Kiến nghị tăng xử phạt chủ nuôi để chó chạy rông cắn người
(Dân trí) - Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long kiến nghị phải có biện pháp xử lý mạnh, quyết liệt hơn đối với chủ nuôi chó thả rông để chó cắn người.
Sáng 29/9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ tháng 9/2023.
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, 9 tháng đầu năm cả nước phát hiện hơn 270 con chó, mèo mắc bệnh dại, tăng gấp đôi so với năm 2022; 64 người chết do bệnh dại, tăng 18% so với năm 2022.
Trong đó, tỉnh Gia Lai có 11 người chết do bệnh dại, nhiều nhất cả nước.
Theo ông Long, tỷ lệ tiêm phòng dại của đàn chó trên cả nước chỉ đạt hơn 46%. Trong đó, Gia Lai là tỉnh có tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó thấp nhất cả nước.
Cả nước chỉ có 12 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo theo quy định.
Cục trưởng Cục Thú y nêu, có nhiều nguyên nhân khiến việc tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo chưa đạt.
Trong đó, nguyên nhân chính là do nhận thức của các cấp chính quyền trong việc phòng, chống bệnh dại chưa được nâng cao dẫn đến việc không quản lý được đàn chó.
Hiện nay lực lượng thú y rất mỏng nên việc tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo phải có sự vào cuộc của nhiều đơn vị.
Để khắc phục dịch bệnh dại thì việc quan trọng nhất là phải quản lý được đàn chó trên cả nước.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cần nghiên cứu vắc xin phòng bệnh dại theo cách cho ăn sẽ thuận tiện hơn, thay vì phải tiêm phòng như hiện nay.
Ông Long cũng đưa ra kiến nghị cần sửa đổi nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chăn nuôi cũng như thú y.
Cụ thể, trường hợp nuôi chó thả rông để chó cắn người, cắn chết người phải có biện pháp xử lý mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Với quy định hiện nay, người nuôi chó để chó cắn người chỉ bị xử phạt hành chính sẽ không đủ sức răn đe.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, tính chung 9 tháng đầu năm 2023, do giá trị xuất khẩu của một số mặt hàng xuất khẩu chính giảm sâu, nên tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 38,48 tỉ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, nhóm thủy sản đạt 6,64 tỷ USD, giảm 21,7%; lâm sản đạt 10,44 tỷ USD, giảm 20,6%; đầu vào sản xuất đạt 1,49 tỷ USD, giảm 20,2%.
Về thị trường, Bộ NN&PTNT cho biết giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt gần 19 tỷ USD, tăng 4,9%; châu Mỹ đạt gần 9 tỷ USD, giảm hơn 22%; châu Âu đạt hơn 4 tỷ USD, giảm hơn 11%; châu Phi đạt hơn 800 triệu USD, tăng gần 19%; châu Đại Dương đạt 570 triệu USD, giảm gần 19%.
Năm 2023, ngành NN&PTNT phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt từ 3 đến 3,5%; trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 53-54 tỷ USD.
Để hoàn thành các mục tiêu xuất khẩu, từ nay đến cuối năm 2023, ngành NN&PTNT sẽ phải theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp.
Với chăn nuôi, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm; tăng cường chỉ đạo nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, VietGAP, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, kinh tế tuần hoàn,... trên các vật nuôi.