1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Xẻ thịt” các trường ĐH, CĐ tại Hà Nội:

Kỳ 1: Trường CĐ Sư phạm “đối ngoại” mặt tiền

(Dân trí) - Nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy, trường CĐ Sư phạm Hà Nội như dần mất đi dáng vẻ sư phạm khi nằm kề con phố Dương Quảng Hàm vốn khá ồn ào từ khi mở đường mới. Tình trạng càng trầm trọng hơn khi trường này xây dựng 19 ki-ốt cho thuê ngay chính mặt tiền.

Trường sư phạm làm … kinh doanh

Sinh viên trường CĐ Sư phạm Hà Nội nói rằng, ở ký túc xá họ khó tìm được chút bình yên bởi khuôn viên nằm ngay mặt đường. Nghiêm trọng hơn là một dãy 19 ki-ốt nằm ngay trước mặt cũng làm cho “hàm lượng âm thanh” càng trở nên hỗn độn hơn.

LTS: Đất ở các vị trí đẹp đang bị nhiều trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) tại Hà Nội xây sân tenis, cho đại gia ngân hàng mở văn phòng giao dịch; các cửa hàng cà phê, cầm đồ…

 

Bắt đầu từ hôm nay, Dân trí khởi đăng loạt bài “Xẻ thịt các trường ĐH, CĐ tại Hà Nội”.

Ngày cặm cụi trên giảng đường, tối đưa sách vở về ký túc xá, nhưng ở bất kỳ đâu không gian yên tĩnh luôn là bài toán khó đối với sinh viên. Khó ở chỗ, các ki-ốt mà trường này cho thuê đang làm mất đi môi trường sư phạm cần có.

Nằm chắn ngang mặt trước khu ký túc xá là hàng loạt quán hàng cà phê, văn phòng phẩm, in ấn và cả hiệu cầm đồ hoạt động tấp nập. Tiếng nhạc vẫn véo von từ quán cà phê, những cuộc mặc cả giá vật cầm cố cũng diễn ra từ cửa hàng cầm đồ bên cạnh…

Trả lời Dân trí, Phó Hiệu trưởng trường CĐ Sư Phạm Hà Nội Hồ Thanh Hà cho biết, ngay dãy mặt trước của trường có tổng số 19 ki-ốt cho thuê. “Nhưng đó là do cán bộ trong trường nhận cả. Việc cho thuê mặt bằng để kinh doanh chỉ phục vụ nhà trường là chính”, bà Hà lý giải.

Kỳ 1: Trường CĐ Sư phạm “đối ngoại” mặt tiền - 1
  

Hiện trạng 19 ki-ốt tại trường CĐ Sư phạm Hà Nội.

Ngoài khu vực phố Dương Quảng Hàm, trường CĐ Sư phạm Hà Nội còn có cơ sở hai tại phố Vĩnh Phúc. “Ở đó cũng có 3 ki-ốt thuộc quyền quản lý nhà trường cho phép kinh doanh”, Hiệu phó Hà cho biết.

UBND phường cũng “xí phần” đất đẹp

Hiệu phó Hồ Thanh Hà khẳng định, quỹ đất của trường CĐ Sư Phạm Hà Nội hiện nay rất eo hẹp, không đủ bố trí cho các hoạt động của sinh viên, cán bộ, giảng viên nhà trường.

Tuy nhiên, bà Hà cũng có cách giải thích của riêng mình về 19 ki-ốt cho thuê, vì rằng diện tích mặt tiền trên đường Dương Quảng Hàm nằm trên chỉ giới đường đỏ, việc tiến hành xây mới các công trình khác là điều không thể. Do vậy, để tận dụng mặt bằng khỏi hoang phí, bắt đầu từ đầu năm 2007 trường đã cải tạo, xây dựng “chuỗi” ki-ốt nói trên.

Việc cho thuê chỉ được thực hiện với cán bộ trong trường, nhưng bà Hà cũng thừa nhận có những khoản “đối ngoại” cần thiết trên “khu đất vàng” mặt tiền đường Dương Quảng Hàm.

Theo lãnh đạo nhà trường, có những mối quan hệ tế nhị khi trường đóng trên địa bàn của từng địa phương. Và như vậy, mối quan hệ đó đã biến một diện tích đất “vàng” thuộc quyền kinh doanh của ngay chính quyền sở tại.

Chỉ có 17 ki-ốt cho thuê, còn 2 ki-ốt còn lại trường “đối ngoại” với UBND phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy). Theo đó, hai ki-ốt này đã được phường Quan Hoa tiếp quản, cho người của phường xuống mở cửa hàng ngày, kinh doanh giải khát và một số mặt hàng khác.

Trong thời kỳ “tấc đất tấc vàng”, những ki-ốt bám mặt tiền đường Dương Quảng Hàm của trường CĐ Sư phạm Hà Nội vẫn được cho thuê với giá “hữu nghị”. Chủ “sở hữu” tạm thời của các quán cà phê, cầm đồ mỗi tháng chỉ phải trả 2 triệu đồng cho nhà trường.

“Tất nhiên kinh phí đó phục vụ cho hoạt động của trường”, bà Hà cho biết.

Trần Hưng