1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa:

Kỳ bí câu chuyện tiến sĩ báo hiếu và bức tượng mẹ bồng con

(Dân trí) - Người dân xã Thanh Sơn ít ai không biết về truyền thuyết bức tượng đá hình người mẹ mặc áo tứ thân bồng con dưới chân núi Nga, thôn Trung Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, bởi tính kỳ bí nhưng đầy nhân văn của nó.

Câu chuyện về tượng đá mẹ bồng con cảm động đã đi sâu vào tâm trí người dân Thanh Sơn; họ coi bức tượng đá này là vật thiêng liêng “thiên tạo” che chở cho dân làng, mọi người mạnh khỏe...

Bức tượng đá mẹ bồng con linh thiêng.
Bức tượng đá mẹ bồng con linh thiêng.

Theo cụ Lê Ngọc Kiệp (SN 1940), người trông coi ngôi chùa nơi có bức tượng, bức tượng đá có từ bao giờ cụ cũng không biết rõ, từ nhỏ cụ đã được nghe ông bà, cha mẹ kể cho nghe truyền thuyết về bức tượng.

Chuyện kể rằng, xưa có người phụ nữ mất chồng, gia đình nghèo khó nhưng vẫn tảo tần nuôi con ăn học, trưởng thành. Khi đến kỳ thi, người con đi thi, chỉ còn người phụ nữ ở nhà và luôn mong nhớ con. Một hôm bà đi kiếm củi, đến đầu núi ngồi nghỉ ngơi thì lả dần đi và chết.

Sau kỳ thi, người con đỗ tiến sĩ và trở về quê báo tin vui cho mẹ. Về đến làng thì nghe tin mẹ mất, được nghe người làng kể lại những nỗi vất vả người mẹ đã phải gánh trong suốt thời gian nuôi con khôn lớn và chờ đợi con. Chàng tiến sĩ quá thương mẹ, cũng khóc đến mức lả người đi rồi chết. Về sau, người dân phát hiện tại nơi hai mẹ con chết mọc lên một gò đá có hình mẹ bồng con.

Từ đó, người dân trong xã đã xây dựng một ngôi chùa bên cạnh bức tượng đá này gọi là chùa Mẹ Sỹ. Theo ông Kiệp, bức tượng mẹ bồng con vốn là điểm di tích “thiên tạo”, cái tên “Chùa Mẹ Sỹ” được người dân giải thích, tức người mẹ này có người con thi đậu tiến sĩ về báo hiếu và người dân địa phương có lòng hướng đạo nên cùng nhau xây dựng ngôi chùa này.

 Điểm di tích “thiên tạo” hình mẹ bồng con hướng về dân làng.
 Điểm di tích “thiên tạo” hình mẹ bồng con hướng về dân làng.

Trước kia người dân trong xã còn gọi chùa với cái tên khác là “chùa Mẹ Sẩy”. Theo cụ Kiệp, có nhiều dị bản khác nhau về truyền thuyết bức tượng, nhưng chủ yếu là do tiếng địa phương được người dân đọc lệch đi, từ mẹ Sỹ thành mẹ Sẩy. “Cứ ngày mùng một, rằm hay dịp Tết, nhiều người dân và cả người từ các nơi lên đây thắp hương và cầu bình an, cầu tài, cầu lộc…”, cụ Kiệp cho biết.

Theo cụ Kiệp thì bức tượng đá mẹ bồng con là “thiên tạo” và trải qua thời gian dài và bị người dân đập phá, giờ chỉ còn bức tượng nhân tạo. Cũng đã có nhiều câu chuyện được đồn thổi rằng nhiều người sau khi phá tượng đã bị bệnh tật mà chết. Cho rằng bức tượng “báo oán”, địa phương đã cùng gia đình ông Nguyễn Duy Hồng phục dựng lại ngôi chùa và tượng mẹ Sỹ, đến nay nơi đây đã trở thành một khu di tích.

Theo người dân địa phương, những người trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến việc phá chùa, phá tượng đều sẽ bị "trừng phạt". Những lời đồn thổi và những câu chuyện nhuốm màu hoang đường càng khiến bức tượng thêm linh thiêng.

“Giờ đây những đứa trẻ con hay người dân trong làng cũng không ai dám bứt một cành, lá đa nào. Khi đến mùa thi cử, nhiều cháu đã lên đây cầu đỗ đạt, thành danh lại mang lễ lên chùa trả lễ”, cụ Kiệp cho biết.

Giang Nguyễn