng cũng có gia đình do mải làm ăn quá đến khi xảy ra hậu quả thì họ mới bắt đầu mới cuống cuồng tìm cách tháo gỡ.

Có trường hợp nào gia đình phải nhờ đến công ty lần thứ hai vì sau lần đầu can thiệp vẫn thất bại?

Đó là một trường hợp người của chúng tôi đã phải bí mật đưa một cậu bé sang Singapore gần 6 tháng để cai nghiện và cách ly đám bạn chơi bời của nó.

Cậu bé này sống trong một gia đình có bố mẹ kiếm rất nhiều tiền. Hàng ngày tiền của họ kiếm được chỉ kịp nhét vào trong két mà không đếm xuể. Thế rồi, đứa con bí mật tìm được cách trộm tiền của bố mẹ. Ngày nào cậu cũng mở két lấy tiền, trung bình mỗi tháng, cậu ta lấy tối thiểu 50 triệu đồng mà bố mẹ không hề hay biết.

Lần thứ nhất đến công ty, gia đình cậu ta chỉ nhờ giám sát con trong lúc đi học vì thấy cơ thể của nó có vẻ suy nhược. Lúc đó, chúng tôi khuyên họ nên quan tâm đến con cái. Sau đó, họ lại nhờ đến công ty vì khi họ tỏ ra quan tâm đến con thì thằng bé lại tỏ ra chống đối, kháng cự.

Đến khi chúng tôi vào cuộc thì mới phát hiện là cậu ấy đã dính vào ma tuý được 20 ngày, mỗi ngày dùng 1 phân rưỡi ma tuý, tương đương 1,2 triệu đồng/ngày. Giải pháp đưa ra là người của công ty được bí mật cài vào nhà như người bạn, sau đó tách cậu ấy ra khỏi đám bạn và đưa sang nước ngoài để cai nghiện.

Thám tử tư là một nhu cầu xã hội

Vì sao trước những sự việc như vậy các gia đình không nhờ đến công an?

Trên thực tế không phải lúc nào trẻ "có vấn đề" cũng nhờ đến công an được. Như đối với những trường hợp mới chỉ có "dấu hiệu" như phản ứng với bố mẹ, thay đổi tích cách hoặc đứa trẻ bỏ nhà đi hôm trước hôm sau về... thì khó có thể nhờ đến công an.

Trong khi đó, nhu cầu của các gia đình là muốn giải quyết ngay lập tức và tìm ra căn nguyên của vấn đề khi chưa quá muộn. Bởi vậy, các công ty như chúng tôi ra đời là do nhu cầu xã hội. Mặc dù ở các nước, nghề thám tử tư đã hoạt động rất lâu rồi và được nhà nước cho phép nhưng ở Vịêt Nam thì chưa.

Vậy có nghĩa là các ông đang hoạt động "chui"?

Công ty TNHH dịch vụ cung cấp thông tin và thương mại - Việt ra đời vào ngày 1/2/2005 và chính thức hoạt động vào mảng dịch vụ nghề "thám tử". Lúc công ty ra đời, chưa có một văn bản nào nhắc đến nghề này. Cho đến năm 2006, nghị định 108/NĐ CP ra đời đã chính thức cấm: Đầu tư kinh doanh dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đầu tư trong lĩnh vực thám tử tư, điều tra.

Tuy nhiên, sau khi có nghị định này thì cũng không có văn bản nào giải thích rõ là các công ty đã thành lập và được cấp giấy phép trước khi có nghị định này sẽ như thế nào, và chức năng làm đến đâu. Nếu chúng ta cấm nghề thám tử hoạt động trong khi nhu cầu xã hội đòi hỏi tất yếu sẽ có những cơ sở làm chui, làm trốn thuế. Hiện nay, công ty của chúng tôi vẫn có giấy phép hoạt động nhưng chúng tôi rất muốn có hành lang pháp lý rõ ràng. Riêng đối với việc quản lý, giám sát trẻ thì chúng tôi được làm.

Ông nói "được làm" ở đây là sao?

Trong nghị định 108 quy định nghiêm cấm nghề thám tử, nghiêm cấm điều tra bí mật xâm phạm đời tư. Nhưng điều này mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự. Bộ luật này quy định có những trường hợp có thể theo dõi, giám sát, quản lý. Cụ thể là người dưới 18 tuổi vẫn phải được sự giám hộ, giám sát của bố mẹ, gia đình và nhà trường. Và người giám hộ trẻ em có thể là một người nào đó đã được sự đồng ý của cha mẹ.

Bởi vậy, chúng tôi mới cho rằng nhà nước nên quy định rõ ràng về hành lang pháp lý, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động một cách hợp pháp vừa đáp ứng nhu cầu xã hội cũng như bảo vệ quyền lợi của người dân.

Xin cảm ơn ông!

Lan Hương