1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kỳ bí câu chuyện “hòn đá vía”

(Dân trí) - Mỗi người dân trong làng, trong bản, trước khi đi xa đều đến đây thắp hương rồi ra hòn đá để gửi vía. Họ tin như thế họ sẽ được bình an… Người dân nơi đây luôn quan niệm hòn đá đã giữ vía cho cả Mường.

Người có công thu hút cư dân trở về Mường Xia

Trong một lần đến xã Sơn Thủy - một trong những xã vùng biên của huyện miền núi Quan Sơn, Thanh Hóa - chúng tôi được nghe câu chuyện thú vị về người có công thu hút cư dân trở về Mường Xia, biến nơi đây thành vùng đất trù phú và sầm uất. Ở đó có câu chuyện về một hòn đá mà cả bản Mường ai cũng tôn thờ.

Cụ Vi Văn Oăn chia sẻ với phóng viên về những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Mường Xia xưa kia.
Cụ Vi Văn Oăn chia sẻ với phóng viên về những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Mường Xia xưa kia.

Theo sự giới thiệu của cán bộ xã Sơn Thủy, chúng tôi tìm đến nhà cụ Vi Văn Oăn, ở bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy, là một trong những người nhiều tuổi nhất của bản và nắm khác rõ về các phong tục tập quán, nét văn hóa đặc sắc của địa phương. Cụ Oăn năm nay đã 81 tuổi nhưng còn rất nhanh nhẹn, minh mẫn.

Cụ Oăn vui vẻ khi được kể về những nét đẹp văn hóa và phong tục của chính bản mường mình. Chúng tôi tò mò về chuyện “hòn đá vía”, bản thân cụ Oăn cũng chỉ biết hòn đá này có từ lâu đời, người dân bản không ai nhớ cụ thể vào lúc nào.

Tương truyền, ông Chu Sàn (tạo Mường) làm nhà ở khu vực sân Từ Mã (chính là khu vực sân mà ngày nay thường tổ chức lễ hội Mường Xia). Thời ấy giặc ngoại xâm chiếm đất ta, đánh xuống tận ngã tư Giắt (thuộc thị trấn Giắt, huyện Triệu Sơn ngày nay). Ngày trẻ, ở nhà, tạo Mường còn thanh niên vẫn đi chăn trâu. Thấy giặc chiếm đất, ông về xin với nhà vua đi đánh giặc, nhà vua đồng ý cấp thêm hai tướng lĩnh là Ót Đanh và Ót Dọ và cho thêm 3.000 quân.

Khi được nhà vua cấp quân, ông lãnh đạo nghĩa quân đánh giặc lùi vào đến tận suối Xia (bản Chung Sơn ngày nay) rồi đánh lên tận Lào, biên giới đến đâu đánh đến đó. Sau khi chia được đất, ông Tư Mã phân công người chấn ải các khu vực. Ót Dọ chấn ở Mường Chanh, Ót Đanh chấn ở Tén Tằn; còn ông Tư Mã trở về Mường Xia thành lập Chu Sàn.

Ông Tư Mã tiến hành làm nhà, hàng năm các nơi như: Châu Sàn, Châu Da, Châu Sang về nộp thuế. Có mường nộp tiền, mường nộp cá, mường nộp gừng, chuối… Mường Khiết (xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa ngày nay) chăn giữ chó săn, đi săn về nộp sản vật. Còn Mường Xia hàng ngày chăm sóc mương bai, nhà cửa cho Tạo Mường.

Đền thờ Tư Mã Hai Đào ở bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy.
Đền thờ Tư Mã Hai Đào ở bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy.

Ngày trước người dân thường gọi ông là Phò Mã, nhưng Nhà nước đặt lại cho ông là Tư Mã. Trước đây không có đền thờ, dân bản làm chòi nhỏ cúng tế, nhưng thời gian gần đây phát hiện gia phả và biết về lai lịch, công lao của ông nên đã xây dựng một ngôi đền khang trang để người dân hàng năm dâng hương tưởng nhớ công Tạo Mường.

Kỳ bí câu chuyện “hòn đá vía”

Tư mã Hai Đào chính là người có công thu hút cư dân trở lại, trả cho Mường Xia vẻ sầm uất hơn xưa. Chính vì thế, người dân Mường Xia coi ông như vị thần giữ vía cho cả Mường. Toàn bộ cư dân Mường Xia đều gửi vía vào một hòn đá gọi là “hòn đá vía”, tiếng Thái gọi là “Lặc mắn” để cầu mong ông giữ vía cho cả Mường.

Mỗi năm tổ chức lễ hội một lần là một lần "hòn đá vía" được đào lên tắm rửa sạch sẽ rồi sau đó bọc vải đỏ trân trọng rước về đền làm lễ; xong lễ hội, người ta lại rước "hòn đá vía" về nơi quy định để hòn đá. Xung quanh "hòn đá vía" được rào bằng cây xương rồng.

Hiện nay, "hòn đá vía" của Mường Xia vẫn còn nguyên tại vị trí cũ, ngay giữa bản Chung Sơn, gần sát nền móng ngôi nhà của Tư mã Hai Đào xưa kia.

Hòn đá vía theo quan niệm của người dân nơi đây nó giữ vía cho cả bản mường.
Hòn đá vía theo quan niệm của người dân nơi đây nó giữ vía cho cả bản mường.

Mỗi khi Mường Xia có con em đi bộ đội hoặc đi làm ăn xa, các gia đình đều mang một cái áo của người sắp lên đường đi xa lên đền thờ Tư mã Hai Đào thắp hương xin ông phù hộ cho con em chân cứng, đá mềm, giữ vía yên, vía lành, đi đến nơi về đến chốn, sau đó đến trước "hòn đá vía" của Mường xin được gửi vía.

Và như một điềm lạ, hay có thể nói như một lời nguyền thần bí hiệu nghiệm, tất cả những người xin được gửi và giữ vía tại đền thờ và tại "hòn đá vía" của Mường đều bình an nơi trận mạc, trở về nguyên vẹn.

Theo cụ Oăn thì từ thời chiến tranh chống giặc ngoại xâm, con em bản mường đi bộ đội nhiều nhưng rất ít người hi sinh. Với bà con trong vùng, thì "hòn đá vía" như linh hồn của cả bản mường, luôn đem lại may mắn, bình an cho cả mường.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm