Kiện toàn đội ngũ công chức lãnh đạo các cơ quan thi hành án dân sự

Năm 2017, Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm tạo nguồn cán bộ ổn định, bền vững. Học viện Tư pháp đã tập trung ban hành các chương trình đào tạo khung mới đối với Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án đáp ứng tốt hơn yêu cầu về kỹ năng thi hành án dân sự cho đội ngũ công chức thi hành án giai đoạn tới.

Tổng cục Thi hành án dân sự vừa tổ chức Hội nghị triển khai một số văn bản pháp luật liên quan đến công tác thi hành án dân sự bằng hình thức trực tuyến đa phương tiện tại 63 điểm cầu địa phương của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng cục Thi hành án dân sự vừa tổ chức Hội nghị triển khai một số văn bản pháp luật liên quan đến công tác thi hành án dân sự bằng hình thức trực tuyến đa phương tiện tại 63 điểm cầu địa phương của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Báo cáo 351/BC-CP của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2017 (tính từ ngày 1/10/2016 đến 31/7/2017), đến ngày 31/7/2017 toàn quốc có 3.915 Chấp hành viên, 695 Thẩm tra viên và 1.832 Thư ký thi hành án. Đến nay đã hoàn thành kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp, hiện đang tập trung tổ chức đợt tuyển dụng công chức và kỳ thi nâng ngạch Chấp hành viên cao cấp, Chấp hành viên trung cấp, Thẩm tra viên cao cấp, Thẩm tra viên chính.

Bộ Tư pháp tiếp tục chủ trì, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung kiện toàn đội ngũ công chức lãnh đạo các cơ quan thi hành án dân sự. Đến nay, đã kiện toàn, bổ nhiệm 61/63 Cục trưởng, 1 Quyền Cục trưởng, 1 Phó Cục trưởng phụ trách và 140 Phó Cục trưởng. Tại cấp huyện có 651/710 Chi cục trưởng, 23 Quyền Chi cục trưởng, 36 Phó Chi cục trưởng phụ trách và 1.064 Phó Chi cục trưởng.

Năm 2017, Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm tạo nguồn cán bộ ổn định, bền vững. Học viện Tư pháp đã tập trung ban hành các chương trình đào tạo khung mới đối với Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án đáp ứng tốt hơn yêu cầu về kỹ năng thi hành án dân sự cho đội ngũ công chức thi hành án giai đoạn tới.

Tại Bộ Quốc phòng, các cơ quan thi hành án đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức danh Thủ trưởng và Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án đối với 4 trường hợp. Hiện nay, các cơ quan thi hành án trong Quân đội có 18 Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu; 31 Chấp hành viên, 25 Thẩm tra viên.

Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, công tác quản lý tài chính ngân sách tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định và ngày càng đạt hiệu quả. Chế độ thu, chi, lập chứng từ, cập nhật sổ sách được thực hiện thường xuyên, chính xác, đáp ứng đầy đủ, kịp thời việc báo cáo quyết toán.

Trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản, năm 2017, tổng số vốn đầu tư xây dựng cấp cho khối các cơ quan thi hành án dân sự địa phương là 102,781 tỷ đồng, giảm trên 233 tỷ đồng so với năm 2016. Trong đó, 92,8 tỷ đồng cấp cho 44 dự án xây dựng trụ sở làm việc và gần 10 tỷ đồng cấp cho 11 dự án xây dựng kho vật chứng. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư Chính phủ giao bị giảm mạnh nên năm 2017, Bộ Tư pháp không được mở mới dự án mà chỉ tập trung vốn cho các dự án đã hoàn thành và cho các dự án thi công dở dang. Đến nay đã giải ngân trên 55,4 tỷ đồng/102,781 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch vốn được giao. Dự kiến 15 dự án sẽ hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng trong năm 2017.

Như vậy đã có 63 Cục và 675 Chi cục được đầu tư xây dựng trụ sở làm việc; 60 Cục và 201 Chi cục được đầu tư xây dựng kho vật chứng.

Trên cơ sở Kế hoạch đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các cơ quan thi hành án dân sự giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Tư pháp đã cấp 120 tỷ để tiến hành triển khai mua sắm theo kế hoạch đối với các trang thiết bị, phương tiện làm việc như xe ô tô, máy tính, máy in, máy photocoppy.

Năm 2017, Bộ Quốc phòng cũng đã quan tâm thực hiện quản lý, sử dụng các chỉ tiêu ngân sách được giao chặt chẽ, đúng nội dung, mục đích, đáp ứng kịp thời cho hoạt động chuyên môn; phối hợp với các cơ quan chức năng bảo đảm trang bị cơ sở vật chất, phương tiện làm việc; củng cố, nâng cấp trụ sở cho Cục Thi hành án và một số Phòng thi hành án cấp quân khu; đồng thời, thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu, sử dụng ngân sách, tài sản công.

Ngoài ra, để tiếp tục phát triển hệ thống truyền hình trực tuyến đa phương tiện nhằm nâng cao hiệu quả và tính kịp thời của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từ Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đến 63 Cục Thi hành án dân sự địa phương, năm 2017 Bộ Tư pháp tiếp tục ưu tiên đầu tư mua sắm trang thiết bị trực tuyến đa phương tiện, phấn đấu đến năm 2018 có thể tổ chức giao ban, hội nghị trực tuyến đến cấp Chi cục trên toàn quốc.

Để hiện đại hóa hoạt động quản lý công tác, Bộ Tư pháp đang tích cực xây dựng để triển khai trong toàn quốc phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự.

Kết quả thành lập và xây dựng đội ngũ Thừa phát lại

Năm 2017, có 21 địa phương đề xuất được phép thực hiện chế định Thừa phát lại trên địa bàn, trong đó có 5 địa phương đã thực hiện thí điểm trước đây (TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng) đề nghị tiếp tục phát triển thêm số lượng Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn. Đến nay, tại 13 tỉnh, thành phố thực hiện chế định Thừa phát lại có 52 Văn phòng Thừa phát lại (giảm 1 văn phòng so với cùng kỳ năm 2016).

Văn phòng Thừa phát lại quận Thủ Đức, TPHCM.
Văn phòng Thừa phát lại quận Thủ Đức, TPHCM.

Trên cơ sở ý kiến thống nhất với TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Tư pháp đang thẩm định Đề án thực hiện chế định Thừa phát lại của các địa phương, dự kiến đến cuối năm thì số lượng Văn phòng Thừa phát lại sẽ tăng gấp 2 lần so với hiện nay.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã bổ nhiệm 449 Thừa phát lại (tăng 114 người so với cùng kỳ năm trước), hành nghề tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tổ chức 2 khóa đào tạo nghề Thừa phát lại tại khu vực phía Bắc và phía Nam cho hơn 100 học viên theo Chương trình mới nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ phát triển nghề Thừa phát lại.

Như vậy, tính từ ngày 1/10/2016 đến ngày 31/7/2017, các Văn phòng Thừa phát lại đã tống đạt 567.714 văn bản của tòa án và cơ quan thi hành án dân sự, lập gần 57.000 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 23 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 73 vụ việc, tổng doanh thu đạt gần 97 tỷ đồng.

Thế Kha