1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kiểm định lại công trình dạng tháp cao 100m trở lên

(Dân trí) - Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) vừa cho biết cơ quan chuyên môn đang tiến hành kiểm tra, đánh giá lại nguyên nhân gây đổ tháp ăngten phát sóng tại Đồng Hới - Quảng Bình trong cơn bão số 10 vừa qua làm 2 người chết.

Theo ước tính của Bộ Xây dựng, số lượng các công trình kết cấu dạng tháp của cả nước có thể tính lên hàng trăm. Hầu hết các công trình đều có độ cao trên dưới 100 m và nằm trong khu vực dân cư, nguy cơ nguy hiểm nếu chất lượng không đảm bảo.

Những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có 4-5 công trình kết cấu dạng tháp cao trên 100m. Với công trình kết cấu dạng tháp, tháng 10 năm ngoái đã xảy ra sự cố đổ tháp truyền hình Nam Định. Tư vấn tham tra cũng đã công bố kết quả tính toán cho thấy tháp Nam Định đã được thiết kế, lắp dựng không đạt chuẩn, thiết kế tải trọng gió thấp hơn so với tải trọng gió tự nhiên.

Trong cơn bão số 10 vừa qua, sức gió mạnh đã làm đổ tháp ăngten phát sóng tại Đồng Hới - Quảng Bình làm 2 người chết. Ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cũng cho biết, hiện nay, cơ quan chuyên môn đang tiến hành kiểm tra, đánh giá lại nguyên nhân gây đổ tháp ăngten phát sóng tại Đồng Hới. Kết quả như thế nào sẽ được công bố, nhưng rõ ràng có vấn đề thì mới đổ.
 
Cột thu phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam tại Đồng Hới bị đổ do bão. (Ảnh: TTXVN)
Cột thu phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam tại Đồng Hới bị đổ do bão. (Ảnh: TTXVN)

“Các công trình kết cấu dạng tháp nếu xảy ra sự cố đổ, sập có thể là không thiết đúng với tải trọng gió tự nhiên, thứ hai là thi công không đáp ứng yêu cầu thiết kế hoặc trong quá trình vận hành lại đặt thêm tải trọng hoặc cũng có thể công trình không được bảo hành, bảo trì thường xuyên, không siết lại bulong cho chặt, dẫn đến xộc xệch cũng có thể ảnh hưởng an toàn của công trình...” – ông Hùng nói.

Theo các chuyên gia nhận định, công trình kết cấu dạng tháp ở Việt Nam có hai dạng, một là được mua từ nước ngoài về lắp ráp, hai là gia công, lắp đặt trong nước. Có một số công ty trong nước chuyên nghiệp về lĩnh vực này. Tuy nhiên mối lo lắng hiện nay là không biết bao nhiêu % các công trình có kết cấu dạng tháp trên 100m có thiết kế an toàn đối với gió cấp 12,13 trở lên. An toàn hay không thì phải có kiểm định, nhưng thực tế là từ trước tới nay chúng ta chưa tiến hành  kiểm định định kỳ đánh giá độ an toàn của kết cấu dạng tháp trong quá trình sử dụng.

“Tới đây dự kiến Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo phải tính toán kiểm định lại các tháp trên 100m, tính toán lại kết cấu, chất lượng công trình, công tác bảo trì và kiểm tra lại tải trọng treo trên tháp… Sẽ có một đơn vị tư vấn độc lập thực hiện việc kiểm tra, dưới sự chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước khi tổ chức kiểm định...”- ông Hùng khẳng định.

Lan Hương