1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Kiên quyết phản đối thủy điện Đồng Nai 6, 6A

(Dân trí) - Ngày 16/12, các nhà khoa học thuộc Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) đã dành toàn bộ thời gian trong buổi hội nghị thường niên để báo cáo các tham luận phản đối việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 6, 6A.

Rừng sẽ mất nhiều hơn con số trong báo cáo

Năm nay, hội nghị thường niên của VRN tổ chức tại TPHCM lấy chủ đề “Lưu vực sông Đồng Nai - Tác động của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A”, một vấn đề mà tổ chức này đã theo đuổi và liên tục lên tiếng trên công luận suốt 2 năm qua.

Kiên quyết phản đối thủy điện Đồng Nai 6, 6A
Các nhà khoa học thuộc VRN khảo sát thực địa tại khu vực dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

TS Lê Anh Tuấn, chuyên gia biến đổi khí hậu và tài nguyên nước, nhận định sự phát triển thủy điện tại nước ta quá nhanh. Việc có quá nhiều thủy điện sẽ biến hệ thống sông ngòi bị chia cắt thành các hồ chứa nhân tạo. Do đó, các yếu tố liên quan đến đặc điểm thủy văn của hệ thống sông ngòi, sự biến động theo mùa và dự trữ nước theo quy luật của dòng sông bị phá vỡ.

Nói riêng về dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, ông Đào Trọng Tứ, chuyên gia thủy lợi, thủy điện cho rằng: “Chỉ tính riêng trên lưu vực sông Đồng Nai đã có hệ thống thủy điện dày đặc, khiến các dòng sông bị tan vỡ. Nếu thực hiện thêm 2 dự án thủy điện 6 và 6A tại đây thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực”.

Các nhà khoa học thuộc VRN nghi ngại về diện tích rừng thực tế bị mất khi triển khai dự án sẽ cao hơn trong báo cáo mà chủ đầu tư đưa ra. Theo báo cáo thì dự án Đồng Nai 6A sẽ làm mất hơn 174 ha rừng, còn Đồng Nai 6 mất gần 198 ha.

TS Lê Tự Trình, chuyên gia về môi trường, lấy ví dụ thủy điện hồ Trị An theo quy hoạch phạm vi ảnh hưởng chỉ 210km2, nhưng đến nay đã có hàng ngàn km2 bị phá vỡ. Do đó, ông cho rằng: “Nếu thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thực hiện thì không phải 300ha bị ảnh hưởng như báo cáo mà con số này sẽ lớn hơn rất nhiều”.

Kiên quyết phản đối thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

Theo TS Lê Anh Tuấn, khi chúng ta cố triển khai các dự án thủy điện nhỏ thì “cái được không bằng cái mất” vì việc xây dựng thủy điện ngoài việc mất rừng, mất sinh kế người dân, còn mất nhiều khoản tài trợ khác từ chính phủ các nước; mà lợi nhuận từ các thủy điện mang lại chưa chắc đã bằng các khoản tài trợ đó.

Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai đề nghị: “Cần phải có một đơn vị thẩm định độc lập, dựa vào một nguồn kinh phí riêng để có một cái nhìn khách quan hơn về tác động của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đến môi trường cũng như hàng triệu người dân trong khu vực sông Đồng Nai”.

Ông Mùi nói thêm: “Từ trước đến giờ chúng ta vẫn hay làm theo cách cũ đó là các đơn vị thẩm định luôn dựa vào nguồn kinh phí của chủ đầu tư để hoạt động. Như vậy ít nhiều cũng cón chút thiên vị cho chủ đầu tư, đây là một điều mà các chuyên gia đang lo ngại”.

Còn ông Nguyễn Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thể hiện quyết tâm của chính quyền tỉnh Đồng Nai: “Đồng Nai kiên quyết phản đối thủy điện Đồng Nai 6 và 6A xây dựng giữa rừng quốc gia. Vì không thể không nghĩ đến hàng triệu cư dân hạ du, trong đó có người dân của tỉnh”.

Ông Đào Trọng Tứ cho rằng: “Việc xây dựng thủy đện Đồng Nai 6 và 6A nếu đem lại lại ích to lớn nhưng không có thiệt hại gì nghiêm trọng tại sao người dân lại phản ứng đến vậy. Đây là một điều mà khuất tất mà các đơn vị thẩm định, phê duyệt cần làm rõ”.

Tùng Nguyên - Thảo Trần