KTS trưởng không thể bị “bác” bởi Phó Chủ tịch tỉnh!
(Dân trí) - Phó Chủ tịch hội Kiến trúc sư Tô Thị Toàn đề nghị, Kiến trúc sư trưởng (KTST) nên có vai trò quyết định và chịu trách nhiệm trong quy hoạch đô thị, nếu những gì KTST trình mà cấp Phó chủ tịch tỉnh được quyền “bác” thì nên dẹp khái niệm Kiến trúc sư trưởng.
Ý kiến trên của bà Tô Thị Toàn được đưa ra tại cuộc toạ đàm về một số luật sẽ trình Quốc hội tại kì họp tới đây, do Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học của Quốc hội tổ chức cuối tuần vừa qua.
Khó lấy sâu hơn diện tích mở đường
Uỷ viên Thường trực UB Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, luật Qui hoạch đô thị dự kiến sẽ có một điều về xử lí những phần diện tích không đủ điều kiện xây dựng (nhỏ, méo mó) sau khi mở đường. Theo đó, người được quyền sở hữu diện tích đất này có thể bán lại cho nhà nước hoặc bán cho người có mảnh đất ở phía bên trong mảnh đất đó. Tuy nhiên, sẽ có một vấn đề sẽ phải tính tới, đó là trường hợp người có quyền sở hữu mảnh đất đó cố tình ép giá hoặc người bên trong và người bên ngoài cùng níu kéo nhau, không vì lợi ích chung…
Trả lời câu hỏi về việc tại sao không đưa vào luật qui định khi mở đường lấy đất sâu hơn so với đường 50m, giúp cho việc qui hoạch hai bên đường qui củ hơn, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, đây là vấn đề rất khó. Theo đó, phải căn cứ vào việc luật qui định vấn đề này như thế nào cũng như việc người dân có chấp nhận hay không? Theo ông Kiên, thực tế các đại biểu Quốc hội nhận được không ít đơn của người dân về việc đất của họ bị lấy để làm việc khác.
Chưa hết, phần diện tích lấy thêm đó có được đền bù ngang bằng với giá đền bù diện tích lấy để làm đường hay không cũng là vấn đề không đơn giản. Bởi lẽ, một bên được lấy vì mục đích công cộng, do nhà nước thực hiện, một bên lại lấy để sản xuất kinh doanh, do doanh nghiệp làm…
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, vấn đề đền bù khi lấy chỗ ở của người dân cũng có những khía cạnh được đặt ra. Chẳng hạn, có những trường hợp, người dân cho rằng, một căn hộ chung cư rộng cũng không bằng chỗ ở cũ, với diện tích đất nhỏ của mình vì từ diện tích đất đó có thể “chồng” lên được nhiều tầng…
Tuy nhiên, theo ông Kiên nếu đền bù chỗ ở với giá cao có nghĩa là 84 triệu người sẽ phải “gánh” cho người được đền bù. Do vậy, việc cùng chia sẻ, đảm bảo lợi ích của người dân và của cộng đồng vẫn là mấu chốt của vấn đề.
Cần một người cầm trịch để tránh loạn nhịp
KTS Tô Thị Toàn, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội hi vọng, luật Qui hoạch đô thị ra đời sẽ tác động tích cực đến vị trí, vai trò của người làm kiến trúc, qui hoạch. Bà Toàn tâm sự, bà và đồng nghiệp đã có rất nhiều câu chuyện về việc, công trình do mình thiết kế, nhưng khi làm xong, tác giả không còn nhận ra “con đẻ” của mình. “Thiết kế một đường, làm ra một nẻo là nỗi buồn không của riêng ai”, bà Toàn đúc kết.
Với luật Qui hoạch đô thị, bà Toàn hi vọng vấn đề trên sẽ được cải thiện, tránh những can thiệp thô bạo của người làm quản lí.
Bà Toàn cũng nhấn mạnh đến việc cần thiết phải có Kiến trúc sư trưởng để đề xuất và quản lí qui hoạch. Thực tế, tại các tỉnh, các sở (Xây dựng, Giao thông, Điện lực…) có những chức năng riêng khiến cho việc phân cấp qui hoạch rất phức tạp. KTS trưởng sẽ như một nhạc trưởng, kết nối các cây đàn, không để loạn nhịp là ví von của bà Toàn.
Về vị trí của KTS trưởng, bà Toàn cho rằng, nếu chỉ là người tư vấn sẽ không mang lại ý nghĩa gì. Thậm chí, nếu những gì KTS trưởng trình lên mà Phó Chủ tịch UBND TP được quyền “bác” theo bà Toàn nên “dẹp” khái niệm KTS trưởng.
KTS trưởng có thể đảm nhiệm luôn vai trò Chủ tịch Hội đồng kiến trúc - qui hoạch. Dù việc trình các đồ án qui hoạch có vai trò của các sở ngành trong hội đồng, KTS trưởng vẫn có vai trò quyết định và chịu trách nhiệm…
Hiện nay nước ta có 743 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), 3 đô thị loại I, 14 đô thị loại II, 36 đô thị loại III, 41 đô thị loại IV, 647 đô thị loại V. Tỉ lệ đô thị hoá đạt gần 30%. |
Cấn Cường