1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM vào mùa mưa
  4. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Phận người ở khu chung cư cao cấp:

Kỳ cuối: Quản lý những khu đô thị mới như thế nào?

(Dân trí) - Bức xúc của người dân tại khu chung cư Trung Hòa - Nhân Chính chỉ là ví dụ điển hình cho hình trạng chung của các khu đô thị mới ở Hà Nội hiện nay. Bên cạnh sự yếu kém về quản lý, theo ông Trần Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam, còn do sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch.

Kỳ 1: Sau 3 năm vẫn lùng nhùng chuyện nước sạch, nước bẩn


Kỳ 2: Những không gian bị "đánh cắp"

 

Kỳ 3: Biến nhà trẻ thành... sân tennis

 

Kỳ 4: Hàng nghìn chiếc bình nóng lạnh đi đâu?

 

Chúng tôi xin trích đăng ý kiến của ông Hùng, bàn về những bất cập còn tồn tại ở các khu chung cư cao cấp.

 

Thiếu đồng bộ trong quy hoạch

 

Sở dĩ có những bất cập tại các khu chung cư là do sự quy hoạch thiếu đồng bộ. Trong một khu đô thị mới, người dân không chỉ sống trong chính căn hộ của họ mà còn đòi hỏi rất nhiều các nhu cầu thiết yếu khác. Từ đường, trường, trạm đến vấn đề giao thông đi lại, khu thể thao giải trí...

 

Một nguyên nhân khác nữa là chúng ta đang thiếu tầm nhìn trong quy hoạch. Điều này thể hiện ở chỗ các khu đô thị mới vừa xây dựng đã lạc hậu, dẫn đến tình trạng xe ôtô của người dân không biết để ở đâu.

 

Hiện nay chúng ta đang tồn tại tình trạng chưa rõ ngay từ đầu quy hoạch ai sẽ là người thực hiện nhiêm vụ xây công trình công cộng, nguồn vốn ở đâu ra và quản lý thế nào? Có hai phương án, thứ nhất, nhà nước giao toàn bộ cho chủ đầu tư, anh phải tính toán bỏ tiền ra xây trường học, bệnh viện. Phương án thứ hai là nhà nước thu tiền từ việc đấu giá các dự án để tiến hành làm các công trình dân sinh.

 

Theo tôi, để khắc phục tình trạng này, từ quy hoạch chung đến quy hoạch chi tiết cần được tiến hành sớm và đồng bộ. Khi có quy hoạch rồi, nhà nước phải rất nghiêm trong quản lý các quy hoạch đó. Nhà nước chỉ cho đưa vào khai thác, sử dụng khi đã có cơ sở hạ tầng đồng bộ. Những khu đã đưa vào sử dụng, cần làm rõ trách nhiệm xem việc thiếu công trình dân sinh thuộc về ai. Nếu chủ đầu tư đã nhận quản lý dự án phải đồng bộ thì quản lý nhà nước phải có trách nhiệm xử lý thích đáng với chủ đầu tư này.

 

Việc đầu tư xây dựng cũng quản lý khai thác các công trình công cộng đang gặp phải vướng mắc giữa hai phương án nhà nước đầu tư quản lý thực hiện xã hội hóa hoàn toàn. Nếu kêu gọi tư nhân hoàn toàn, các chủ đầu tư sẽ đầu tư hạ tầng kỹ thuật thật cao và chỉ đón con nhà giàu, không có trường cho con nhà nghèo. Trong khi đó, đa phần các khu chung cư hiện nay vẫn đang dành cho những người bức xúc về nhu cầu nhà ở. Như vậy, vấn đề trường học không thể để xã hội hoá hoàn toàn mà nhà nước phải đứng ra xây trường học.

 

Vấn đề chợ cũng cần được cân nhắc hài hoà giữa xu hướng của các chủ đầu tư với nhu cầu mua sắm của mặt bằng đời sống người dân tại khu vực đó.

 

Hậu quả của cơ chế xin - cho

 

Một vấn đề rất quan trọng cần đề cập đến, đó là sự tồn tại nhiều năm của tình trạng dễ dãi trong cấp phép xây dựng theo kiểu “xin cho”. Điều này dẫn đến tình trạng quy hoạch chung bi phá vỡ, hàng loạt nhà cao tầng được xây dựng trong khu phố cổ. Các khu đô thị mới hầu như đều có sự thay đổi so với thiết kế ban đầu trong khi các công trình công cộng vẫn giữ nguyên. Đó là nguyên nhân của đường xá ùn tắc, bệnh viện quá tải, học sinh không có chỗ học...

 

Vấn đề quản lý các khu chung cư mới cần có sự phối hợp hài hoà giữa nhà nước, các chủ đầu tư và người dân. Hiện nay, vấn đề này cũng chưa được làm rõ dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm.

 

Theo luật nhà ở, Ban quản trị khu chung cư có quyền lựa chọn bất cứ đơn vị cung cấp dịch vụ nào, nhưng do ta chưa có đơn vị riêng biệt nhận trách nhiệm đó nên hầu như các đơn vị này lại do chủ dự án lập nên; việc thoả thuận vì thế dễ bị một chiều, nhà cung cấp dịch vụ dễ ép người dân đến ở.

 

Đã đến lúc Nhà nước cần có những tiêu chuẩn khống chế trong việc thu phí dịch vụ và có sự cạnh tranh trong đấu thầu quản lý.

 

Thái Bình (ghi)