Kiểm tra “danh sách đen” do Tổng hội xây dựng đưa ra

(Dân trí) - Ngày 6/9, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu các ban ngành chức năng kiểm tra để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về những công trình có tên trong <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/8/136611.vip"> "danh sách đen"</a> của Tổng hội xây dựng. Kết quả phải báo cáo Thủ tướng trong tháng 10/2006.

Bi hài những công trình bạc tỉ

Bản danh sách “đen” do Tổng hội Xây dựng Việt Nam đưa ra gồm 43 dự án có lãng phí, thất thoát được tập hợp từ những bài báo phát hành năm 2005 và nửa đầu 2006. Đây là những dự án được đầu tư hàng chục, hàng trăm tỉ đồng nhưng không mang lại hiệu quả, gây lãng phí lớn.

Một vài ví dụ được đưa ra như dự án nhà máy chế biến cà chua do Công ty XNK rau quả Hải Phòng làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 51,7 tỷ đồng, công suất 200 tấn/ngày, xây dựng từ năm 2001 nhưng hàng năm nhà máy chỉ thu mua được… 1.000 tấn cà chua, đủ cho nhà máy hoạt động… 5 đến 6 ngày. Mỗi năm, nhà máy phải “đắp chiếu”… 300 ngày.

Hải Phòng còn được nhắc đến với khu nhà ở Cựu Viên, đầu tư trên 155 tỷ đồng đã hơn 5 năm, khu đô thị mới ngã năm sân bay Cát Bi đầu tư trên 100 tỷ đồng từ năm 1997 mà hiện chỉ là… bãi đất.

Hà Nội có công viên Yên Sở, đầu tư 188 tỷ đồng nhưng  do nước hồ Yên Sở ô nhiễm nên chẳng có “ma” nào vào.

Thành phố Ðà Nẵng cũng “vinh dự” có tên trong danh sách bởi đã bỏ ra 65 tỷ đồng để xây dựng công viên nước quy mô 10ha. Sau 3 năm từ khi đưa vào sử dụng công viên này rất vắng khách, công trình đang xuống cấp. Thậm chí có thiết bị trị giá hơn 8 tỉ đồng nhập ngoại về mà không thể lắp đặt vì… hết tiền.

Cảng Vũng Rô là ví dụ điển hình của những công trình “khởi” nhưng không “động”. Mười năm thi công chưa xong, vốn đầu tư được điều chỉnh đến 3 lần, từ 12,1 tỷ đồng lên đến 108,8 tỷ đồng.

Tham nhũng đất công

Một nội dung lớn khác được Tổng hội xây dựng Việt Nam  đề cập đến, đó là  những vi phạm trong lĩnh vực đất đai ở các địa phương. Có 30 dự án có sai phạm trong sử dụng đất. Điển hình của những vụ lấn chiếm, tham nhũng đất công là đều rơi vào những cán bộ có chức quyền ở địa phương.

Trong nội dung này, Hải Phòng tiếp tục được nhắc đến với dự án xây dựng nhà ở tại phường Dư Hàng Kênh, An Hải, Hải Phòng. Trong khi dân chỉ được giao 168 suất đất để xây nhà ở thì “các quan” được cấp tới… 680 suất.

Hà Nội cũng  có dự án bị “điểm mặt”. Ðó là dự án xây dựng “Thành phố Giao lưu” với tổng mức đầu tư 500 triệu USD, diện tích 1 triệu m2 nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm, của công ty cổ phần VIGEBA (gồm tổng công VIC, Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam, Công ty TNHH xuất nhập khẩu tổng hợp). Sau 3 năm được giao đất, dự án vẫn nằm trên giấy, đất vẫn bỏ hoang.

Theo Tổng hội Xây dựng Việt Nam, tình trạng thất thoát trong các công trình xây dựng hiện nay không chỉ là những hành vi rút ruột, ăn bớt, khai khống mà xuất hiện ngay từ khâu đầu tiên của một đời dự án là lập dự án đầu tư, khảo sát, thiết kế. Ngay cả công đoạn thẩm định dự án cũng chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến nhiều quyết định đầu tư sai lầm, kém hiệu quả gây nên tình trạng thất thoát và lãng phí trong xây dựng cơ bản.

 

Đức Hòa