Kinh hoàng cơn đại hồng thuỷ lớn nhất trong vòng trăm năm qua

(Dân trí) - “Không một âm thanh nào, chỉ nghe lạnh sống lưng mới giật mình biết nước đã vào nhà. Chỉ còn kịp kéo vợ mà chạy. Chạy như chạy loạn. May mà có ngọn cây bạch đàn để bám mới thoát thân chứ chậm một khắc đồng hồ chắc hồn bây giờ của hà bá rồi”.

Ông Cao Xuân Sánh, 65 tuổi, ở thôn Cổ Liêm, xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá (Quảng Bình) thảng thốt kể lại cuộc chạy lũ giữa đêm đen của ông và bà vợ Cao Thị Sánh vào hôm 3/10 vừa rồi.

 

Còn với ông Trần Công Thuật - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, sau khi dẫn đầu đoàn cán bộ của tỉnh Quảng Bình và của huyện Minh Hoá đi cứu trợ, nghe người dân nói, chứng kiến hàng trăm mảnh đời trong cảnh màn trời, chiếu đất, đã lắc đầu ngậm ngùi thốt lên rằng: “Khủng khiếp, kinh hoàng quá. Chớp mắt trời cướp hết rồi.. Gần 100 năm qua, người dân ở huyện miền núi khó khăn này chưa thấy trận trận đại hồng thuỷ nào khủng khiếp đến vậy!”.

 

Thôn Cổ Liêm, bây giờ như là biển hồ, thỉnh thoảng mới thấy xuất hiện một chóp nhà, hoặc thảng một vài đọt ngọn cây nhú lên khỏi mặt nước, trở thành nơi trú ngụ của một ít chim cò lạc tổ.

 

Đoàn thuyền cứu trợ do ông Trần Công Thuật dẫn đầu vẫn nhẫn nại chạy tìm kiếm nơi chạy trú lũ của người dân. Đi trong hồ nước ấy chỉ còn có thể biết nơi đây hôm qua là khu dân cư bởi một đoạn cần ăng ten bắt sóng ti vi trồi lên hay một vài vật dụng như thùng, nồi, dép dày, chai lọ lềnh bềnh trên mặt nước.

 

Cuối cùng, đoàn cứu trợ cũng tìm được đích cần đến đó là Đồi Cây Ngá - trảng đất hẹp nhô cao liền kề với một chóp đỉnh núi đá vôi. Tại đây 4 ngày qua, gần 300 con người, già có, trẻ có, chen chúc tìm đường sống. Một bãi đất nhầy nhụa nhưng bất chợt trở thành điểm trú chân kịp thời cho những con người hoạn nạn. “Thật đúng là trời không triệt đường sống của ai bao giờ” - một người dân chua chát tâm sự như với chúng tôi như vậy khi nói về trảng đất hoang Đồi Cây Ngá này.

 

Bà Cao Thị Phú, đã gần 60 tuổi đời, phải lắc đầu đến hai ba lần mới thốt lên được thành lời để nói về chuyện chạy lũ thoát thân mà trước đó và chắc đến sau này bà không bao giờ muốn gặp lại. Bà kể, người mạnh chạy lũ được sớm thì đi trên đất bằng, còn người yếu, chạy chậm thì bám theo các thân cây như con kiến leo cành đa để cuối cùng dù có đuối cũng phải đến được. Vội quá thoát thân và hoảng hốt cúi đầu chạy nên chẳng ai mang theo được gì cả, tất cả lương thực, thực phẩm, vật dụng bây giờ nằm dưới nước kia.

 

“Tất cả đều trắng tay trong cảnh dâu bể một giờ nên đúng là ông trời cướp hết đời của chúng tôi”, bà Phú như thốt lên trong vô định. Ba ngày rồi không một hạt cơm nào vào bụng nên khi cầm được những gói mì tôm cứu trợ bà chỉ biết khóc.

 

Trước đó, đói quá, một số thanh niên trai tráng chạy lũ đến đây đánh liều bơi về nơi ở để ngụp lặn vào trong những căn nhà ngập hòng tìm gạo nhưng rất khó khăn bởi nước sâu, chảy xiết nên may mắn lắm họ mới kiếm được chút ít. Số gạo này không đủ nấu cháo cầm hơi cho người già và con trẻ nên ai cũng rất lo lắng. Trong số những người về nhà tìm tài sản đã có hai vợ chồng đã bị nước lũ cuốn trôi, đến giờ vẫn chưa có tin tức.

 

Một số người dân ở đây đã bắt đầu chống đói bằng việc tìm vớt gia cầm, gia súc chết lũ để làm thịt. Một ít củi ướt cũng được bà con gom nhặt vội vã để nhóm lên thành bếp đầy khói nướng số thịt ít ỏi này chia nhau trong lúc khó khăn. Cảnh thường bắt gặp ở đây là 5 hay 10 người dân chia nhau một gói mì ăn liền; 15 hay 20 người chia nhau từng thìa cơm nhỏ trong chiếc nồi con con.

 

Tại Đồi Cây Ngá này, một số người dân cũng đã tìm các cành cây, lá cọ để dựng nên những túp lều chữ A nằm lè tè trên mặt đất cho người già và con trẻ tạm trú trong thời khắc gió mưa. Để tạm yên tâm vậy thôi chứ ai cũng biết trong thời tiết mưa gió và khí lạnh ở vùng núi đá vôi, những mái lều này không đủ mang lại hơi ấm cần thiết cho người dân, đặc biệt là lũ trẻ đang lúc thiếu áo và đói ăn. Tất cả đều ngồi, nằm ủ rũ trên nền đất bằng ẩm ướt chỉ được trải lên sơ sài một ít lá.

 

Tại đây cũng không có nguồn nước sạch nào nên bà con đang phải dùng nước lũ để sinh hoạt nên vấn đề vệ sinh, phòng dịch không đảm bảo, dễ làm nảy sinh các dịch bệnh hay gặp trong mùa mưa lũ.

 

Trận “đại hồng thuỷ” kinh hoàng ở huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình bắt đầu từ 7 giờ, ngày 2/10 với những trận mưa to và rất to. Có thời điểm lượng mưa đo được tại đây vượt trên 1.200 mm, ấn mức cao nhất từ trước đến nay. Tuyến Quốc lộ 12A, đường Hồ Chí Minh, đường liên thôn, liên xã đều chìm trong biển nước.

 

Hiện nay, tại huyện Minh Hoá đã hết mưa, nước có xuống nhưng đang còn rất chậm nên việc chia cắt vẫn chưa có cải thiện đáng kể nào. Giao thông hiện tại khả dĩ nhất vẫn chỉ là đường thuỷ bằng thuyền. Tuy nhiên, số thuyền tại huyện này rất hiếm bởi đơn giản đây vùng miền núi, ít sông, hồ mà chỉ đa phần là suối nhỏ.

 

Tính đến ngày hôm nay 7/10, sự cố mất điện, sập mạng internet, điện thoại có dây đã được khắc phục ở huyện Minh Hoá nhưng vẫn trên diện hẹp. Vì vậy, có thể nói cùng với sự cô lập về giao thông đi lại, thông tin liên lạc ở đây vẫn trong tình trạng cô lập với bên ngoài trên diện rộng.

 

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Minh Hoá, ông Đinh Minh Chất cho biết, trong những ngày qua, cả hệ thống chính trị ở đây đã vào cuộc cùng dân, giúp dân chống lũ lụt nhưng rõ ràng chưa thể giải quyết được thực tại khó khăn này. Trên địa bàn huyện Minh Hoá cả 16/16 huyện, thị trấn, với gần 4.000 ngôi nhà đều trong tình trạng ngập lụt, giao thông chia cắt nên chỉ việc tìm nối thông tin không thôi giữa người chạy lũ với người cứu trợ là vô cùng khó khăn.

 

Trong đó, đáng chú ý hai xã Tân Hoá và Minh Hoá được đánh giá là nghiêm trọng nhất với 100% ngôi nhà của gần 1.000 hộ dân bị chìm trong nước lũ. Tại huyện Minh Hoá, số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến thời điểm này số hộ yêu cầu di dời tập trung lên đến trên 1.600 hộ, với trên hàng ngàn khẩu và cũng ngần ấy cần sự hỗ trợ khẩn cấp.

 

Trước tình cảnh khó khăn, để giải quyết các yếu tố phức tạp trong việc tiếp cận được với người dân, chiều 6/10, ông Trần Công Thuật chỉ đạo huyện Minh Hoá tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc trong việc phòng chống lũ lụt; việc tìm kiếm, cứu trợ trên tinh thần đảng viên, cán bộ, đoàn viên, thanh niên phải gương mẫu đi trước. Đồng thời, khắc phục việc thiếu nhân lực, vật lực như hiện nay, ông Thuật đề nghị huyện Minh Hoá cần năng động hơn trong việc động viên, khuyến khích để tất cả người dân tại địa phương có điều kiện cùng chung tay nhiệt tình giúp đỡ, cứu trợ người dân vùng lũ vượt qua khó khăn này. Theo ông Thuật, việc cứu trợ phải được đẩy nhanh và mạnh hơn nữa để đảm bảo cho người dân vùng ngập lụt huyện Minh Hoá không bị đói trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

 

Mạnh Thành - Duy Hưng
TTXVN